Sau khi đăng quang ngôi vị cao nhất tại cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017, người đẹp Lê Âu Ngân Anh (SN 1995, nặng 50kg, số đo 3 vòng: 85-58-94) vướng phải những ý kiến trái chiều về nhan sắc không mấy nổi bật. Đặc biệt, cư dân mạng có nhiều lời bình luận tỏ rõ thái độ không đồng tình, lăng mạ với sự "lên ngôi" của Ngân Anh.
Người đẹp Lê Âu Ngân Anh đăng quang Hoa hậu Đại dương 2017
Bạn Hoàng Thắng cho rằng, người đẹp gốc Tiền Giang có vẻ ngoài và thần thái không “đạt chuẩn Hoa hậu”. “Tiêu chí để một người đẹp trở thành Hoa hậu phải là mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt hai mí, môi trái tim. Còn Ngân Anh cứ nhắm tịt mắt lại, đôi môi thì…trề ra.
Ở nước ngoài, ai đã từng đi phẫu thuật thẩm mỹ là vi phạm pháp luật của các cuộc thi Hoa hậu. Vậy mà ở Việt Nam, cô ấy đã từng sửa mũi vẫn “vinh dự” được đội Vương miện?”, Hoàng Thắng băn khoăn.
Người đẹp gốc Tiền Giang có vẻ ngoài và thần thái không “đạt chuẩn Hoa hậu"? (Ảnh: Chụp từ màn hình)
Nickname V.A bức xúc: “Ngắm Hoa hậu Đại dương, tôi chỉ muốn “thả về với biển”. Giờ, tôi đã hiểu vì sao người ta nói đăng quang Hoa hậu để bảo vệ môi trường, giúp đỡ nhân loại…”
Bên cạnh đó, nhiều cư dân mạng còn có những lời bình luận khiếm nhã, so sánh đôi môi Tân Hoa hậu giống con cá ngão, cá mú hay cá thành tinh,…
Trao đổi với chúng tôi, LS. Đào Thị Bích Liên, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Những lời bình luận trên của cư dân mạng có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm cá nhân Tân Hoa hậu Đại dương. Tùy theo tính chất và mức độ hành vi vi phạm, người phạm tội có thể bị cơ quan thẩm quyền xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự”.
“Nếu Tân Hoa hậu thấy những lời bình phẩm ấy xúc phạm danh dự, gây ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của mình thì có thể gửi đơn yêu cầu đến cơ quan chức năng can thiệp”, LS. Liên nói
Tuy nhiên, theo LS. Liên, việc can thiệp hay xử lý thông tin trên mạng xã hội là rất khó. Trước hết, phải xác định được chủ nhân của tài khoản có hành vi vi phạm pháp luật là ai và lưu trữ các chứng cứ liên quan… Sau đó, Tân Hoa hậu nên yêu cầu cơ quan chức năng lập biên bản hoặc nhờ thừa phát lại lập vi bằng chứng cứ, tránh trường hợp khi nộp đơn tố cáo thì người vi phạm đã tiêu hủy chứng cứ.
Trong trường hợp xử phạt hành chính, người xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác có thể bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng. (Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chồng tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình). Nếu gây hậu quả nghiệm trọng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” (Điều 121, Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009). 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
>> Xem thêm: HOA HẬU ĐẠI DƯƠNG MÔI CONG, CÓ GÌ SAI ĐÂU NHỈ?
Đăng nhận xét