Ngày mùng 3 Tết (ngày 30.1), bác sĩ Hà Trung Hưng (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân Lê Thị H (21 tuổi Hoằng Hoá, Thanh Hoá) đã qua khỏi cơn nguy kịch, tuy nhiễn vẫn phải theo dõi thêm sức khoẻ. Bệnh nhân H nhập viện vào 3h sáng mùng 1 Tết (28.1) trong tình trạng hôn mê, sốc, hạ đường huyết.
Người nhà cho biết, 30 Tết, bệnh nhân cãi nhau với chồng nên uống khoảng 70 ml thuốc diệt kiến. Khi người nhà phát hiện ra đã đưa đến bệnh viện huyện để cấp cứu, đặt ống khí quản, cho thở máy sau đó chuyển lên Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Sau 2 ngày điều trị tích cực, thở máy, sức khoẻ bệnh nhân cũng đỡ hơn. Tuy nhiên, ngộ độc thuốc diệt côn trùng để lại hậu quả lâu dài nên cần theo dõi thêm.
Bệnh nhân uống thuốc diệt kiến đã qua khỏi cơn nguy kịch nhưng vẫn cần theo dõi thêm.
Cùng ngày mùng 3 Tết, Trung tâm Chống độc đã cho bệnh nhân L.T.L.H (35 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) từng nhập viện vì ngộ độc thuốc hạ huyết áp, xuất viện. Bệnh nhân này đã uống tới 60 viên thuốc huyết áp (gấp 60 lần liều thông thường) với ý định tự tử.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp, khó thở, huyết áp tụt. Khi đó, các bác sĩ đã phải vận hành tới 3-4 máy trợ tim mạch mới có thể “kéo” huyết áp lên và có những lúc nguy kịch tưởng không qua khỏi. Trước đó, bệnh nhân đã trầm cảm trong thời gian dài. Bệnh nhân đã xây dựng gia đình và có 3 con nhỏ.
Cũng theo bác sĩ Hưng, trong những ngày Tết, Trung tâm chống độc vắng. Số ca nhập viện do ngộ độc rượu và ngộ độc thức ăn không nhiều. Tính riêng ngày mùng 2 Tết chỉ có 2 ca ngộ độc rượu nhẹ phải nhập viện, tuy nhiên sau khi điều trị đã xuất viện ngay.
“Thường số ca nhập viện do ngộ độc rượu nhiều vào dịp giáp Tết vì khi đó các cuộc tất niên, nhập nhẹt nhiều, uống “hổ lốn” nên dễ gặp rượu có độc tố methanone” - bác sĩ Hưng cho biết.
Trước Tết, tại Trung tâm Chống độc đã có 4 ca tử vong do ngộ độc methanone có trong rượu.
Đăng nhận xét