Nhiều trẻ em đang bị ép buộc làm cha mẹ

Tại cuộc Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. Hiện có quá nhiều trẻ mang thai sớm, chưa hoàn thiện về giải phẫu và tâm sinh lý đã bị ép buộc phải trở thành cha mẹ. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần.

Thạc sĩ Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình cho rằng tình trạng tảo hôn là do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu bị ép buộc lấy vợ/chồng sớm và xâm hại tình dục.

Tảo hôn sẽ khiến chất lượng dân số giảm sút rất nhiều.

Các chuyên gia cho biết, tảo hôn là một trong số những nguyên nhân khiến tình trạng tử vong mẹ trong độ tuổi từ 15-19 tuổi cao hơn so với các bà mẹ trưởng thành. Không chỉ có vậy, những cặp vợ chồng lấy nhau quá sớm nên sự hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn, dễ làm phát sinh bạo lực gia đình, gây ra stress và trầm cảm sau những sang chấn về tâm thần.

Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số là 26,6%, cao nhất là các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn như dân tộc Mông, Xinh Min, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru- Vân Kiều.

Có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 đến 60%.

Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc, cần truyền thông tới đồng bào dân tộc bằng chính ngôn ngữ của họ vì nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, có dân tộc thiểu số không có ai đi học.

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: thực trạng tảo hôn đã tác động nghiêm trọng đến cơ hội học tập, việc làm ổn đinh của trẻ em gái, đồng thời dẫn đến hệ quả trẻ em gái mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần, có thể dẫn đến bạo lực gia đình.

Trên thực tế, tảo hôn đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo thành vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu, làm suy giảm chất lượng dân số cũng như nguồn nhân lực. Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn là việc làm cấp thiết.