Lợi nhuận cao, chất lượng mù mờ

Một vốn… bốn lời!

Theo các nhà bán lẻ, sự bùng nổ smartphone tầm trung, giá rẻ cộng với lượng người dùng là giới trẻ tăng cao đã khiến nhu cầu sắm phụ kiện tăng vọt trong thời gian gần đây.

Trên nhiều con đường ở TP HCM như Hùng Vương, 3 Tháng 2, Nguyễn Kiệm…, số cửa hàng bán phụ kiện ĐTDĐ, máy tính bảng mọc lên ngày càng nhiều, khách mua khá tấp nập. Nhiều siêu thị ĐTDĐ lớn như FPT Shop, Thế Giới Di Động, Viễn Thông A… cũng mở rộng khu vực bán phụ kiện. Thậm chí, HNAMMOBILE, Mai Nguyên… còn mở hẳn cửa hàng chuyên bán phụ kiện.

Cửa hàng bán phụ kiện thiết bị di động ngày càng nhiều ở TP HCM

Các cửa hàng thường bày bán hàng ngàn loại phụ kiện, như bao da, ốp lưng, tai nghe, sạc dự phòng, bàn phím, loa di động… Những sản phẩm này có đủ loại, từ cao cấp của các hãng từ Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Singapore… cho đến giá rẻ của Trung Quốc. Do đó, sản phẩm cùng loại nhưng giá có thể từ vài chục ngàn đến cả triệu đồng.

Ông Đặng Xuân Hải, quản lý kinh doanh siêu thị điện thoại HNAMMOBILE, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chúng tôi mở hẳn siêu thị chỉ bán phụ kiện cho thiết bị di động”.

Theo ông Nguyễn Thế Bảo, chủ một cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ và phụ kiên trên đường Hùng Vương (quận 5, TP HCM), mở cửa hàng kinh doanh phụ kiện khá dễ. Chỉ cần số vốn 35-50 triệu đồng là có thể nhập hàng ngàn loại phụ kiện về bán. Nhiều loại như ốp lưng, bao da, cáp, sạc, pin dự phòng… có giá nhập từ Trung Quốc chỉ 50.000-100.000 đồng/sản phẩm nhưng có thể bán đến 200.000-400.000 đồng. Các phụ kiện cao cấp như tai nghe Bluetooth, loa di động… lãi ít hơn nhưng cũng gần gấp đôi giá nhập.

Chính vì lợi nhuận hấp dẫn, vốn lưu động không quá cao nên nhiều người kinh doanh ĐTDĐ đã chuyển hẳn sang bán phụ kiện. Trên nhiều con đường chuyên bán thiết bị viễn thông tại TP HCM như Hùng Vương, 3 Tháng 2..., nhiều cửa hàng đã thu hẹp khu vực bán ĐTDĐ để mở rộng diện tích trưng bày phụ kiện.

Nhiều chủ cửa hàng cho biết kinh doanh phụ kiện “khỏe” hơn bán ĐTDĐ bởi không phải lo cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng lớn. “Khi hàng tồn nhiều, chỉ cần giảm giá mạnh là đẩy được sản phẩm” - chủ một cửa hàng bán phụ kiện tiết lộ.

Cẩn trọng với hàng nhái, dỏm

Nhiều chuyên gia, nhà bán lẻ cảnh báo do tăng trưởng mạnh nên các phụ kiện kém chất lượng, dỏm, nhái cũng chen vào. Trên thị trường phụ kiện hiện tồn tại 2 loại: Hàng chính hãng được nhập khẩu và phân phối chính thức, giá khá cao; loại còn lại xuất xứ từ Trung Quốc, phần lớn “lạ hoắc” và nhái, giả các thương hiệu lớn. Loại thứ hai chất lượng kém, độ bền thấp, giá rất rẻ và xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo nhiều chuyên gia, trên thị trường xuất hiện nhiều loại pin sạc dự phòng không rõ nguồn gốc, giá chỉ 200.000-400.000 đồng, trong khi sản phẩm chính hãng cùng dung lượng bán đến hàng triệu đồng. Tại Việt Nam, cháy nổ do pin dự phòng chưa xảy ra nhưng trên thế giới đã có. Do vậy, khách hàng đừng vì ham rẻ mà mua hàng kém chất lượng, dễ gây họa.

Giới công nghệ cho biết nguyên nhân khiến pin dự phòng cháy nổ là do kết cấu lõi không bảo đảm. Đa số pin dự phòng giá rẻ dùng lõi Lithium-Ion, loại cao cấp dùng Lithium-Polymer. Để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh, nhiều nhà sản xuất chọn lõi Lithium-Ion, thậm chí sử dụng lõi tái chế khiến khả năng cháy nổ cao. Ngoài ra, pin cháy nổ còn do hệ thống mạch kém chất lượng dẫn đến chập điện.

Ông Trần Mạnh Vinh, chủ một DN chuyên nhập khẩu phụ kiện ĐTDĐ tại TP HCM, cho rằng kinh doanh phụ kiện nên coi trọng chữ tín, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu do cửa hàng kinh doanh mặt hàng này ngày càng nhiều, người tiêu dùng rất dễ nhận biết về chất lượng. Vả lại, khách hàng mua phụ kiện thường là giới trẻ, đối tượng tham gia nhiều diễn đàn trên mạng nên chất lượng phục vụ của cửa hàng rất dễ lan truyền, nơi bán hàng chất lượng kém rất dễ bị tẩy chay.

Mua sắm - Giá cả - Lãi lớn nhờ 'bắt' na ra quảLãi lớn nhờ 'bắt' na ra quảVới nhiều cách làm sáng tạo: bắt cây na dai trổ quả trên thân, cắt cành hợp lý, tự tay “thụ phấn” nông dân ở huyện Lục Nam (Bắc...