Tăng gần 4 triệu từ đầu năm tới nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 5/7, giá vàng trong nước neo ở mức 36,9 triệu đồng/lượng dù giá vàng thế giới giảm mạnh. Chốt cuối ngày, mỗi lượng giảm 50.000 đồng/lượng. Đây là mức tăng cao nhất của giá vàng từ tháng 10/2014 đến nay.
Khảo sát cùng ngày trên thị trường, so với “cơn sốt” cách đây 3-4 năm, không có cảnh chen lấn mua bán vàng nhưng cũng có dấu hiệu giao dịch thu gom vàng đang diễn ra. Trưa 5/7, Hà Nội trời mưa to nhưng vẫn có một số người dân đến xem giá và quyết định mua vàng. Tại cửa hàng SJC trên phố Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội), chị Bích Thu, nhân viên văn phòng có mặt tại đây cho hay: “Sáng nay, thấy giá tiến sát mốc 37 triệu đồng/lượng nên tôi quyết định mua thêm vài chỉ”.
Bà Trần Như My, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn vàng bạc Đá quý Doji cho biết, đa phần khách đến mua vào nhưng chỉ ở mức nhỏ. Tại TPHCM, diễn biến theo chiều ngược lại khi khách đi bán vàng chiếm tỷ lệ cao hơn. Toàn hệ thống Doji giao dịch khoảng 1.000 lượng, theo tỷ lệ bán ra chiếm 60%. Đại diện cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu cho biết, giao dịch trong ngày khoảng 1.000 lượng trong đó, lượng khách mua vào chiếm 65%, khách bán ra 35%. Cuối ngày, phụ trách cửa hàng SJC miền Bắc cho biết, dù giá có biến động tăng mạnh nhưng lượng giao dịch cả ngày giữ ở mức hơn 1.500 lượng.
Giá vàng đang trong những ngày nhạy cảm tăng nóng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Một lãnh đạo công ty vàng miền Bắc cho hay, tại đợt biến động giá lần này, giá vàng trong nước bám khá sát đà tăng của giá vàng thế giới. Hiện thị trường xuất hiện một nhu cầu vàng mới nhưng không xuất phát từ dân mà là các doanh nghiệp xuất khẩu. “So với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng trong nước đang thấp hơn 230.000 đồng/lượng nhưng ở chiều mua vào, giá vàng trong nước đang thấp hơn đến 550.000 đồng/lượng. Đây là mức chênh hấp dẫn cho nên nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh mua vàng để xuất khẩu dưới dạng nữ trang thu lợi nhuận”, vị giám đốc này chia sẻ.
Không nên lướt sóng
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích: Xu hướng giá vàng sẽ tăng trong ngắn hạn nhưng để đạt đến mốc 1.920 USD/ounce vào cuối năm 2011 là rất khó. Với việc đạt mức đỉnh trong vòng 2 năm qua, theo ông Hải, các chuyên gia tin rằng giá vàng có thể tăng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn cũng sẽ có điều chỉnh giảm. “Những ngày qua, khi giá vàng nhảy vọt cả triệu đồng/lượng, không ít nhà đầu tư đã trở lại kênh này”, ông Hải lưu ý.
TS Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khuyên người dân không nên đầu cơ vàng vào thời điểm này. “Giá vàng trong nước được điều chỉnh trên cơ sở chính sách giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ như hiện nay, tạo ra sự ổn định tỷ giá. Như vậy, nếu giá vàng trên thị trường thế giới có tăng 20%, lên mức dự báo là 1.580 USD/ounce, giá vàng Việt Nam sẽ vẫn chỉ lên loanh quanh 39 - 40 triệu đồng/lượng”, ông Hùng nói.
Bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc SJC miền Bắc cũng nhận xét: Giao dịch vàng SJC tăng không phải do đầu cơ hay làm giá mà bởi nhu cầu tranh thủ mua vào để “lướt sóng” của một bộ phận nhỏ dân cư. “Vàng là kênh đầu tư tốt, nhiều người dân cũng muốn tranh thủ “canh” giá tốt mua vào rồi giá cao bán ra chốt lời”, bà Hằng nói.
Tỷ giá cuối năm sẽ không còn thuận lợi Những ngày đầu tháng 7/2016, tỷ giá có dấu hiệu tăng nhẹ. Ngày 5/7, dù tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước công bố không đổi so với hôm trước (1 Đô la Mỹ = 21.858 VND) nhưng tại các ngân hàng, giá bán - mua vẫn điều chỉnh tăng 10 đồng hai chiều. Cùng ngày, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định: Thị trường ngoại hối và tỷ giá VND/USD tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên tới đây, các yếu tố hỗ trợ tỷ giá sẽ không được thuận lợi. Lý do, bởi yếu tố mùa vụ, cân đối cung cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm do nhu cầu nhập khẩu tăng; cũng như khả năng Fed sẽ tăng lãi suất một lần vào cuối năm. Khi lãi suất được điều chỉnh, đồng USD sẽ tăng giá trên thị trường quốc tế, gây ảnh hưởng tới tỷ giá VND/USD. |
Đăng nhận xét