Dính liền mông không có hậu môn
Cặp song sinh dính mông sẽ được phẫu thuật tuần tới. Ảnh afamily
Cặp song sinh này chào đời ngày 24/7, là con của sản phụ Quyền SN 1998 ở Bình Phước. Sản phụ trở dạ và được mổ lấy thai khi thai được 33 tuần. Hai bé chào đời nặng 3,4kg tại BVĐK huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Do bị dính liền mông và sức khỏe yếu nên sau khi được hồi sức, các bác sỹ đã chuyển vào BV Nhi đồng 2, TPHCM tiếp tục cứu chữa.
Tại đây, hội chẩn chuyên môn nhận thấy hai bé dính nhau phần mông, chiều dài dính nhau khoảng 10 cm, đối lưng với nhau theo tư thế đầu hướng ra hai bên, khác với các trường hợp dính thông thường là phần bụng, ngực. Kết quả CT cho thấy, vùng dính của hai bé là hai xương sống tách bạch, hệ thống tiêu hóa tách riêng. Về mặt tổng thể, không thấy hai hậu môn của hai bé nhưng rõ bộ phận sinh dục nữ.
Khi mới nhập viện, bé trong tình trạng bụng chướng, không thấy hậu môn nên các bác sĩ đã ngay lập tức đặt ống vào lỗ rò, hỗ trợ thoát phân dễ dàng hơn. Ngoài ra chưa phát hiện dị tật nào. Vào tuần tới, hai bé sẽ được chụp MRI và hội đồng chuyên môn lên kế hoạch phẫu thuật tách rời cho hai bé.
Được biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trong suốt thai kỳ, sản phụ chỉ khám thai duy nhất một lần dẫn đến không tầm soát được di tật lúc mang thai.
Dính liền nhau phần ngực bụng
Đó là câu chuyện buồn của cặp song sinh dính liền ở Hà Giang. Cặp song sinh là con sản phụ Phàn Thị Thẩy ở thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) chào đời ngày 13/7. Sản phụ mang thai lần hai, thai đôi 9 tháng, chuyển dạ 2 ngôi đầu, tử cung mở 7 cm, có dấu hiệu suy thai nên được chỉ định mổ cấp cứu tại BV Vị Xuyên.
Khi mổ bắt con, các bác sĩ phát hiện 2 bé trai dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, nặng 4,9 kg. Chiều 14/7, hai bé đã được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Các bác sỹ BV Việt Đức đã tiến hành hội chẩn chuyên gia trong và ngoài nước; siêu âm tim, gan…
Kết quả cho thấy cặp song sinh dính nhau rất phức tạp, gan và tim dính với nhau thành một khối lớn, tim ở trung tâm; mạch máu nằm lạc chỗ, buồng tim có thông liên thất và hở van tim.
Cặp song sinh này đã không thể thực hiện được phẫu thuật tách rời. Sau hơn một tuần chào đời, cặp song sinh đã không thể qua khỏi, tử vong trên đường trở về quê nhà.
Ca phẫu thuật tách cặp song sinh đầu tiên của Việt Nam
May mắn hơn, dù song sinh dính liền phức tạp nhưng cũng đã có những ca phẫu thuật tách thành công. Như trường hợp của cặp song sinh Nguyễn Việt – Nguyễn Đức.
Đêm 25/2/1981, cặp song sinh này chào đời tại trạm xá Sa Thầy (Kon Tum) trong hình hài dị dạng, dính liền phần bụng, có hai đầu, hai chân và một chân ngắn chừng hai mươi phân, một hậu môn và một bộ phận sinh dục. Đến năm 1986, Việt ngã bệnh bởi chứng viêm màng não và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Cặp song sinh Việt - Đức ngày nhỏ. Ảnh TL
Vì sợ ảnh hưởng sức khỏe người anh em song sinh đang dính liền thân thể với Việt, ngày 4/10/1988, các bác sĩ đã tiến hành ca đại phẫu thuật tách rời hai cơ thể. Một e kip gồm 70 y bác sĩ trưởng đầu ngành và bác sĩ giỏi nhất của các bệnh viện, trung tâm y học tại TP HCM được tập trung tại BV phụ sản Từ Dũ (TP HCM) để thực hiện.
15 tiếng trôi qua, ca phẫu thuật thành công làm nên kỳ tích cho ngành y học Việt Nam khiến cả thế giới phải thán phục. Đức với những phần cơ thể hoàn chỉnh nhất được anh Việt nhường cho, giờ đã là một thanh niên khỏe mạnh. Anh cũng đã lập gia đình và sinh con. Còn Việt ngày 6/10/2007 trong một cơn bệnh nặng, Việt đã qua đời.
Năm 2003, ca mổ tách 2 bé gái Cúc - An tại BV Nhi Trung ương cũng được đánh giá là phức tạp. Hai bé chung nhiều cơ quan nội tạng như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoành, xương ức. An lại bị thêm dị tật tim bẩm sinh, Cúc có u máu ở cánh tay và ngực. Tiên lượng của các bác sĩ trước ca mổ cho thấy khả năng sống cả hai cháu là 50-60%, nếu cứu sống một trong hai trẻ thì cơ hội khoảng 70%.
Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng đã thành công ngoài mong đợi. Khi được mổ tách hai bé đã hơn 10 tháng tuổi và nặng tổng cộng 15 kg. Hiện cặp song sinh này đã là thiếu nữ khỏe mạnh, học giỏi.
Sự cần thiết của sàng lọc trước sinh Phần lớn những ca song sinh dính liền đều do thiếu sự sàng lọc trước sinh. Hiện nay, có khoảng 2-3% trẻ sinh ra đời mang các dị tật bẩm sinh. Để giảm thiểu tỉ lệ này, thiết nghĩ các thai phụ nên đi khám thai định kỳ, thực hiện các hoạt động sàng lọc và chẩn đoán cần thiết. Việc sàng lọc và chẩn đoán khi mang thai có thể phát hiện và can thiệp sớm các dấu hiệu để giúp trẻ phát triển bình thường. Đồng thời cũng giảm nhẹ các hậu quả cho trẻ, giúp cha mẹ có những quyết định giữ hay bỏ thai nhi nếu thai nhi mang những khuyết tật quá nặng, khó có thể sống sót hay phát triển sau khi được sinh ra. |
Đăng nhận xét