Ông Nguyễn Quang Vinh, lái xe trong vụ ô tô gây tai nạn liên hoàn khiến 3 người tử vong bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Thông tin ban đầu, Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, trú tại tổ 15, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) là nhân viên bảo vệ chi cục thuế ở một quận ở Hà Nội.
Tại cơ quan công an, Vinh khai nhận, khoảng 7h30 ngày 29/2, có khách đến cửa hàng của gia đình ông rửa xe Camry BKS 29A - 866.23. Khách để lại chìa khóa cắm ở ổ. Thấy vậy, ông đã lên xe cùng với Phương Anh (SN 1991) trú cùng địa chỉ. Phương Anh ngồi ở ghế sau.
Sau khi vào xe, thấy đèn báo xe nhấp nháy, ông Vinh tưởng xe có vấn đề nên quyết định lái xe đến một gara ô tô trên phố Ái Mộ kiểm tra.
Danh tính tài xế gây tai nạn được xác định là Nguyễn Quang Vinh (Ảnh: Mai Hưng)
Khi rẽ vào phố Ái Mộ, do lấy tay lái vào cua rộng nên xe ô tô lấn sang làn đường bên trái, lúc đó do không biết lái xe và bị cuống nên ông Vinh đã đạp nhầm chân phanh thành chân ga dẫn đến xe tăng tốc gây ra vụ tai nạn khiến bà Nguyễn Thị Trúc (SN 1969, trú tại phố Ái Mộ); ông Trần Việt Tiến (SN 1952, trú phường Bồ Đề); cháu Trần Gia Hân (6 tuổi, học trường Tiểu học Ngọc Lâm, cháu ông Tiến) tử vong.
Cơ quan công an xác định, ông Vinh không có bằng lái, điều khiển xe trong tình trạng say rượu. Hiện cơ quan Công an quận Long Biên đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Tối cùng ngày (29/2), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tới thăm hỏi gia đình 2 nạn nhân tử vong trong vụ xe Toyota Camry gây tai nạn kinh hoàng; yêu cầu khởi tố để xử lý nghiêm đối tượng gây tai nạn.
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, như sau: 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Đăng nhận xét