Liên quan đến công tác phòng chống bệnh do virus Zika, cũng như triển khai các biện pháp ngăn chặn virus Zika vào Việt Nam, chiều ngày 30/3 Bộ Y tế đã tiến hành họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch giữa các điểm cầu Hà Nội, Nha Trang, Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Đến nay xung quanh Việt Nam có nhiều nước có ca nhiễm virus Zika. Vì thế, nguy cơ virus Zika xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Bởi vậy, chúng ta cần phải có phương án khi dịch vào Việt Nam cần phải giám sát như thế nào để phát hiện sớm ca bệnh và khi có dịch bệnh chúng ta đáp ứng điều trị như thế nào?”.
“Muốn không có ca bệnh, hoặc ca bệnh không lây truyền rộng rãi thì chúng ta phải phòng chống muỗi, muốn phòng chống muỗi thì phải diệt loăng quăng, bọ gậy. Để làm được như vậy, người dân và chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác phòng chống dịch”, Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ Y tế đã tiến hành họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch giữa các điểm cầu Hà Nội, Nha Trang, Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì.
Báo cáo tại cuộc họp đại diện Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, rất khó để kiểm soát được các hành khách đi từ vùng có dịch về vì nhiều hành khách, đi nhiều hãng máy bay và quá cảnh ở nhiều sân bay khác nhau. Hiện tại, TP HCM mới chỉ triển khai tờ khai y tế đối với dịch Ebola và Mers-CoV, còn bệnh do virus Zika mới chỉ tiến hành đo thân nhiệt, chứ chưa áp dụng tờ khai y tế.
Về công tác truyền thông, ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đề xuất, cần có quy chế phát ngôn thông tin cho báo chí ở các địa phương, để tránh tình trạng hoang mang lo lắng trong nhân dân, điển hình như sự việc sáng ngày 30/3 khi có thông tin xuất hiện ca dương tính với virus Zika.
Riêng vấn đề quản lý du khách đi từ vùng có dịch về, Bộ trường Bộ Y tế chỉ đạo cần phối hợp với ngành hàng không để lấy được thông tin, danh sách những người đi từ vùng có dịch về. Ngoài ra, phải kết hợp công an cửa khẩu và làm riêng tờ khai y tế đối với virus Zika.
“Không có lý do gì các dịch Mers-CoV, Ebola chúng ta đã làm được mà virus Zika chúng ta lại không làm. Đôi khi, có những trường hợp khi đi từ vùng có dịch vào trong nước chưa sốt, nhưng khi phát hiện nghi ngờ nhiễm virus Zika, chúng ta sẽ dựa vào tờ khai đó có thể tìm được nguồn gốc của họ”, Bộ trưởng Tiến nói.
Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh này phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế) thông tin thêm, hiện tại trên thế giới đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của virus Zika, còn tại Việt Nam tính đến thời điểm này (30/3) chưa phát hiện ca nhiễm virus Zika nào. Tuy nhiên để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế cho biết, đã tiến hành lẫy mẫu xét nghiệm, đáp ứng phòng chống dịch đặc biệt là những địa phương có nguy cơ cao để có biện pháp phòng xử lý ổ dịch kịp thời, bao gồm giám sát tại cửa khẩu, các cơ sở y tế y tế và công cộng.
Đặc biệt, là tại các phòng khám đối với các trường hợp nghi nhiễm virus Zika. Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam có 11 đơn vị có khả năng chuyên môn để xét nghiệm, bao gồm 6 tuyến Trung ương và 5 đơn vị tuyến tỉnh, trong đó có 3 đơn vị đã tiến hành xét nghiệm. Ngoài công tác xét nghiệm, Bộ Y tế cũng yêu cầu giám sát các trường hợp đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh thông qua hệ thống sản nhi...
Đăng nhận xét