Mới đây, thông tin diễn viên Minh Béo bị bắt ở Mỹ vì có hành vi khẩu dâm với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi và toan có hành động dâm ô với trẻ em đã khiến giới showbiz xôn xao.
Đối với con người, tên tuổi gắn với bản thân mình đã là một điều trân quý, cái tên đó với một người nghệ sĩ nó còn là một “chứng nhận” hành nghề, một bảo chứng cho những chương trình mà họ xuất hiện.
Để ghim được tên mình vào lòng công chúng, để được thừa nhận bởi tài năng nghệ thuật, nghệ sĩ phải trải qua không biết bao nhiêu năm khổ luyện, có đắng cay và tủi nhục. Diễn viên Trường Giang đã từng có những ngày trẻ khốn khó, từng phải xách giỏ vào rừng cao su sâu hun hút để lượm củi, mót mủ, thậm chí còn bị từ chối vì không có chút tài năng nghệ thuật.
Trong lĩnh vực giải trí, nơi bóng lộn hào quang ấy có không ít những nghệ sĩ từ gian khó mà nên, vật lộn yêu nghề, sống chết với nghề để tồn tại. Cái tên không chỉ là một tín hiệu của xưng hô, cái tên ấy là một sự ghi nhận có vết hằn của biết bao cố gắng.
Ấy nhưng, cái tên Minh béo chỉ sau một ngày đã trở thành tâm điểm của dư luận chắc chắn đã bị sứt mẻ. Thậm chí, nếu như anh bị kết tội thì con đường trở lại sân khấu thật sự xa vời. Dĩ nhiên, khi chưa có một phán quyết cuối cùng có hiệu lực, mọi sự lên án đều là thiếu cơ sở. Thế nhưng, ở đó vẫn cho thấy nhiều hơn một câu chuyện, câu chuyện về cách thức chúng ta ứng phó với sai lầm.
Minh béo bị bắt ở Mỹ (ảnh internet)
Người trẻ thời nay thường có câu nói: “Sai lầm là đặc quyền của tuổi trẻ”. Quan điểm đó có lẽ cần phải thay đổi. Tuổi trẻ không nên có đặc quyền được sai lầm, bởi vì kể cả khi bạn là trẻ nhỏ sai lầm của bạn vẫn thuộc về trách nhiệm của một ai đó. Theo tôi, sai lầm chỉ có đặc quyền trong lần thứ nhất. Chúng ta có thể đồng cảm bỏ qua sai lầm một lần, nhưng không thể lần thứ hai vẫn thừa nhận điều đó. Bảo vệ cái sai nhiều lần chính là dung dưỡng cho cái sai phát triển.
Ở nhiều gia đình Việt hiện nay, cách dạy con thơ từ tuổi nhỏ vẫn có những sự khác biệt so với cách giáo dục con cái ở các nước phát triển. Tôi từng chứng kiến cảnh bố mẹ một cháu bé ngồi cười ha hả khi thấy đứa con thơ của mình tát liên hồi vào mặt bà nội như một trò chơi mới. Tiếng cười của những người xung quanh với một hành vi sai của trẻ không những cỗ vũ cho trẻ tiếp tục hành vi đó mà còn tạo nên một trạng thái nhận thức lệch lạc có yếu tố lịch sử về sau. Trong trường hợp này, cách thức ứng phó được khuyến khích đó là bố mẹ phải thực sự nghiêm khắc với hành vi sai của trẻ, thậm chí có những hình thức phạt để trẻ nhận thức được rằng việc làm đó không được khuyến khích. Trẻ dù chưa có sự phát triển đồng bộ về nhận thức, nhưng trẻ hoàn toàn có thể ý thức được phản ứng của bố mẹ về các hành vi như thế.
Hôm nay, tôi đọc trong trùng trùng những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, lẫn trong những phẫn uất, lẫn trong những hả hê là lạc lõng những dòng trạng thái kêu gọi sự sẻ chia của một người. Đại thể, anh khuyên mọi người hãy đừng soi sét một con người như sai lầm như thế, trong khi xã hội của chúng ta đầy rẫy những cái sai lầm. Dĩ nhiên, xã hội nào cũng thế, nó tồn tại trong nó những tồn tại của sự phát triển, nhưng hành vi của Minh béo nếu được xác nhận rõ ràng nó không hoàn toàn là lỗi của xã hội. Mà kể cả đó là lỗi của xã hội đi chăng nữa thì nó cũng không phải là yếu tố để cộng đồng thôi lên án.
“Nạn phê phán tràn lan” là một thực tế có thật, nhưng sự phê phán chính là thái độ của cộng đồng, nó vẽ ra những ranh giới ứng xử điều chỉnh hành vi của mọi cá nhân trong xã hội.
Sự bao dung không có nghĩa là biến nó thành một thứ phẩm màu lòe loẹt phủ lên những vết nhơ, không có nghĩa là sẵn sàng bỏ qua cho những hành vi vi phạm. Bao dung là sẵn sàng lên tiếng hoặc chung tay để trả nó về những giá trị đúng, để những cái ác, điều sai buộc phải chịu trách nhiệm. Bởi trong những trường hợp cụ thể, bao dung với người này là tội ác với người khác. Nhất là đối với luật pháp, vi phạm pháp luật thì lần đầu không đồng nghĩa với được thứ tha.
“Hãy sai đi vì cuộc đời cho phép”, đó chỉ là lời ca trong một bài hát, đừng coi đó là công thức ứng xử trong cuộc sống, nhất là cuộc sống ở một nước khác. Mà cuộc đời thì không như luật pháp.
Đăng nhận xét