Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu người giúp việc chăm trẻ sơ sinh (hay còn gọi là vú nuôi) ở các gia đình Trung Quốc tăng lên chóng mặt. Cung không đủ cầu, mức lương cho người giúp việc chăm trẻ hiện nay ở Trung Quốc ngày một cao. Nhất là với những giúp việc có tay nghề cao, thạo chăm trẻ - số tiền họ kiếm được có thể còn cao hơn nhiều nhân viên bàn giấy.
Mức lương hấp dẫn là vậy, tuy nhiên công việc của họ cũng vô cùng áp lực. Cùng theo chân một “siêu giúp việc chăm bé” với mức lương 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng) để xem họ đã phải sống và làm việc thế nào.
Chị Cao (48 tuổi, hiện đang sống tại Thành Đô, Trung Quốc) là một giúp việc chăm trẻ sơ sinh lâu năm. Tính đến nay, chị Cao đã có hơn 8 năm trong nghề với khoảng 30 em bé sơ sinh từng “qua tay” chăm sóc. Tiền lương mỗi tháng trung bình chị Cao nhận được là từ 7000 – 8000 NDT (24-28 triệu đồng/tháng) chưa kể các khoản thưởng. Tết năm vừa rồi, chị được nhà chủ thưởng Tết một bao lì xì chưa 1000 “đô”. Vì vậy, mỗi tháng kiếm được gần 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng) với chị là vô cùng bình thường.
Sau khi được vợ chồng chủ nhà đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ và xác nhận không mắc bệnh tật lây truyền, chị theo chân họ bế bé sơ sinh về nhà. Tại đây, chị sẽ sống cùng gia đình chủ để chăm sóc em bé và người mẹ trong một tháng đầu sau sinh.
“Mỗi lần đi đến một ngôi nhà mới là một cuộc hành trình mới của tôi lại bắt đầu. Lối sống, thói quen, cách ăn nói đều phải thay đổi cho phù hợp”. Trong ảnh: chị Cao đang tắm cho trẻ sơ sinh – một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà những vú nuôi phải biết tường tận và thành thạo.
Sau khi tắm xong, chị sẽ tiến hành massage và cho đứa trẻ vận động nhẹ. Trong lúc chị làm, mẹ của em bé cũng đang thực hành ngay bên cạnh với một con thú bông. Đối với người giúp việc chăm trẻ chuyên nghiệp, tắm bé không chỉ đơn giản là tắm mà còn phải bao gồm cả massage và vận động
Chị có một cuốn sổ nhỏ để ghi chép lại lịch ăn ngủ của em bé, giúp bản thân tiện hơn trong việc chăm sóc.
Khay đồ “kho báu” của chị luôn đầy đủ các loại bỉm, giấy ướt, nhiệt kế, kem dưỡng, kem hăm, bông ngoáy tai….Tất cả đều từ các nhãn hàng trẻ sơ sinh nổi tiếng và đắt tiền.
Ngoài chăm con, chị còn dạy các bà mẹ cách phục hồi cơ thể sau sinh, chịu trách nhiệm tư vấn dinh dưỡng, tâm lý và cả việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Khi có thời gian rảnh lúc trẻ ngủ, chị Cao thường đọc sách Bách khoa nuôi dạy trẻ. Chị bảo mình cần liên tục đọc và học tập để cập nhật những kiến thức chăm trẻ đúng với tiêu chuẩn mới. Những gia đình giàu có luôn muốn chăm trẻ theo khoa học. Chị không thể bị tụt hậu.
Làm giúp việc chăm trẻ, việc thức đêm ru bé ngủ là không thể tránh khỏi. Có những đứa trẻ có nếp ngủ tốt, cũng có những đứa chuyên “ngủ ngày cày đêm” khiến chị cũng phải chong mắt thức theo.
Nhiều bạn bè của chị Cao thấy chị làm vú nuôi lương cao, cũng muốn làm theo. Vậy nhưng nhiều người chỉ làm được một tháng là xin nghỉ vì quá mệt mỏi.
Nếu trong gia đình có trẻ lớn, chị Cao cũng thường không chỉ chăm bé sơ sinh mà còn phải chịu trách nhiệm trông coi cả bé lớn. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao.
Đợt này thời tiết thất thường, bé sơ sinh chị chăm có dấu hiệu ho, sốt. Chị phải dùng cách lấy vài bọc một chiếc nhẫn bạc và lá ngải cứu hấp rồi chà xát bàn chân của em bé.
Thấy đứa trẻ vẫn ho không ngừng, chị bế bé đến bệnh viện kiểm tra.
Kết quả chẩn đoán cho thấy em bé bị viêm phổi, phải nhập viện. Đêm đó, chị Cao ngồi thức trắng bên cạnh. Chị nói, chị đã làm vú nuôi 8 năm nay nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm phổi. Chị không đổ tại thời tiết xấu mà luôn tự trách bản thân.
Sau một tuần truyền dịch, em bé khỏi ốm, lần đầu uống được 80ml sữa, chị vui mừng khôn xiết.
Trước khi chia tay nhà chủ, chị còn quay lại một đoạn video hướng dẫn cách massage trẻ sơ sinh để mẹ bé xem và học theo.
Làm vú nuôi cho các gia đình giàu có, chị đã từng được ở rất nhiều ngôi nhà sang trọng của cả người châu Âu có và người Trung Quốc, nhưng ngôi nhà thoải mái nhất mà chị luôn muốn ở, cũng vẫn chỉ là ngôi nhà gạch giản dị ở quê nhà.
Đăng nhận xét