Đám đông xếp hàng dài gần 15km để tỏ lòng thương tiếc Nữ hoàng Anh

Đám đông xếp hàng dài gần 15km để tỏ lòng thương tiếc Nữ hoàng Anh - Ảnh 1.

Hàng dài người xếp hàng ở London. Ảnh: Getty

Hàng dài người dân Anh đã đứng đợi để bày tỏ lòng kính trọng với Nữ hoàng Elizabeth II. Đây không phải là một hàng dài bình thường. Nó mang ý nghĩa biểu tượng, một nghi lễ, một hiện thân của tình yêu dân tộc. Nói ngắn gọn, nó được gọi là Hàng đợi (The Queue).

Nó kéo dài từ Hội trường Westminster, nơi thi hài của vị Nữ hoàng quá cố đang được đặt, trải suốt hàng kilomet dọc theo bờ nam của sông Thames. Nó trải dài các địa danh trong quá khứ như London Eye (được xây dựng vào đầu thiên niên kỷ), Sảnh Lễ hội Hoàng gia (mở cửa vào năm 1951, một năm trước khi Công chúa Elizabeth lên ngôi) và nhà hát Globe. Theo kế hoạch, Hàng đợi sẽ kéo dài 14,5 km.

Hàng đợi còn có tên là đường Elizabeth.

Hàng dài trật tự bắt đầu hình thành bên ngoài Cung điện Westminster ngay sau khi người ta thông báo rằng Nữ hoàng quá cố sẽ được đặt tại Hội trường Westminster vào 12/9 - hai ngày trước khi mở cửa cho công chúng.

Đến chiều 14/9, Hàng đợi chính thức bắt đầu, và tất cả các tiện nghi theo kế hoạch đều đã chuẩn bị xong. Nhà vệ sinh di động, vòi phun nước và các trạm sơ cứu nằm rải rác dọc theo tuyến đường.

Hàng đợi sẽ đi qua Cung điện Lambeth, nơi ở chính thức của Tổng giám mục Canterbury, giáo sĩ cao cấp nhất trong Giáo hội Anh. Tổng giám mục đương nhiệm, Justin Welby, đã ra mắt để ban tặng lời chúc cho Hàng đợi và tất cả những người ủng hộ vào 14/9, bày tỏ hy vọng rằng họ cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc thiêng liêng này.

Mỗi người đưa tang được trao một chiếc vòng tay đặc biệt cho biết vị trí của họ trong Hàng đợi, sau đó sẽ được kiểm tra tại các trạm kiểm soát khác nhau dọc theo tuyến đường. Hàng trăm cảnh sát cũng có mặt để giữ trật tự.

Để làm cho Hàng đợi hiệu quả nhất có thể, chính phủ Vương quốc Anh đã thiết lập một trình theo dõi trực tiếp hiển thị độ dài và vị trí điểm kết thúc hiện tại.

"Bạn sẽ cần phải đứng trong nhiều giờ, có thể là qua đêm, gần như không được ngồi xuống, vì Hàng đợi sẽ liên tục di chuyển", hướng dẫn chính thức của chính phủ về Hàng đợi cho hay.

Cecilia Tyrrell, một nghệ sĩ 26 tuổi, nói với CNN: "Tôi có rất nhiều thức ăn và tôi định mang theo ô, nhưng tôi đã quên… Tôi đã chuẩn bị trong 12 giờ, theo những gì họ nói trên bản tin".

Vào thời điểm Tyrrell đến trạm kiểm soát Cầu Lambeth, cô đã đợi ba tiếng đồng hồ. "Tôi nghĩ nó sẽ lâu hơn rất nhiều", cô nói và cho biết thêm rằng đây là một sự kiện có một không hai. "Đây là một dịp hiếm có, tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn".

Đến chiều 15/9, hàng kéo dài đến hơn 7km, chạy suốt từ Cung điện Westminster đến Cầu Tháp và xa hơn nữa.

Công viên Southwark, nằm cách Westminster khoảng 10km về phía đông nam, đã được chỉ định là Điểm cuối chính thức của Hàng đợi.

Nhưng để an toàn, các nhà chức trách đã dựng hàng rào để tạo thành thêm 5km đường ngoằn ngoèo trong công viên.

Trong khi mọi người đến bày tỏ sự kính trọng của họ với Nữ hoàng, nhiều người thừa nhận Hàng đợi đã trở thành trải nghiệm đặc biệt của riêng mình.

"Tôi muốn tham gia vì khía cạnh lịch sử, tôi muốn thấy mọi người xích lại gần nhau", Alice Hickson, một sinh viên, nói với CNN khi đứng gần cuối Hàng đợi gần Cầu Tháp.

Henri Hayler, một nhân viên tài chính 33 tuổi từ Hastings cho biết anh rất thích gặp gỡ những người khác trong Hàng đợi. Hayler chia sẻ với CNN rằng anh đã tham gia vào dòng người sau khi đến London lúc 5:30 sáng hôm 15/9 (giờ địa phương).

Hội trường Westminster, phần lâu đời nhất của Cung điện Westminster, nơi đặt thi thể Nữ hoàng, sẽ vẫn mở cửa 24 giờ một ngày cho đến sáng sớm ngày 19/9, và các nhà chức trách dự kiến mọi người sẽ tiếp tục xếp hàng cho đến khi kết thúc.

Adblock test (Why?)