Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga hiện có "bốn khu vực mới" bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, người dân ở 4 khu vực này là "công dân của chúng tôi mãi mãi"và kêu gọi Kiev "ngay lập tức" ngừng hành động quân sự ở các khu vực Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk, theo France24.
Như vậy Nga đã tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 109.000 km2 lãnh thổ Ukraine, tương đương khoảng 18%, ngoài bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014.
Điện Kremlin trước đó tuyên bố hôm thứ Sáu 30/9 rằng, các cuộc tấn công nhằm vào bất kỳ phần lãnh thổ nào mà Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập sẽ được coi là hành động gây hấn chống lại chính nước Nga, theo Reuters. Điện Kremlin đồng thời nói thêm rằng Nga sẽ tiếp tục chiến đấu để giành lấy toàn bộ vùng phía Đông Donbass.
Cụ thể, khi được các phóng viên hỏi liệu một cuộc tấn công của Ukraine vào các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập có được coi là một cuộc tấn công nhằm vào Nga hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Đó sẽ không phải là bất cứ điều gì khác".
Tuần trước, Tổng thống Putin cho biết ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ "sự toàn vẹn lãnh thổ" của Nga.
Việc Nga sáp nhập gần 1/5 lãnh thổ Ukraine vào thứ Sáu 30/9 được cho là sẽ khiến cuộc chiến kéo dài 7 tháng giữa Nga và Ukraine leo thang và bước sang một giai đoạn mới không thể dự đoán trước.
Vào ngày 23-27/9, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, cũng như khu vực Zaporizhzhia và Kherson đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, với đa số phiếu ủng hộ. Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ gia nhập Nga ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng là 99,23%; 98,42% ở Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng; 87,05% ở khu vực Kherson và 93,11% ở khu vực Zaporizhzhia.
Các chính phủ phương Tây và Kiev nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả các cuộc bỏ phiếu "được dàn dựng" và vi phạm luật pháp quốc tế ở 4 khu vực của Ukraine.
Mặc dù Nga kiểm soát gần như toàn bộ Lugansk nhưng nước này chỉ kiểm soát khoảng 60% khu vực Donetsk.
Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng được Nga hậu thuẫn đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ tỉnh Donetsk.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra với vùng lãnh thổ không thuộc quyền kiểm soát của Nga, ông Peskov nhấn mạnh: "Lãnh thổ đó phải được giải phóng".
Lực lượng Không quân Mỹ dự kiến sẽ triển khai một và có thể hai lớp máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 hiện đang được phát triển trong khuôn khổ chương trình Ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD).
“Tôi tin tưởng một điều rằng, công nghệ NGAD sẽ được đưa vào sử dụng và những đối thủ phải chống lại công nghệ này sẽ phải hứng chịu một cuộc chiến rất khó khăn”, tướng Kelly tuyên bố.
“Điều tôi không biết… là liệu quốc gia của chúng ta có đủ can đảm và tập trung để phát triển khả năng này trước khi một đối thủ như Trung Quốc triển khai nó và sử dụng nó để chống lại chúng tôi hay không”, ông Kelly nói thêm.
Mặc dù vậy, vị tướng Mỹ nhấn mạnh rằng, quân đội nước này đang duy trì “sự tập trung cao độ” vào các công nghệ tối tân thế hệ tiếp theo để đảm bảo Mỹ vẫn có ưu thế trên không trước các đối thủ.
Về tầm quan trọng của việc duy trì ưu thế trên không - điều thúc đẩy máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 được phát triển - tướng Kelly tuyên bố rằng quân đội Mỹ, được "thiết kế" để hoạt động và chiến đấu với điều kiện họ nắm được quyền kiểm soát trên không chứ "ít được thiết kế để hoạt động mà không có khả năng đó".
Việc các lực lượng Mỹ không được chuẩn bị tốt cho một cuộc chiến mà các máy bay của họ có thể yếu thế hơn các máy bay chiến đấu của đối phương đã được các nhà phân tích nhấn mạnh liên tục trong hơn hai thập kỷ qua. Nguy cơ quân đội Mỹ sụp đổ hoặc thất bại bắt nguồn từ việc họ không thể đối đầu với các máy bay chiến đấu tối tân hơn của đối phương, mất ưu thế trên không vào tay kẻ thù đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, theo The Diplomat.
Nguy cơ trên được đưa ra tranh luận trong bối cảnh Mỹ đang gặp một loạt các vấn đề với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35. Tướng Kelly cũng đã thừa nhận rằng, chương trình F-35 có khả năng không đạt được mục tiêu giảm chi phí hoạt động xuống 25.000 USD mỗi giờ vào năm 2025.
F-35 hiện là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 duy nhất đang được sản xuất ở phương Tây và chi phí để sản xuất cũng như vận hành nó bị chỉ trích là quá đắt đó. Mặc dù F-35 đã được đưa vào biên chế trong Không quân Mỹ từ năm 2015, nhưng nó vẫn còn rất lâu mới sẵn sàng chiến đấu cường độ cao và chưa được Lầu Năm Góc chấp thuận đưa vào sản xuất hàng loạt do các vấn đề về hiệu suất đang diễn ra.
Theo Pravda, lực lượng Ukraine ngày 29/9 đã tấn công sở chỉ huy của Nga ở quận Beryslav và trung tâm điều khiển UAV trên mặt đất của đối phương ở Davydiv Brid. Cả Beryslav và Davydiv Brid đều thuộc tỉnh Kherson - nơi Ukraine đang tiến hành chiến dịch phản công mạnh mẽ để giành lại lãnh thổ chiến lược này từ Nga.
Tổng cộng, lực lượng Ukraine đã tấn công vào 6 khu vực tập trung quân nhân, vũ khí và trang thiết bị của quân đội Nga ở thành phố Kherson, thành phố Nova Kakhovka và thành phố Nova Kardashynka (đều thuộc tỉnh Kherson). Ukraine cũng tấn công một đoàn xe và các thiết bị quân sự của Nga ở Nova Kakhovka 2 lần. Lực lượng Tên lửa và Pháo binh của Ukraine đã thực hiện tổng cộng 276 vụ bắn phá nhằm vào các lực lượng Nga ngày 29/9.
Trước đó, các xạ thủ phòng không của Không quân Ukraine đã bắn hạ một lúc 2 máy bay cường kích của Nga trên bầu trời tỉnh Mykolaiv vào cùng ngày 29/9.
Ủy viên hội đồng khu vực Kherson do Kiev bổ nhiệm, ông Sergey Khlan cho biết, các đơn vị quân đội Nga đang tập trung tại một ký túc xá đại học ở thành phố Kherson (Nga kiếm soát) đã bị tấn công vào ngày 29/9, New Voice of Ukraine đưa tin.
Theo ông Khlan, ký túc xá này thuộc về Trường Đại học Bách khoa ở Kherson và hiện đang được sử dụng làm nhà ở quy mô lớn cho binh lính Nga.
Về hậu quả của cuộc tấn công, ông Khlan nói rằng vài chục binh lính Nga đã thiệt mạng.
Vị quan chức Ukraine này cũng lưu ý rằng, người Nga đã lo sợ đến gần tòa nhà, vì các vụ nổ có thể tiếp tục.
Vào giữa tháng 9, bà Natalia Humeniuk, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Tác chiến miền Nam của quân đội Ukraine cho biết, Ukraine đang đặt gần như toàn bộ tỉnh Kherson do Nga kiểm soát trong tầm bắn.
Theo bà Humeniuk, ở phía nam Ukraine, các đơn vị quân đội của Nga đang bị kẹp chặt giữa Lực lượng vũ trang Ukraine và hữu ngạn sông Dnipro. Các binh sĩ Nga có cơ hội đầu hàng dưới sự bảo trợ của luật nhân đạo quốc tế hoặc rút về nhà.
Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng, chỉ có thể nói về việc kết thúc chiến tranh khi Ukraine giải phóng được toàn bộ các vùng lãnh thổ của nước này hiện do Nga kiếm soát.
Giấy chứng tử do Cơ quan hồ sơ quốc gia Scotland công bố hôm 29/8 cho thấy thời gian qua đời của Nữ hoàng Elizabeth II đã được con gái duy nhất của nữ hoàng, Công chúa Anne, đưa vào hồ sơ ngày 16/9, theoAFP.
Vị quốc vương 96 tuổi qua đời tại lâu đài Balmoral của bà ở Scotland. Bà là quốc vương tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Anh và nắm quyền nguyên thủ quốc gia trong 70 năm kể từ năm 1952.
Công chúa Anne cho biết trong một tuyên bố do Điện Buckingham đưa ra vào ngày 13/9 rằng bà đã có mặt trong 24 giờ cuối cùng của cuộc đời mẹ mình.
Giấy chứng tử ghi nhận nơi mất của nữ hoàng là "lâu đài Balmoral"; "nơi ở thường xuyên" của bà là lâu đài Windsor; tên người chồng quá cố của bà là Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh; và tên đầy đủ của cha bà là Vua George VI, mẹ là Hoàng hậu Elizabeth.
Dưới phần được đánh dấu "nghề nghiệp" có ghi: "Nữ hoàng bệ hạ".
Nếu nữ hoàng qua đời ở Anh, sẽ không có yêu cầu đăng ký những thông tin nói trên, vì luật chỉ áp dụng cho các thần dân của vương quốc. Tuy nhiên, luật có từ năm 1836 không áp dụng ở Scotland, nơi có hệ thống pháp luật tách rời với Anh và xứ Wales, quy định rằng "cái chết của mỗi người" phải được chứng nhận vào hồ sơ.
Sự ra đi của nữ hoàng được chứng nhận bởi Douglas James Allan Glass, một bác sĩ đa khoa địa phương ở làng Braemar gần Balmoral, người đã “chăm sóc sức khỏe cho nữ hoàng" trong 34 năm.
Timescho biết vị bác sĩ đã ở đó khi nữ hoàng qua đời và ông nói rằng điều đó "không bất ngờ" vì tuổi tác của bà.
“Chúng tôi đã lo ngại về sức khỏe của nữ hoàng trong vài tháng. Tôi đã ở đó vào thời điểm bà qua đời và thời gian được ghi trên giấy chứng tử", theo lời vị bác sĩ 68 tuổi.
"Nguyên nhân tử vong đã được ghi lại. Tất cả đều không nằm ngoài dự kiến và chúng tôi đã biết khá rõ về những gì sắp xảy ra”, ông cho hay.
“Công chúa Anne ở bên nữ hoàng và Thái tử Charles cũng có mặt", ông Douglas James Allan Glass nói thêm về thời điểm nữ hoàng qua đời.
Hôm 29/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Moscow và Washington đang "tham gia vào một cuộc đối thoại" nhằm khôi phục thỏa thuận START mới (New START). New START là một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân quan trọng nhằm kiểm soát số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai, cũng như các phương tiện vận chuyển.
Hai cường quốc đang xem xét việc nối lại các cuộc thanh tra những kho vũ khí hạt nhân đã triển khai của nhau, vốn bị tạm ngưng vào năm 2020 vì đại dịch Covid-19.
Bà Zakharova nói với các nhà báo: "Việc nối lại đang được xem xét", đồng thời bà nói thêm các bên hiện đang thảo luận về các cách thức cho phép họ "thực hiện đầy đủ các điều kiện của hiệp ước này".
Nga và Mỹ cũng có thể tổ chức một cuộc họp trực tiếp của ủy ban cố vấn song phương, theo người phát ngôn.
Theo bà Zakharova, các động thái "chống Nga" của Mỹ cùng nhiều đồng minh đã khiến một số thủ tục "thông lệ" của hiệp ước trở nên khó khăn.
Hiệp ước New START năm 2010 hầu như vẫn là thỏa thuận kiểm soát vũ khí tích cực duy nhất giữa hai cường quốc hạt nhân kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.
Thỏa thuận này hết hạn vào đầu năm 2021, sau đó Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý gia hạn thêm 5 năm vào tháng 1/2021. Các cuộc đàm phán trước đó giữa Moscow và Washington đã bị đình trệ dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Biden, ông Donald Trump.
Thỏa thuận này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà Mỹ và Nga có thể sở hữu là 1.550 đầu đạn hạt nhân mỗi loại. Theo thỏa thuận, mỗi bên cũng chỉ được phép có không quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân. Tổng số phương tiện vận chuyển hạt nhân chiến lược không được vượt quá 800 chiếc.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Washington đã rơi xuống mức thấp lịch sử khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Mới đây, bức tranh chân dung đã mất từ lâu của Vua Charles III đã được nhìn thấy lần đầu tiên sau 24 năm, một báo cáo cho biết. Bức tranh về vị quốc vương mới của Anh, được vẽ trong thời gian ông còn là Hoàng tử xứ Wales, khiến người dân vô cùng thích thú.
Bước tranh được vẽ khi Vua Charles mới 21 tuổi và ra mắt tại Cardiff vào năm 1970.
Họa sĩ David Griffiths, người đã vẽ bức chân dung, cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để trưng bày tác phẩm lịch sử này. Ông Griffiths nói: "Vì bất cứ lý do gì, bức chân dung đã được cất giữ tại Tòa thị chính trong nhiều thập kỷ. Sẽ rất thú vị nếu được nhìn thấy bức tranh một lần nữa và tôi cảm thấy bây giờ là thời điểm thích hợp cho mọi người chiêm ngưỡng".
Ông Griffiths đã vẽ bức chân dung thứ hai của Vua Charles vào năm 2002 sau khi được Hiệp hội Nông nghiệp Hoàng gia xứ Wales ủy quyền.
Ông cũng từng vẽ một số chính trị gia nổi tiếng, bao gồm Bộ trưởng thứ nhất xứ Wales Mark Drakeford và cựu lãnh đạo Đảng Brexit Nigel Farage.
Theo MailOnline, phần đầu của bức tranh Vua Charles được vẽ tại Cung điện Buckingham vào năm 1969. Sau đó, bức tranh được hoàn thiện vào thời điểm trước ngày Vua Charles khởi hành đến Australasia (khu vực của châu Đại Dương—bao gồm Úc, New Zealand, đảo New Guinea và các quần đảo cận kề trên Thái Bình Dương) vào năm 1970.
Bức chân dung sau đó được công bố tại Tòa thị chính Cardiff bởi Trung úy Sir Cenydd Treherne.
Bức tranh cũng được trưng bày tại Harrods trong hai tuần, tại National Eisteddfod ở Ammanford và trong phòng trưng bày bằng đá cẩm thạch của Tòa thị chính.
Một phát ngôn viên của hội đồng Cardiff cho biết: "Bức chân dung đã không được nhìn thấy kể từ khi Tòa thị chính cải tạo vào năm 1998".
Thủ tướng Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Cuba đến Hà Nội thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 28/9 - 2/10/2022 theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa Cuba gồm: Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz; Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Cuba Rodrigo Malmierca Díaz; Bộ trưởng Bộ Y tế Cuba José Ángel Portal Miranda; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba Ydael Pérez Brito; Viện trưởng Viện Thể thao, Giáo dục thể chất và Giải trí quốc gia Osvaldo Vento Montiller; Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Josefina Videl Ferreiro.
Thủ tướng Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz sinh ngày 11/7/1963, tại tỉnh Holguin, Cuba. Đồng chí tốt nghiệp cử nhân ngành kiến trúc; bằng quản trị công, Trường cán bộ cao cấp Nhà nước và Chính phủ Cuba.
Đồng chí từng nhiều năm công tác trong ngành du lịch; từ 2001-2004 đồng chí đảm nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn du lịch Gaviota; từ 2004-2019 giữ chức Bộ trưởng Bộ Du lịch Cuba.
Từ 2018 đến nay, đồng chí là Đại biểu Quốc hội Chính quyền Nhân dân.
Ngày 21/12/2019, tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội Cuba khóa IX đã bầu đồng chí Manuel Marrero Cruz làm Thủ tướng Cộng hòa Cuba, nhiệm kỳ 5 năm, theo quy định tại Hiến pháp mới. Ngày 19/4/2021, Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cuba đã bầu đồng chí Manuel Marrero Cruz làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz nhằm triển khai các nội dung thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tiếp nối và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam-Cuba, thể hiện quyết tâm của hai bên trong việc tiếp tục phát triển và thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết thủy chung, tin cậy lẫn nhau, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước.
Trước đó, tối 28/9, Thủ tướng Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Cuba đã đến Hà Nội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Thanh Tùng và Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén đã đón Đoàn tại sân bay Nội Bài.
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz sẽ chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Cuba sẽ vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; dự lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai bên; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Cuba; gặp lãnh đạo TPHCM và một số hoạt động khác.
Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cho biết đã nộp đơn khiếu nại kênh truyền hình MBC, sau khi kênh này đưa tin việc Tổng thống Yoon Suk Yeol có lời lẽ được cho là không phù hợp trong chuyến thăm Mỹ,South China Morning Postđưa tin.
Đảng PPP cho biết sẽ yêu cầu cơ quan công tố mở cuộc điều tra hình sự với giám đốc MBC Park Sung Je cùng 3 người khác. Đảng PPP cáo buộc các cá nhân này bôi nhọ Tổng thống Yoon.
"Họ cố ý lan truyền thông tin sai sự thật và bôi nhọ tổng thống" đảng PPP cáo buộc.
Trước đó, đoạn video Tổng thống Yoon có lời lẽ được cho là thô tục đã xuất hiện trên Internet và thu hút hàng triệu lượt xem. Trong video này, ông Yoon trò chuyện với các phụ tá và quan chức ngoại giao cấp cao sau khi có cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Dù âm thanh đoạn video không thực sự rõ ràng, dường như ông Yoon nói về việc Quốc hội Mỹ không thông qua đề xuất của Nhà Trắng về khoản quyên góp6 tỷ USDcho quỹ phòng chống AIDS toàn cầu.
Người phát ngôn văn phòng tổng thống sau đó nói rằng ông Yoon không đề cập tới Mỹ hay nói từ “Biden”. Người này cho biết tổng thống đã dùng một từ tiếng Hàn có âm tương tự, và ông đang đề cập tới các nhà lập pháp Hàn Quốc chứ không phải Mỹ.
Các lực lượng Ukraine đã tiếp tục đạt được tiến bộ ổn định trong những tuần gần đây, với những cuộc phản công quyết liệt đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi một số vùng lãnh thổ và làm ảnh hưởng đến chiến dịch của Tổng thống Vladimir Putin.
Tuần trước, Tổng thống Putin đã có một bài phát biểu trên truyền hình khẳng định rằng ông sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các khu vực do Nga kiểm soát bị phương Tây đe dọa.
Tuy vậy, mới đây hai cựu tướng lĩnh chỉ huy của quân đội Mỹ ở châu Âu và châu Phi đã tuyên bố rằng thành công to lớn trong các cuộc phản công gần đây của lực lượng Ukraine cuối cùng sẽ dẫn đến việc giành lại Crimea.
Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges nói với hãng truyền thông LRT của Litva: "Tôi nghĩ rằng vào cuối năm 2022, các lực lượng Ukraine sẽ đẩy lùi lực lượng Nga và vào giữa năm sau, họ sẽ ở Crimea".
Ông nói tại Diễn đàn CEPA ở Washington: "Một khi Ukraine nhận được thêm Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) hoặc các hệ thống phóng tên lửa khác, thì đó chỉ là vấn đề thời gian".
"Crimea sẽ là phần thưởng dành cho Ukraine. Họ sẽ đạt được chiến thắng khi người lính Nga cuối cùng rời khỏi Crimea", ông nhấn mạnh.
Trung tướng đã nghỉ hưu Mark Hertling đồng ý rằng Ukraine sẽ tìm cách giành lại Crimea và mặc dù ông thừa nhận cuộc chiến sẽ vô cùng khó khăn, nhưng Kiev sẽ có sự hỗ trợ từ Washington.
Ông nói: "Nếu Ukraine quyết tâm giành lại Crimea, mà theo tôi nghĩ là họ sẽ làm, thì chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ".
Trung tướng Hertling thừa nhận đây sẽ là một "cuộc chiến khó khăn" cho các lực lượng Ukraine, chủ yếu là do những thách thức về địa hình.
Ông giải thích: "Chỉ có một vài con đường đi qua vùng đầm lầy. Theo chiến thuật thông thường thì sẽ rất khó khăn để quân đội Ukraine tiến vào Crimea".
Vị tướng chỉ huy đã nghỉ hưu nhớ lại rằng trước khi Nga sáp nhập Crimea cách đây 8 năm, nước này đã dựa vào các đơn vị bộ binh hải quân và lực lượng đặc biệt của mình để giành quyền kiểm soát bán đảo.
Tuy nhiên, ông cảnh báo các lực lượng Ukraine không mạnh về hải quân và cần sử dụng "hỏa lực tầm xa".
Các quan chức Đức cảnh báo, nếu thiệt hại không được sớm sửa chữa, một lượng lớn nước biển mặn có thể chảy vào trong đường ống và ăn mòn chúng đến mức không thể phục hồi.
Hôm 28/9, Đan Mạch cho biết các nhà chức trách của họ sẽ tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề này sau khoảng 1 hoặc 2 tuần do "lo ngại về an toàn", theo Tagesspiegel.
Các phương tiện truyền thông không đề cập đến bất kỳ kế hoạch sửa chữa nào của Nga hay Đức.
Một nhóm nghị sĩ cấp cao của Đức đã cáo buộc Nga gây ra vụ việc. "Nga đã thực hiện cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và kinh hoàng", phát ngôn viên phòng chống khủng hoảng của nhóm nghị sĩ Liên minh Bảo thủ Đức, ông Roderich Kiesewetter nói với nhóm truyền thông RND.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann nói với các nhà báo rằng "không thể loại trừ khả năng Nga làm vậy nhằm gây khó khăn cho châu Âu". Bà cũng tận dụng cơ hội này để kêu gọi Đức và Liên minh châu Âu (EU) "giải phóng" mình khỏi sự "phụ thuộc vào nguyên liệu thô của Nga càng nhanh càng tốt".
Các nhà chức trách Đan Mạch xác nhận rò rỉ trên các đường ống vào hôm 26/9 sau khi ghi nhận cả hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 bị mất áp suất vào đầu ngày. Các nhà chức trách Đan Mạch và Thụy Điển sau đó đã lên tiếng về một loạt vụ nổ dưới đáy biển trong khu vực. Các nhà chức trách Nga, Mỹ và Thụy Điển cho biết những rò rỉ có thể là kết quả của một cuộc tấn công có chủ ý.
EU tuyên bố sẽ "phản ứng mạnh mẽ nhất có thể" đối với các cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của họ nhưng không nêu tên bất kỳ nghi phạm nào trong vụ Nord Stream. Nga coi đây là một "cuộc tấn công khủng bố" và cho biết họ sẽ triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vụ này.
Nhật Bản hôm thứ Tư 28/9 đã cáo buộc Trung Quốc đưa tàu vào lãnh hải của nước này xung quanh một chuỗi các đảo tranh chấp giữa 2 nước.
Các quan chức thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của nước này gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Tokyo kiểm soát, Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền) ở Biển Hoa Đông.
Tokyo cho biết, đây là lần thứ 27 trong năm nay các tàu Trung Quốc bị phát hiện đi vào lãnh hải Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki cáo buộc, các tàu Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và gọi vụ việc là "cực kỳ đáng tiếc và hoàn toàn không thể chấp nhận được", theo Hãng tin Kyodo.
Ông Yoshihiko nói với các phóng viên rằng, Tokyo cũng đã đệ đơn phản đối Bắc Kinh về việc vi phạm luật pháp quốc tế.
Cảnh sát biển Nhật Bản tuyên bố rằng, họ đã phát hiện các tàu Trung Quốc gần các đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông trong hai tuần qua.
Hôm thứ Ba 27/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 7 tàu hải quân của Trung Quốc và Nga đã di chuyển gần quần đảo Izu ở phía nam Tokyo trên Thái Bình Dương. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành một cuộc tuần tra chung trong khu vực.
Trên mạng xã hội, chính quyền địa phương thông báo ngọn lửa bùng phát vào 12h40' tại nhà hàng ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm.
Lực lượng cứu hỏa được triển khai đến hiện trường và dập tắt đám cháy sau hơn hai tiếng.
"Những người bị thương được đưa đến bệnh viện điều trị, trong khi công tác lo hậu sự cho các nạn nhân cũng đang được tiến hành", chính quyền địa phương cho hay. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được điều tra.
Trường Xuân là trung tâm sản xuất ôtô và cũng là thủ phủ tỉnh Cát Lâm. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.
Trung Quốc thường xảy ra các vụ hỏa hoạn gây chết người vì tình trạng đảm bảo thực thi quy định an toàn còn chưa được chặt chẽ. Những vụ cháy trước đây đã thổi bùng lên tranh cãi về tình trạng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại một số khu vực.
Trước đó hôm 16/9, tòa nhà China Telecom 0728.HK cao hơn 200 m tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã "cháy dữ dội", bốc khói dày đặc lên bầu trời nhưng không gây thương tích.
Tính đến ngày 27/9, Bộ Nông nghiệp Philippines ước tính tổn thất về nông nghiệp của nước này trong siêu bão Noru, có tên địa phương là Karding, là 1,29 tỷ peso (21,9 triệu USD), lớn hơn gấp 9 lần so với ước tính 160 triệu peso một ngày trước đó, Bloomberg và Inquirer đưa tin.
Chính phủ cho biết lúa, gạo chiếm gần 90% trong tổng số 72.231 tấn nông sản thất thoát. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải con số cuối cùng và các cơ quan chức năng vẫn đang đánh giá thêm.
Các con số thiệt hại trên được tính ở các khu vực Cordillera, Ilocos, thung lũng Cagayan, trung tâm Luzon, Calabarzon và khu vực Bicol. Chính phủ hôm 25/9 dự kiến cơn bão có thể ảnh hưởng đến 76% diện tích trồng lúa của cả nước.
Những thiệt hại về nông nghiệp trong cơn bão Noru đang làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực của đất nước trong những tháng qua, khiến lạm phát leo dốc lên gần mức cao nhất kể từ năm 2018. Chính phủ cho biết họ sẽ cung cấp các khoản viện trợ, khoản vay và hạt giống cho nông dân bị ảnh hưởng.
Bão Noru đã rời khỏi Philippines vào đêm 26/9 sau khi khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Thiên văn và Địa vật lý Khí quyển Philippines.
Hơn 74.000 người đã phải sơ tán khỏi nhà trước khi cơn bão đổ bộ. Khi quét qua Philippines, siêu bão Noru gây ra thiệt hại lớn, làm tốc mái nhà, sập đường dây điện và làm hư hại nhiều công trình.
Hôm 26/9, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Raphael Lotilla cho biết toàn bộ các tỉnh Nueva Ecija và Aurora, phía bắc thủ đô Manila - nơi có khoảng 2,5 triệu dân - đang sống trong cảnh không có điện.
Dù thiệt hại của bão Noru đối với Philippines "có vẻ đáng kể", điều này sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 7,5% của họ trong năm nay, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Arsenio Balisacan cho biết trên Twitter hôm 27/9. Bộ Tài chính năm ngoái cho biết trung bình mỗi năm có 20 cơn bão lớn, nhỏ đi qua Philippines, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.
Theo Alarabiya, cơ quan thăm dò địa phương ở khu vực Zaporizhzhia, phía nam Ukraine cho biết, 93,11% cử tri đã chọn gia nhập vào Liên bang Nga sau khi tất cả các lá phiếu được kiểm. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, đây chỉ là kết quả sơ bộ.
Tại khu vực phía đông Lugansk do phe ly khai thân Nga kiểm soát, 98,42% đã chọn sáp nhập vào Nga, các hãng thông tấn Nga dẫn lời chính quyền địa phương cho biết.
Leonid Pasechnik, lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng tuyên bố trên Telegram: “Rõ ràng là Lugansk sẽ trở lại với Nga".
Tại khu vực Donetsk ở miền đông Ukraine, cơ quan thăm dò cho biết, 99,23% cử tri đã chọn sáp nhập Nga sau khi tất cả các lá phiếu đã được kiểm, theo các hãng tin.
Denis Pushilin, thủ lĩnh phe ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn ở Donetsk tuyên bố: “Tất cả chúng tôi đều mong muốn điều này từ rất lâu rồi”, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga đưa tin.
Ông Pushilin hoan nghênh kết quả bỏ phiếu và nhấn mạnh: "Chúng tôi đang đoàn tụ với quê hương vĩ đại của chúng tôi, với nước Nga vĩ đại".
Trong khi đó, Fox News dẫn nguồn truyền thông Nga cho biết, khoảng 98% số phiếu bầu cho đến nay ở các khu vực Donetsk, Lugansk và Zaporizhzhia đã ủng hộ gia nhập Nga. Trong khi khu vực Kherson có tỷ lệ thấp hơn một chút với gần 97% cử tri ủng hộ gia nhập Nga.
Kiev và các quan chức phương Tây từ lâu đã cáo buộc, các cuộc trưng cầu dân ý là "giả tạo" và cảnh báo Moscow sẽ tái diễn lại các bước đã thực hiện vào năm 2014 khi tổ chức "bỏ phiếu" về việc sáp nhập Crimea và cuối cùng công bố kết quả "giả" với khoảng 97% cử tri ủng hộ động thái này.
Các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi được tổ chức ở các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson kể từ ngày 23/9 đến ngày 27/9.
Moscow đã cảnh báo rằng nếu giành được đủ "sự ủng hộ" để sáp nhập 4 khu vực trên của Ukraine, họ sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson là một cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi lực lượng của ông loại bỏ hoàn toàn quân đội Nga khỏi Ukraine, bao gồm cả Crimea.
Ấn bản mới nhất của tạp chí Time có bức ảnh của tướng Valeriy Zaluzhny trên trang nhất - và một bài báo về vị Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine. Bài báo đề cập đến nhiều khía cạnh liên quan đến sự nghiệp, tính cách con người và tầm ảnh hưởng của vị tướng tối cao Ukraine.
Những quyết định chiến lược của Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valeriy Zaluzhny đã giúp quốc gia này trụ vững trước sự tấn công dữ dội của quân đội Nga, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, theo Time.
“Zaluzhny là một bộ óc quân sự tài ba mà đất nước của ông ấy cần. Sự lãnh đạo của ông ấy đã giúp các lực lượng vũ trang Ukraine thích ứng nhanh chóng với cuộc chiến chống lại Nga”, tướng Mỹ Mark Milley bình luận người đồng cấp Ukraine vào tháng 5 năm ngoái trên tạp chí Time.
Được tôi luyện trong suốt nhiều năm chiến đấu với Nga ở mặt trận phía đông, tướng Zaluzhny nằm trong thế hệ lãnh đạo Ukraine mới, những người đã học được cách chỉ huy linh hoạt và giao quyền quyết định cho các chỉ huy trên thực địa.
Sự chuẩn bị cẩn thận của ông trong cuộc chiến chống lại Nga và các chiến thuật chiến trường khôn ngoan trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đã giúp Ukraine giữ được Kiev và nhiều thành phố quan trọng khác trước sự tấn công dữ dội của người Nga, khiến Moscow phải thu hẹp mục tiêu chinh phục sang vùng Donbass, miền Đông nước này.
"Chúng tôi không thể để Kiev gục ngã", ông Zaluzhnyi nói với Time.
Tuy nhiên, có lẽ chi tiết thời sự và thu hút nhất hiện tại là vai trò then chốt của tướng Zaluzhny trong chiến dịch phản công gần đây của quân đội Ukraine ở Kharkov, miền đông bắc nước này. Chiến dịch đã giúp Kiev giành lại lên tới hơn 6.000km2 lãnh thổ và khiến nhiều đơn vị quân đội Nga phải vội vã rút lui khỏi vị trí.
Cuộc phản công hiệu quả bất ngờ ở Kharkov
Thực tế là, Ukraine đã vừa cố gắng cầm cự trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga vừa đặt câu hỏi rằng, làm thế nào để giành lại các vùng lãnh thổ bị quân Nga kiểm soát.
Và sau đó, các nhà chức trách Ukraine bắt đầu công khai kế hoạch tiến hành một cuộc phản công ở phía nam. Nga đã ngay lập tức bị thu hút và dốc sức chuẩn bị đối phó với kế hoạch phản công tiềm năng của quân đội Ukraine.
Những lực lượng có khả năng chiến đấu cao nhất của Nga bắt đầu tập trung về miền nam Ukraine, để củng cố các vị trí của họ. Vào ngày 29/8, quân đội Ukraine thông báo rằng cuộc phản công để giành lại lãnh thổ ở phía nam Ukraine được mong đợi từ lâu đã bắt đầu, theo Times.
Tiếp đó, vài ngày sau, quân đội Ukraine đồng thời tiến hành một cuộc phản công đầy bất ngờ ở phía đông bắc của đất nước. Người Nga đã mất cảnh giác. Nhiều đơn vị quân sự Nga được cho là đã tháo chạy tán loạn, bỏ lại vũ khí và trang thiết bị của họ. Đó là lý do tại sao quân đội Ukraine đã thu được rất nhiều thiết bị và đạn dược lính Nga bỏ rơi, trong đó có một số chiến lợi phẩm thực sự có giá trị.
Ukraine đã giải phóng nhiều thành phố, thị trấn và làng mạc rộng hơn 6.000km2 trong vòng chưa đầy 2 tuần và cắt đứt các đường tiếp tế, phá hủy chuỗi cung ứng của Nga.
Thành công của lực lượng Ukraine trong cuộc phản công vào Kharkov có vai trò lãnh đạo rất lớn của tướng Zaluzhnyi, theo Time.
Mặc dù được Liên Xô đào tạo, nhưng tướng Zaluzhnyi đã rất chú ý đến mô hình cấu trúc quân sự của phương Tây và cố gắng học hỏi từ các lực lượng vũ trang của Mỹ và các nước NATO khác.
Đặc biệt, trong khi dẫn dắt các lực lượng Ukraine chiến đấu chống lại người Nga kể từ khi bán đảo Crimea bị sáp nhập năm 2014, ông Zaluzhnyi đã chú trọng đến việc "phát triển các sĩ quan cấp dưới và khuyến khích họ ra quyết định nhanh hơn, tăng quyền hạn cho các chỉ huy trên thực địa".
Ngoài ra, thông tin tình báo và vũ khí tiên tiến do phương Tây cung cấp cho Ukraine cũng đóng góp đáng kể vào chiến công của quân đội Ukraine. Tướng Reznikov nói: “Họ (tình báo phương Tây) đã cho chúng tôi biết vị trí của kẻ thù, bao nhiêu người trong số họ ở đó và họ cất giữ những gì ở đó. Sau đó, chúng tôi sẽ tấn công”, ông Reznikov nói.
Ông Jeffrey Edmonds, cựu nhà phân tích CIA, hiện là chuyên gia về Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ bình luận: “Người Ukraine đã chứng tỏ các hoạt động cấp chiến thuật được phân bổ tốt hơn nhiều. Họ cũng kỷ luật hơn nhiều".
Noru trở thành một trong những cơn bão có tốc độ gió tăng nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Trái Đất hiện đại. Theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp của Mỹ (JTWC), khi ở ngoài khơi Thái Bình Dương, sức gió cực đại của Noru tăng từ 80 km/h (cấp 9) vào ngày 24/9 lên 249 km/h (cấp 19) chỉ trong 24 giờ sau đó.
Sức gió của bão Noru chạm mốc cấp 5, cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir-Simpson. Các nhà khí tượng học chỉ ghi nhận một số ít cơn bão mạnh lên rất nhanh như Noru, theo NASA.
Yale Climate Connections cho biết mức tăng 169 km/h trong vòng 24 giờ của Noru xếp thứ 5 trong bảng kỷ lục toàn cầu. Xếp trên Noru là bão Patricia vào năm 2015 (193 km/h), Hagibis năm 2019 (193 km/h), Ambali năm 2017 (193 km/h) và Ernie năm 2017 (185 km/h).
Yale Climate Connections là chương trình của Trung tâm Truyền thông Môi trường Yale (YCEC), do tiến sĩ Anthony Leiserowitz thuộc Viện Môi trường, Đại học Yale, điều hành.
Theo đó, điều đáng chú ý là tất cả các cơn bão nhiệt đới này đã xảy ra trong bảy năm qua. Các đại dương ấm hơn do biến đổi khí hậu làm tăng đáng kể tỷ lệ xảy ra những cơn bão mạnh bất ngờ.
Địa hình “cứu” Philippines
Trên hình ảnh vệ tinh, mắt bão Noru rất rõ và sắc nét, hoàn lưu hẹp với mây bão xoắn mạnh. Đây là cấu trúc điển hình của những cơn siêu bão.
Ngay trước khi đi vào đất liền Philippines, Noru được ghi nhận là một cơn bão cấp 4 với sức gió 209 km/h, giảm khoảng 32 km/h so với 6 giờ trước đó. Tâm bão đi qua phía nam đảo Luzon, cách thành phố Manila khoảng 50 km.
Theo cơ sở dữ liệu về các cơn bão từ JTWC, chỉ có 6 cơn bão lớn (XSX trở lên) đã đi qua khu vực bán kính 80 km của Manila. Bão Noru tiến vào Biển Đông sau khi càn quét đảo Luzon trong 8 giờ đồng hồ.
Khoảng 20 cơn bão tàn phá Philippines mỗi năm. Quốc đảo này cũng nằm trong “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, nơi xảy ra nhiều vụ phun trào núi lửa và động đất. Điều này khiến Philippines trở thành quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất thế giới.
So với những cơn siêu bão khác đi qua Philippines, Noru để lại ít thiệt hại hơn.
Siêu bão Rai (2021) và Haiyan (2013) để lại hậu quả nặng nề đối với miền Trung Philippines, nơi được coi là nghèo nhất đất nước. Khu vực này bao gồm nhiều đảo nhỏ, không được che chắn và cơ sở hạ tầng kém phát triển nên dễ tổn thương hơn trước bão.
Ngược lại, các thành phố tại đảo Luzon thường nằm sau hoặc giữa các khu vực đồi núi. Chính địa hình núi cao và phân hóa mạnh đã khiến sức mạnh của bão Noru bị gián đoạn và suy yếu xuống cấp 1 (tương đương mức gió từ 119 đến 153 km/h).
Chính phủ Philippines cũng đã kịp thời sơ tán hàng chục nghìn người tại những khu vực nguy hiểm. Theo NPR, bão Noru đã cướp đi sinh mạng của 6 người, bao gồm 5 nhân viên cứu hộ, gây mất điện ở 2 tỉnh và khiến người dân mắc kẹt trong lũ lụt.
Dù vậy, mưa lớn và gió mạnh từ cơn bão đã để lại hậu quả nặng nề đối với ngành nông nghiệp. Các quan chức của đảo Polillo cho biết hơn 300 ha lúa và 100% cây chuối đã bị phá hủy.
Sức mạnh bất ngờ của Noru khiến nông dân Philippines không kịp trở tay.
“Chúng tôi thực sự không may mắn khi bão đến ngay trước khi thu hoạch”, Danilo Fausto, chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Philippines, nói với Washington Post.
Noru mới chỉ là bắt đầu
Noru là cơn bão cấp 5 thứ hai được ghi nhận trong năm 2022. Theo xếp hạng của JTWC, năm 2022 đang có ít bão cấp 5 hơn so với trung bình từ năm 1990 đến 2021 (5,3 cơn bão cấp 5 mỗi năm).
Biến đổi khí hậu do con người gây ra không chỉ khiến những cơn bão trở nên mạnh hơn, mà còn khiến những cơn bão mạnh nhanh chóng như Noru trở nên phổ biến hơn. Nhiều cơn bão phát triển từ bão nhiệt đới lên cấp 3 trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã được các đại dương hấp thụ. Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, kể từ năm 1901, nhiệt độ bề mặt nước biển đã tăng trung bình 0,08 độ C trong mỗi thập kỷ.
Điều này rất quan trọng vì các cơn bão có được sức mạnh từ đại dương. Nước càng ấm, bão càng nhận được nhiều năng lượng. Nhiệt độ bề mặt nước biển cao hơn cho phép các cơn bão đạt mức gió tối đa lớn hơn, theo New York Times.
Một phân tích hình ảnh vệ tinh năm 2020 cho thấy khả năng một cơn bão trở thành cấp 3 hoặc cao hơn, với sức gió duy trì trên 177 km/h, đã tăng khoảng 8% mỗi thập kỷ kể từ năm 1979.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến bão là gió đứt chiều dọc. Gió đứt là sự thay đổi tốc độ hoặc hướng của gió trong một khoảng cách ngắn trong khí quyển. Đối với các cơn bão nhiệt đới, gió đứt chiều dọc rất quan trọng vì các cơn bão chiếm không gian dọc từ mực nước biển đến tầng đối lưu.
Cấu trúc của bão sẽ bị nghiêng khi gặp gió đứt chiều dọc mạnh, làm gián đoạn và phá vỡ dòng chảy nhiệt độ và độ ẩm. Gió đứt đưa không khí khô và lạnh vào tâm bão, khiến bão hoạt động kém hiệu quả và suy yếu.
Trong một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Nature Scientific Reports, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nhiệt độ ấm lên đang làm gió đứt suy yếu, cho phép các cơn bão mạnh lên nhanh hơn.
Dự đoán khó khăn
Sự gia tăng số lượng cơn bão mạnh lên nhanh chóng và không thể đoán trước đặt ra nhiều rào cản đối với các nhà dự báo thời tiết. Những đánh giá về cơn bão có ảnh hưởng lớn đến sự chuẩn bị của cộng đồng.
Khoảng thời gian đưa ra quyết định sẽ bị rút ngắn lại. Việc ban hành lệnh sơ tán quá sớm có thể khiến tình trạng tranh giành nơi sơ tán hoặc thực phẩm xảy ra một cách không cần thiết. Trong một số trường hợp, điều này có thể gây nguy hiểm và tốn kém hơn so với việc giữ nguyên vị trí.
Tuy nhiên, thông báo quá muộn hoặc không có thời gian thông báo cũng gây ra thảm họa tồi tệ không kém.
“Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất của một nhà dự báo”, Kerry A. Emanuel, nhà khí tượng học và chuyên gia về bão tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết.
Các giám đốc của NASA dường như khá lo ngại rằng phi hành gia của họ có thể mang thai ngoài ý muốn trong thời gian làm nhiệm vụ, báo cáo cho biết. Điều này chưa từng xảy ra trước đây mặc dù hơn 600 đàn ông và phụ nữ đã bắt tay vào các chuyến thám hiểm bên ngoài Trái đất.
Simon Dubé, một nhà nghiên cứu tình dục tại Viện Kinsey, nói với The Daily Beast: "Chính thức thì con người chưa quan hệ tình dục ngoài không gian. Tuy nhiên, điều đó có khả năng thay đổi - và vì nhiều lý do, cần phải thay đổi - khi thời gian chúng ta vào vũ trụ trở nên dài hơn bao giờ hết".
Lo ngại về điều này, các chuyên gia hiện đang nghiên cứu về những tác động có thể có mà môi trường vũ trụ sẽ gây ra đối với một phụ nữ mang thai cũng như thai nhi.
Tiến sĩ Jennifer Fogarty, trợ lý giáo sư tại Trung tâm Y học Không gian của Đại học Y khoa Baylor nói với The Daily Beast rằng có "mối quan ngại nghiêm trọng" về tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Tác động đầu tiên chính là bức xạ và vi trọng lực có thể ảnh hưởng đến thai nhi, khả năng dẫn đến dị tật bẩm sinh hoặc mất mạng, Tiến sĩ Fogarty nói.
Ông Dubé giải thích với Daily Beast: "Môi trường không trọng lực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của các phi hành gia. Nó có thể tác động đến chất lỏng trong cơ thể, chẳng hạn như lưu lượng máu và dẫn đến suy giảm chất lượng. Thậm chí nó có thể gây ra tình trạng teo cơ và giảm mật độ xương. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của phi hành gia".
Mặc dù có một số bằng chứng cho điều này, vẫn còn rất nhiều ẩn số trong lĩnh vực tìm hiểu cách không gian có thể tác động đến cơ thể con người đang trưởng thành. Theo những gì chúng ta đã biết, phi hành gia cần duy trì thường xuyên một số hoạt động cụ thể ngoài không gian để hạn chế bất kỳ ảnh hưởng xấu nào có khả năng xảy ra.
Chương trình Nghiên cứu Con người (HRP) của NASA đã nghiên cứu tác động của không gian lên cơ thể con người trong hơn 50 năm. Người ta phát hiện ra rằng một trong những thách thức lớn nhất là giảm nguy cơ phơi nhiễm bức xạ, bởi một số hạt bức xạ không gian dường như đặc biệt khó che chắn.
Chiến lược được sử dụng để giảm thiểu rủi ro sức khỏe khi tiếp xúc với bức xạ ngoài không gian là thực hiện các biện pháp che chắn, giám sát bức xạ và các quy trình bảo vệ. Nhưng đối với một phụ nữ mang thai, những biện pháp này có thể hoàn toàn khác và nó đặt ra rất nhiều khó khăn.
Một vấn đề khác trong không gian là các vi sinh vật (các sinh vật sống nhỏ bé như vi khuẩn) trong cơ thể có thể thay đổi đặc tính và "lan truyền từ người sang người dễ dàng hơn trong các môi trường sống khép kín (như trên Trạm Vũ trụ Quốc tế)", trang web của NASA cho biết.
Trong khi đó, nồng độ hormone căng thẳng tăng cao và hệ thống miễn dịch bị thay đổi có thể dẫn đến tăng khả năng bị dị ứng hoặc các bệnh khác, cũng mang lại nguy cơ rất lớn đối với phụ nữ mang thai.
Tất cả điều này giúp giải thích lý do tại sao chính sách chính thức của NASA cấm mang thai trong không gian. Các phi hành gia nữ cũng được kiểm tra thường xuyên trong 10 ngày trước khi phóng vào vũ trụ.
Nhưng điều này cũng dần thay đổi theo xu thế chung. Trên thực tế, SpaceLife Origin, có trụ sở tại Hà Lan, muốn đưa một phụ nữ mang thai cùng với "đội ngũ y tế đẳng cấp thế giới được đào tạo" lên vũ trụ trong một sứ mệnh kéo dài từ 24 đến 36 giờ.
Theo kế hoạch, tàu vũ trụ sẽ quay trở lại Trái đất sau khi người phụ nữ sinh con trong "một quy trình được chuẩn bị và giám sát cẩn thận để giảm thiểu mọi rủi ro có thể xảy ra", trang web của SpaceLife Origin báo cáo.
Theo Egbert Edelbroek, một trong những giám đốc điều hành của SpaceLife Origin, công ty ước tính sẽ thực hiện dự án vào năm 2024 để chuẩn bị cho khả năng con người có thể hình thành một nền văn minh ngoài hành tinh.
Ông nói với The Atlantic: "Việc thiết lập các khu định cư của con người bên ngoài Trái đất sẽ khá vô nghĩa nếu chúng ta không học cách sinh sản trong không gian".
Ý tưởng này được thúc đẩy bởi Elon Musk, tỷ phú kiêm CEO của SpaceX và Tesla. Doanh nhân này trước đây từng nói: "Nền văn minh du hành vũ trụ chính xác là một tương lai tuyệt vời!"
Cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Mikhail Podolyak nói trong chương trình truyền hình Đức Tagesschau hôm 26/9 rằng Ukraine sẽ không thông báo huy động thêm quân trong bối cảnh Nga ra lệnh tổng động viên một phần.
"Chúng tôi có những nguồn lực dự trữ thông qua hệ thống phòng thủ lãnh thổ và sẽ tích cực sử dụng các nguồn này. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi sẽ không thông báo huy động thêm quân", ông nói.
Ông Podolyak khẳng định Ukraine đang mất ít binh sĩ hơn so với Nga. Tuần trước, Tổng thống Zelensky nói rằng quân đội Ukraine đang hứng chịu ít nhất 50 thương vong hàng ngày, thế nhưng thiệt hại của Nga còn lớn gấp 5 lần. Chỉ vài ngày trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo rằng, trong khi Nga chỉ mất 6.000 binh sĩ kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng Hai, Ukraine đã mất khoảng 61.000 người.
Theo phía Ukraine, khoảng 55.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng. Còn theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đến cuối tháng 7, Nga đã mất hơn 15.000 quân ở Ukraine.
Ông Podolyak cho biết, mặc dù Ukraine có thể chưa cần thêm nhân lực, tuy nhiên họ vẫn cần tăng cường số lượng xe tăng hiện đại, công nghệ cao, chẳng hạn như chiến xa Leopard 2 của Đức.
Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố rằng đất nước của bà đã đạt đến giới hạn cung cấp viện trợ quân sự và việc tiếp tục gửi vũ khí cho Kiev sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của chính Berlin. Đức đã chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không Singer, xe tăng pháo phòng không Gerard và pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Ukraine, nhưng Kiev - và thậm chí một số quan chức Đức - vẫn tiếp tục kêu gọi thêm.
"Các binh sĩ của Lực lượng Hoạt động Đặc biệt (SSO) thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine đã phục kích quân Nga trong một khu rừng ở vùng Donetsk", chú thích của video trên Facebook. "Trong quá trình hoạt động, nhóm tác chiến SSO đã đốt cháy một phương tiện chiến đấu của Nga và tiêu diệt hoàn toàn biên đội của ba chiếc Tiger".
Đoạn video cho thấy các binh sĩ Ukraine đang chạy xuyên rừng. Trong những tuần vừa qua, Kiev đã tiến hành phản công ở khu vực Donetsk, đây vốn là chiến trường quan trọng của cả hai bên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2.
Vào cuối tuần qua, gần 370 thường dân đã được sơ tán khỏi khu vực này, theo Tổng cục chính của Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine.
"Sau cuộc phục kích, các lực lượng SSO của Ukraine bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ phản công khác", Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết hôm 26/9. "Chúng tôi nhắc nhở tất cả lực lượng Nga rằng việc đi ngang qua các khu rừng của Ukraine sẽ luôn có kết cục tồi tệ".
Theo Bộ, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, 2.254 xe tăng Nga đã bị phá hủy.
Trong những tuần gần đây, Nga đã triển khai nhiều xe tăng từ thời Liên Xô hơn từ kho chứa khi Moscow tiếp tục mở rộng các nỗ lực chiến tranh — một động thái mà các quan chức Ukraine đã chế nhạo trên mạng.
Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã tweet vào tuần trước: "Những chiếc xe tăng cũ của Liên Xô bị Nga đưa ra khỏi khu bảo tồn - không có sự bảo vệ chống lại vũ khí hiện đại". "Và những lính nghĩa vụ mới của Nga (cũng không được bảo vệ trước vũ khí hiện đại và quân đội hiện đại - chúng ta đã thấy họ chiến đấu trong những gì). Sự kết hợp hoàn hảo, chắc chắn sẽ thành công."
Donetsk, nơi cuộc tấn công hôm 26/9 được thực hiện, nằm trong số bốn khu vực ở Ukraine (Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia) đang tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga.
Hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh "động viên một phần", triệu tập lực lượng dự bị khoảng 300.000 người chủ yếu là quân nhân giải ngũ, có chuyên môn và kinh nghiệm quân sự. Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân kể từ sau Thế chiến II.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 23/9 thông báo các đối tượng được miễn trừ lệnh động viên, trong đó có nhân sự công nghệ, ngân hàng và nhà báo. Cơ quan này cũng lưu ý các doanh nghiệp lập danh sách nhân viên đáp ứng các tiêu chí.
Nhiều người Nga đã tìm cách rời khỏi đất nước sau khi chính phủ phát lệnh động viên quân. Theo Reuters, khoảng 7.000 người đã vượt biên từ Nga sang Phần Lan hôm 22/9, khoảng 6.000 người trong số họ là công dân Nga, tăng 107% so với một tuần trước đó.
Chuyến bay của United Airlines mang số hiệu UA149 dự kiến cất cánh từ Sân bay Quốc tế Newark Liberty tại New Jersey, Mỹ, đến Sao Paulo ở Brazil vào thứ Tư (21/9).
Khi chiếc Boeing 777 khởi hành vào khoảng 11 giờ 24 phút tối (giờ địa phương), nhiếp ảnh gia hàng không Murt đã ghi lại khoảnh khắc tia lửa phụt ra từ phía bên trái của máy bay.
"Ôi! Chúa ơi!" Có thể nghe thấy tiếng Murt hét lên.
Một số mảnh vỡ của máy bay dường như đã rơi trên đường băng.
Chuyến bay UA149 tiếp tục bay khoảng 1 tiếng rưỡi trước khi phi công quay đầu và hạ cánh trở lại sân bay Newark.
Theo điều tra ban đầu của Cục Hàng không Liên bang (FAA), sự cố nhiều khả năng có liên quan đến việc bơm áp suất thủy lực bị hỏng.
Người phát ngôn của United Airlines cho biết: "Sau khi cất cánh, máy bay của chúng tôi gặp sự cố cơ học, mặc dù vậy nó đã hạ cánh an toàn. Các hành khách được đưa ra khỏi máy bay, chuyến bay sau đó được khởi hành lại vào sáng thứ Năm, 22/9".
Nhiều người tỏ ra vui mừng khi biết tất cả 256 hành khách đều an toàn sau khi máy bay gặp sự cố giữa không trung.
Một người nói: "Nếu tôi ở trên chiếc máy bay đó, chắc hẳn tôi sẽ ngất đi vì hoảng sợ!"
Một người khác chia sẻ: "Sự cố này không thường xuyên xảy ra! Tôi cảm thấy vô cùng may mắn cho những hành khách trên chuyến bay!"
Vụ nổ súng diễn ra hôm 26/9 tại Trường số 88 ở Izhevsk, một thành phố cách Moscow 960km về phía đông, thuộc vùng Udmurtia.
Ủy ban điều tra của Nga xác định kẻ tấn công là Artyom Kazantsev, 34 tuổi, từng học trong trường. Ủy ban cho biết người đàn ông mặc một chiếc áo phông đen có "biểu tượng Đức Quốc xã". Hiện vẫn chưa rõ động cơ của tay súng.
Theo chính quyền Udmurtia, 17 người, trong đó có 11 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ xả súng. Còn theo Ủy ban điều tra của Nga, 24 người khác, bao gồm 22 trẻ em, bị thương trong vụ tấn công.
Thống đốc bang Udmurtia, ông Alexander Brechalov lưu ý rằng nghi phạm là bệnh nhân tại một cơ sở tâm thần.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga cho biết Kazantsev đã sử dụng hai khẩu súng ngắn, cả hai đều chưa được đăng ký. Một cuộc điều tra hình sự về vụ việc đã được tiến hành với cáo buộc giết người hàng loạt và sở hữu vũ khí trái phép.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/9 đã lên án vụ xả súng ở Izhevsk là "vô nhân đạo".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: "Tổng thống Putin vô cùng thương tiếc về cái chết của người dân, đặc biệt là trẻ em tại ngôi trường này. Ông mong muốn khắc phục những hậu quả của cuộc tấn công khủng bố vô nhân đạo vừa xảy ra".
Ngôi trường đã được sơ tán và khu vực xung quanh được căng dây an toàn.
Izhevsk là một thành phố với khoảng 640.000 dân nằm ở phía tây của dãy núi Ural ở miền trung nước Nga.
Cuộc tấn công diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Nga, khi nước này đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và mới đây đã công bố lệnh điều động một phần để tăng cường lực lượng.
"Bất kỳ vụ nổ súng nào tại trường học đều gây ra ảnh hưởng sâu sắc đối với gia đình, chính quyền và quốc gia nói chung. Chúng ta đã thấy điều đó ở Mỹ và nhiều quốc gia khác", phóng viên Mohamed Vall của Al Jazeera, báo cáo từ Moscow cho biết. "Tuy nhiên, người Nga cho rằng đây không phải là chuyện thường xuyên xảy ra ở đất nước này, và phần lớn là rất khó để xác định động cơ đằng sau nó".
Thảm kịch tương tự từng diễn ra vào tháng 4/2022, khi một người đàn ông giết chết hai đứa trẻ và một giáo viên tại một trường mẫu giáo ở miền trung Ulyanovsk trước khi tự sát.
Vào tháng 5/2021, 9 người - trong đó có 7 trẻ em - đã thiệt mạng sau vụ xả súng ở thành phố Kazan, tây nam của Nga.
Giải đấu quy tụ 16 đội bóng mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản như VAK FC - đội bóng của Hội người Việt Nam tại TP.Kitakyushu, FC Kachitai, FC Anh Em Yamaguchi, FC Hà Nội, Hiroshima-VN FC, Newlife FC, Shimonoseki FC, Ohashi FC, FC Nghệ An, FC Sagashi, Oitashi Club, FC Tosu, FC Hải Dương, FC Ozai, FC Newhouse, Hà Tĩnh FC. Giải đấu đã thu hút sự chú ý của cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Giải đấu nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973-2023), nhằm kết nối người Việt Nam tại khu vực Kyushu và các tỉnh lân cận, và nhằm tìm ra các đội bóng mạnh nhất của khu vực Kyushu tranh tài tại giải Bóng đá do FAVIJA tổ chức trên toàn nước Nhật Bản.
Tới dự và động viên các cầu thủ thi đấu có Chủ tịch Hiệp Hội giao lưu Văn hóa thể thao Việt Nam - Nhật Bản Đỗ Quang Ba. Theo ông Quang Ba "FAVIJA đã cố gắng đưa tới cho cộng động người Việt yêu thích bóng đá trong khu vực một sân chơi bổ ích và có tính thi đấu cao. Hiệp Hội dự kiến sẽ mời 4 đội mạnh nhất trong giải đấu lần này tham gia vào giải đấu lớn nhất của Hiệp Hội trên toàn nước Nhật Bản trong tháng 11 tới".
Giải bóng đá cộng đồng tại khu vực Kyushu đã diễn ra trong không khí phấn khởi, sôi nổi, máu lửa nhưng mang tính giao lưu, kết nối cộng đồng mạnh mẽ.
Đại diện Ban tổ chức giải, trưởng ban tổ chức, ông Vũ Văn Luân cho biết: "Hàng năm có rất nhiều giải bóng đá cộng đồng do chính những người con đất Việt yêu bóng đá đứng ra tổ chức, nhưng mới chỉ dừng lại ở giải phong trào. Đây là một trong những giải có quy mô và nằm trong hệ thống tổ chức của một Hiệp Hội. Qua giải đấu, Ban tổ chức mong muốn tạo sân chơi giao lưu, gắn kết, học hỏi và cháy hết mình vì niềm đam mê bóng đá không chỉ cho cộng đồng người Việt Nam tại khu vực mà còn để lại hình ảnh đẹp cho bạn bè quốc tế và những người bạn Nhật Bản tại đây".
Kết quả, sau hơn 10 giờ thi đấu liên lục với 31 trận đấu diễn ra trên 4 sân cỏ, danh hiệu vô địch đã thuộc về đội FC Kachitai, giải nhì thuộc về độ Hà Tĩnh FC, hai đội đồng hạng ba là Newhouse FC và Ohashi FC và một giải phong cách thuộc về đội Oitashi club.
Về phần thưởng cá nhân, cầu thủ xuất sắc nhất giải là Trần Quang Luân, đội FC Kachitai, vua phá lưới thuộc về cầu thủ Đỗ Trọng Phú của Hà Tĩnh FC, thủ môn xuất sắc nhất là Lê Hải Huy của đội Newhouse FC.
Giải đã kết thúc tốt đẹp, để lại trong lòng cổ động viên, vận động viên ấn tượng sâu sắc. Các cầu thủ của các đội đều mong muốn giải sẽ diễn ra thường niêm để bà con người Việt Nam tại đây có một sân chơi vui vẻ, đoàn kết.
Xem thêm một số hình ảnh của giải bóng đá cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày 25/9 vừa qua:
Hạm đội Biển Đen của Tổng thống Vladimir Putin hiện đang kiểm soát lãnh thổ ở khu vực Sevastopol của Ukraine. Mới đây, quân đội Nga tại khu vực này đã phát hiện một vật thể bí ẩn giống chiếc thuyền trôi dạt vào vịnh Omega, làm dấy lên nghi ngờ rằng đây là 'phương tiện không người lái tự phát nổ' của lực lượng Kiev.
Phương tiện không người lái này dường như có thể né tránh các phòng tuyến của quân Nga. Một chuyên gia về tàu ngầm tin rằng mục đích thực sự của nó là len lỏi vào phía sau Hạm đội Biển Đen mà không bị phát hiện, sau đó làm nổ tung các tàu của Nga.
Tác giả H.I Sutton viết trên Naval News: "Chiếc tàu có hình dạng cong, với phần gia cố bên ngoài, thiết kế tương tự một đầu đạn". Ông giải thích thêm rằng "thiết bị này có khả năng đâm vào một tàu khác và kích nổ".
Con tàu được cho là đạt tốc độ 46 km/giờ, đồng thời có thể ghi nhận hình ảnh. "Điều này cũng giải thích cho cụm cảm biến ở mũi tàu", Sutton cho biết thêm.
Ông tiếp tục lập luận rằng thiết bị không người lái được cung cấp năng lượng bởi một động cơ duy nhất trên bo mạch. "Nó có hiệu suất tương đối cao", ông nhấn mạnh.
"Và một chiếc tàu nhỏ như vậy, với kích thước bằng thuyền kayak, sẽ rất khó phát hiện trên radar".
Thiết bị không người lái được cho là nằm trong gói hỗ trợ từ Lầu Năm Góc để giúp đỡ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói khi tin tức về gói hỗ trợ được công bố: "Chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine tàu mặt nước không người lái có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong hoạt động phòng thủ bờ biển".