Tân Thủ tướng Olaf Scholz, 63 tuổi đã thành công trong chiến dịch tranh cử đưa ông trở thành thủ tướng thứ 9 của Đức sau Thế chiến thứ 2 nhờ gây ấn tượng với cử tri rằng ông có phong cách giống với cựu Thủ tướng Angela Merkel.
Theo New York Times, cách nói chuyện rành mạch, hành động quyết đoán, khí chất trầm ổn và bình tĩnh là những đặc điểm "rất giống Merkel" của tân Thủ tướng Scholz. Thậm chí ông Scholz còn có cử chỉ đặt hai 2 bàn tay tạo hình viên kim cương - một nét đặc trưng của người tiền nhiệm Merkel.
Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz được xem là "bản sao" của người tiền nhiệm Angela Merkel.
"Từ tính khí, phong cách chính trị đến biểu hiện khuôn mặt, Scholz đều rất giống với Merkel", New York Times dẫn lời nhà quan sát chính trị kỳ cựu Robin Alexander bình luận.
Tương tự, mô tả mối quan hệ giữa ông Scholz và bà Merkel, nhà báo Pascal Thibaut bình luận: "Bình dị, thực dụng, hiểu biết rõ các hồ sơ quan trọng và là một nhà đám phán đáng gờm: Tân Thủ tướng Olaf Scholz có rất nhiều điểm rất giống Thủ tướng mãn nhiệm Angela Merkel. Bản tính của hai người giống nhau. Tân Thủ tướng đã hai lần làm bộ trưởng dưới quyền của Angela Merkel, phụ trách các vấn đề xã hội vào giai đoạn đầu của khủng hoảng 2008-2009 và nắm Bộ Tài Chính trong 4 năm qua. Olaf Scholz đã làm việc gần gũi với cựu Thủ tướng và có mối quan hệ tốt với bà".
Nhờ vậy, quá trình chuyển giao quyền lực giữa tân Thủ tướng và người tiền nhiệm diễn ra rất yên bình. Vị tân Thủ tướng thực dụng có lập trường rõ ràng: Đứng đầu liên minh chính phủ cùng với đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự do (FDP), ông sẽ tiến hành cải cách sâu rộng nước Đức để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi xanh của đất nước, đấu tranh chống lại bất bình đẳng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa xã hội, chống lại dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế...
Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước.
Sau khi nhậm chức, ông Scholz phải bắt đầu giải quyết nhiều vấn đề trong đó có 3 thách thức chính sẽ định hình tương lai của "đầu tàu" Đức và thậm chí toàn bộ nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU), theo The Conversation.
1. Mối quan hệ với Nga và Trung Quốc
Ngoại trưởng Đức trong chính quyền của tân Thủ tướng Scholz là Annalena Baerbock, đồng lãnh đạo đảng Xanh. Nhưng Đảng Xanh vốn liên tục chỉ trích bà Angela Merkel vì ưu tiên lợi ích thương mại của Đức thay vì các giá trị cốt lõi của phương Tây mà phần lớn việc này liên quan đến Trung Quốc và Nga.
Chẳng hạn, bà Merkel ủng hộ đường ống Nord Stream 2 giữa Nga và Đức, bất chấp sự phản đối của Mỹ và một số đồng minh khác của Berlin. Một nguyên nhân khiến Nord Stream 2 bị phản đối ở Đức là nó khiến Nga bớt phụ thuộc hơn vào một đường ống cung cấp khí đốt khác cho châu vốn đi qua Ukraine. Vì vậy Nord Stream 2 sẽ cho phép Tổng thống Nga Putin cắt bớt nguồn thu của Ukraine từ việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu và giành các lợi thế chính trị.
Nhiều nhân vật trong đảng SPD của ông Scholz có xu hướng mềm mỏng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trái lại, một số nhân vật trong đảng Xanh tỏ ra cứng rắn hơn. Nhưng nếu Nga tiếp tục cứng rắn với Ukraine, đây sẽ là một bài kiểm tra quan trọng khác đối với tân Thủ tướng Scholz.
Còn về phần Trung Quốc, bà Merkel đã thúc đẩy Thỏa thuận Toàn diện EU-Trung Quốc về đầu tư vào cuối năm 2020 bất chấp những lời chỉ trích dữ dội. Thỏa thuận này, cho phép 2 bên tiếp cận thị trường của nhau tốt hơn. Tuy nhiên, thỏa thuận hiện đang bị hoãn và cần được phê chuẩn.
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức vào đầu tháng tới, ông Scholz được cho là sẽ phải xử lý thỏa đáng mối quan hệ phức tạp với Nga và Trung Quốc.
"Áp lực sẽ rất lớn. Và khi nói đến chính sách đối ngoại, Olaf Scholz vẫn còn là một ẩn số", nhà phân tích Jana Puglierin từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu bình luận.
2. Sự chuyển đổi xanh của Đức
Mục tiêu được công bố là năng lượng tái tạo sẽ chiếm 80% sản lượng điện của Đức vào năm 2030 - mức tăng đáng kể so với mức khoảng 45% đã đăng ký vào năm 2020.
Trong cuộc họp báo của liên minh cầm quyền gần đây, ông Scholz nhắc lại rằng liên minh dự định thực hiện “Dự án hiện đại hóa công nghiệp lớn nhất mà Đức đã thực hiện trong hơn 100 năm”.
Nhưng điều này đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ vào bảo vệ khí hậu và hiện đại hóa bộ máy hành chính của đất nước, công cuộc số hóa và hơn thế nữa.
Ngoài ra, theo các nhà quan sát, mức độ dung hòa được những yêu cầu trái ngược nhau ở trong lòng nước Đức tới đâu khi mà Đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường còn Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ giới doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng tân Thủ tướng Scholz thông qua được chương trình nghị sự tham vọng để chuẩn bị cho nước Đức hướng đến tương lai không carbon và kỷ nguyên kỹ thuật số.
3. Nền kinh tế suy giảm
Nước Đức đã đối mặt với dự báo không mấy khả quan về kinh tế. Việc thiếu nguyên liệu thô, linh kiện và các sản phẩm như microchip đã làm nảy sinh một loạt vấn đề về sản xuất và chậm trễ trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát đã chạm mốc 6% vào tháng 11 vừa qua – mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990. Các chuyên gia tin rằng, Đức có thể sẽ mất thời gian dài hơn so với các nước khác trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn trước đại dịch.
Nhiều cơ sở kinh doanh cũng lo ngại rằng, những hạn chế cứng rắn mới đối với những người chưa được tiêm phòng Covid-19, được áp dụng vào tháng 11 có thể làm giảm mức độ tiêu dùng trong giai đoạn từ nay tới Giáng sinh.
Đăng nhận xét