Lần đầu tiên trong 4 mùa Shark Tank Việt Nam, có một startup đã “gọi vốn online” từ Tokyo (Nhật Bản). Đó là tiến sĩ ngành Hóa Đinh Ngọc Hải - nhà sáng lập Công ty Cổ phần Y học Tái sinh Việt Nhật (JVM). Đồng hành cùng anh tại Shark Tank là chị Bùi Thị Thắm - quản lý dự án. JVM đến Shark Tank mùa 4 gọi vốn 20 tỷ cho 30% cổ phần để mở cơ sở tại TP.HCM, đồng thời tìm đối tác đồng hành tại Việt Nam để phát triển quy mô công ty.
Nhà sáng lập JVM gọi vốn online tại Shark Tank.
Theo chia sẻ của đại điện doanh nghiệp, JVM là đơn vị đại diện độc quyền cho một clinic (phòng khám) tại Nhật Bản chuyên về công nghệ y học tái sinh, trị liệu tế bào miễn dịch - đang được ứng dụng nhiều tại Nhật Bản và trên thế giới. JVM được thành lập để chuyển giao công nghệ này về cho các bệnh viện hoặc cơ sở y tế tại Việt Nam và hiện đã chuyển giao được cho một đối tác ở Hà Nội.
Mô tả về sơ bộ công nghệ, nhà sáng lập Đinh Ngọc Hải cho biết, phương pháp y học tái sinh mà anh đang chuyển giao là phương pháp lấy tế bào miễn dịch khỏe từ trong máu bệnh nhân, đem ra ngoài để nuôi cấy tăng trưởng số lượng. Sau 2 - 3 tuần sẽ đạt được số lượng tối đa và chất lượng đảm bảo tốt, sau đó truyền ngược tế bào miễn dịch này vào cơ thể bệnh nhân để làm tăng hệ miễn dịch, giúp chống chọi lại các tác nhân có hại bên ngoài như virus, vi khuẩn hay các tế bào đột biến như ung thư.
"Đây là công nghệ tiên tiến nhằm phòng chống và điều trị ung thư đã được áp dụng tại Nhật Bản. Thành tựu của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đã được thế giới công nhận thông qua giải Nobel Y học năm 2018", tiến sĩ Đinh Ngọc Hải nhấn mạnh.
Quản lý dự án của JVM chia sẻ thêm, doanh nghiệp hiện tại đang triển khai theo 2 hình thức: Hình thức đầu tiên là phòng lab nuôi cấy tế bào, sau đó hợp tác với bệnh viện hoặc cơ sở y tế trị liệu cho bệnh nhân tại cơ sở đấy. Hình thức thứ hai là chuyển giao công nghệ để họ tự làm chủ mô hình và tự triển khai tại bệnh viện của họ. Ở giai đoạn tiếp theo, JVM mong muốn thành lập trung tâm trị liệu y tế chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Nhật Bản tại Việt Nam.
Dàn "cá mập" tại tập 4 Shark Tank mùa 4.
Sở hữu bệnh viện đa khoa Phương Đông và nghiên cứu rất kỹ các hình thức khám chữa bệnh, shark Việt biết ở Nhật Bản có rất nhiều công nghệ chữa ung thư, vì vậy Shark băn khoăn công nghệ này đứng ở top mấy tại Nhật Bản. Nhà sáng lập JVM trả lời: Liệu pháp miễn dịch này là phương pháp mới. Cơ sở mà JVM hợp tác để chuyển giao về Việt Nam là cơ sở đầu tiên ứng dụng công nghệ tái sinh tại Nhật Bản, hiện đã có trên 10.000 bệnh nhân khám chữa bệnh tại đây, trong đó khoảng 10% bệnh nhân đã sử dụng liệu pháp tế bào miễn dịch.
Sau khi nghe trao đổi giữa shark Việt và đại diện JVM, shark Phú tuyên bố rút khỏi deal vì không thuộc ngành nghề và lĩnh vực mà shark muốn đầu tư.
Trong khi đó, shark Hưng khai thác thêm nhà sáng lập trong việc hình dung về quy mô thị trường, tiềm năng phát triển, số lượng bệnh nhân, giá thành, doanh thu dự kiến,… Rất tự tin về liệu pháp mình đem đến, anh Đinh Ngọc Hải cho biết: “Chúng ta có thể liên tưởng y học tái sinh như “công nghệ 4.0” của nền y học thế giới. Bằng chứng 8 năm gần đây đã có 3 giải Nobel liên quan đến y học tái sinh”.
Phòng khám tại Nhật mà JVM hợp tác có doanh thu lên đến 60 triệu USD/năm cho một cơ sở với khoảng 1.000 bệnh nhân. Theo tiến sĩ Đinh Ngọc Hải, tính theo giá trị, số tiền mà người Việt Nam sang các nước khác khám chữa bệnh như Singapore hay Thái Lan lên đến 2 tỷ USD mỗi năm.
Mô tả thêm về việc thành lập doanh nghiệp, anh Đinh Ngọc Hải cho biết, sáng lập nên JVM gồm anh và một bác sĩ người Nhật. Cả hai đã đầu tư 15 tỷ cho kỹ thuật và các trang thiết bị. Vì cả hai nhà sáng lập đều ở Nhật, trong quá trình vận hành ở Việt Nam, JVM cần các đối tác với tư cách đồng hành, phát triển và đẩy mạnh quy mô của công ty nên anh đến Shark Tank gọi vốn với mong muốn có sự đồng hành của các shark.
Shark Liên và shark Bình là hai vị “cá mập” tiếp theo tuyên bố không đầu tư vì đây là một lĩnh vực phức tạp và mình không có kinh nghiệm. Shark Bình khuyên nhà sáng lập nên coi trọng hơn nữa giá trị của đối tác bán hàng vì “công nghệ nào cũng vậy, lĩnh vực nào cũng vậy, việc bán được hàng rất quan trọng”.
Dù đánh giá cao liệu pháp này, hiểu giá trị của liệu pháp này với người bệnh nhưng không có nhiều hiểu biết và chưa đầu tư vào lĩnh vực y tế cho đến thời điểm này nên shark Hưng cũng từ chối đầu tư và rất mong shark Việt cùng với JVM có thể bắt tay nhau.
Shark Việt là người duy nhất thương thảo đầu tư với JVM.
Là shark duy nhất có hệ sinh thái tương đồng với lĩnh vực mà JVM đang tìm kiếm, shark Việt cho biết, bệnh viện đa khoa Phương Đông của mình đang phát triển chuyên khoa chữa trị ung thư theo cách thức của Mỹ, châu Âu và cả Nhật Bản. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều rủi ro vì 1.000 ca chữa trị tại Nhật chưa thể đảm bảo phương án này tốt hoàn toàn và phải được Bộ Y tế cấp phép thí điểm.
Song shark Việt chấp nhận vừa đầu tư vừa chịu rủi ro. Với tầm ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực y tế, có sẵn độ tin cậy và bệnh viện tại Hà Nội, cộng thêm một lợi thế là tư nhân nên quyết sách sẽ nhanh chóng, shark Việt đưa ra đề nghị 20 tỷ cho 50% cổ phần.
Tuy nhiên, anh Hải không thay đổi đề nghị của mình: “Ở Nhật lâu nên tôi cũng hơi giống Nhật, khi đã đưa offer thì đã cân nhắc các yếu tố”, anh Hải nói. Đồng thời cũng lập tức tuyên bố từ chối offer này của shark Việt.
“Nếu 50% anh không đồng ý thì bao nhiêu anh đồng ý”, shark Việt thăm dò.
“Tối đa chỉ offer thêm 2 - 3%”, anh Hải khẳng định.
Shark Việt tiếp tục đưa ra con số 40%, anh Hai cũng lập tức cho rằng con số này không được.
“Nếu anh nói 35% thì tôi sẽ đồng ý với anh”, shark Việt đề nghị. Tuy nhiên anh Hải tiếp tục từ chối và cho rằng, nếu tăng cổ phần lên 35% thì phải đầu tư 30 tỷ.
Cuộc thương thuyết của shark Việt và anh Đinh Ngọc Hải kéo dài căng thẳng trong sự “giằng co” từng phần trăm một. “Tôi đầu tư nhiều doanh nghiệp, nếu anh hợp tác với tôi anh không phải lo gọi vốn về sau, tôi với anh sẽ cùng thu xếp tài chính. Anh cần người đồng hành ở đây, hiểu biết thị trường Việt Nam, sao lai đi tiếc một vài phần trăm”, Shark Việt nói.
Sau khi cân nhắc, anh Đinh Ngọc Hải đưa ra đề nghị cuối cùng: "20 tỷ cho 32%".
Trước mô hình kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp và sự “cứng rắn” của nhà sáng lập, shark Việt đã đồng ý chốt deal, khép lại buổi “gọi vốn online” căng thẳng nhất từ đầu Shark Tank mùa 4 tới nay.
Đăng nhận xét