Nhờ đứng ngoài cuộc chiến tranh sủng, đấu đá hậu cung thời Khang Hy, Định phi Vạn Lưu Ha Thị đã hưởng trọn cuộc sống bình yên, viên mãn.
Theo sử sách, Khang Hy là vị vua phong lưu, đa tình, có nhiều hậu phi nhất thời nhà Thanh ở Trung Quốc. Theo Khang Hy toàn truyện, trong hậu cung của Khang Hy, những mỹ nhân được sắc phong là quý nhân trở lên có khoảng 49 người. Những người được sắc phong chính thức có khoảng 67 người (bao gồm hoàng hậu, hoàng quý phi, quý phi, phi, tần, quý nhân, thường tại, đáp ứng). Nếu tính cả những người có thân phận thấp hơn thì trong hậu cung của Khang Hy có không dưới 200 người.
Giữa chốn hậu cung toàn các mỹ nhân mà ai ai cũng tìm đủ mọi cách để được hoàng đế sủng ái, có một người đẹp quyết đứng ngoài đấu đá hậu cung để đổi lấy một đời bình an. Mỹ nhân này tên là Vạn Lưu Ha Thị hay còn có tên gọi khác là Ngõa Lưu Cáp Thị.
Vạn Lưu Ha Thị thường được hậu thế gọi là Định phi dù danh phận này mãi cho tới khi hoàng đế Khang Hy băng hà, Ung Thân vương Dận Chân kế vị, lấy hiệu là Ung Chính, bà mới được sắc phong.
Từ cung nữ trở thành phi tần của vua
Theo KK News, Định phi sinh vào năm Thuận Trị thứ 18 (1661). Bà xuất thân trong gia tộc nhiều đời làm việc cho Nội vụ phủ, chuyên quản lý ẩm thực và chuẩn bị các bữa ăn trong hoàng cung.
Vào năm Khang Hy thứ 14 (1675), nhờ nền tảng gia đình, Định phi lúc đó mới 14 tuổi, được tuyển chọn vào cung, với thân phận cung nữ. Nhập cung cùng đợt với Định phi còn có 2 cung nữ khác tên là Ô Nhã Thị và Giác Thiền Thị, sau này đều trở thành sủng phi của hoàng đế Khang Hy.
Chân dung hoàng đế Khang Hy.
Ô Nhã Thị chính là Đức phi, mẹ ruột của Ung Chính hoàng đế, còn Giác Thiền Thị là Lương Phi – một trong những mỹ nhân nổi tiếng có sắc đẹp diễm lệ.
Về phần Định phi, bà được mô tả là có nhan sắc xinh đẹp, dịu dàng, ôn nhu nên mặc dù xuất thân thấp kém, bà vẫn chiếm được trái tim của vị hoàng đế nổi tiếng phong lưu, đa tình Khang Hy.
Theo sách Cung nữ đàm vãn lục, triều Thanh cung chế nghiêm ngặt, cung nữ không được hầu hạ vua mà chỉ hầu hạ các phi tần. Định phi chinh phục được trái tim của Khang Hy một cách ngẫu nhiên nhờ một lần hầu cận chủ trong cung.
Nhan sắc xinh đẹp, dịu dàng của cung nữ Vạn Lưu Ha Thị lần đó đã khiến Khang Hy rung động, giúp bà rũ bỏ thân phận nô tỳ trở thành phi tần của vua. Định phi chỉ sinh hạ cho Khang Hy được một hoàng tử.
Tránh xa đấu đá hậu cung, sống thọ tới 97 tuổi
Bức vẽ chân dung Định phi. Ảnh Qulishi
Thời Khang Hy, trong hậu cung, có nhiều mỹ nhân dù được Khang Hy ân ái, song không được phong hiệu chính thức. Định phi là một trong số những mỹ nhân đó. Thậm chí, cho đến khi Vạn Lưu Ha Thị 25 tuổi, sinh hạ cho Khang Hy hoàng tử thứ 12 Dận Đào, bà vẫn chưa được chính thức sắc phong danh phận gì.
Mãi cho tới năm Khang Hy thứ 57 (1718), hoàng đế truyền chỉ dụ muốn sắc phong 6 người trong hậu cung, tuổi từ 40 – 60, sinh được hoàng tử, Vạn Lưu Ha Thị lúc này đã 57 tuổi mới có được danh phận Định tần – một trong 4 phân vị thấp nhất trong hậu cung nhà Thanh.
Một số ghi chép cho rằng, sở dĩ Vạn Lưu Ha Thị không được Khang Hy sủng ái, phong tước vị là vì bà cố ý tránh xa cuộc chiến tranh sủng chốn hậu cung.
Khang Hy đương thời, không kể hoàng hậu là chính thê, vốn đã có tứ đại sủng phi, theo thứ tự sủng ái được gọi là “Huệ Nghi Vinh Đức” (Huệ phi, Nghi phi, Vinh phi, Đức phi). Những mỹ nhân này đều nổi tiếng có nhan sắc diễm lệ, “khuynh nước khuynh thành”.
Vạn Lưu Ha Thị sắc đẹp cũng không kém nhưng tâm tính rất ôn hòa, an phận, được cho là không biết tranh giành sủng ái trước mặt Khang Hy, vì thế, vị hoàng đế này cũng ít lui tới với bà.
Theo KK News, đặc biệt, sự an phận của Định phi còn ảnh hưởng đến cả con trai bà, hoàng tử thứ 12 Dận Đào.
Định phi sinh thời được cho là không khuyến khích con trai ruột tranh đấu để giành lấy ngai vàng. Vì thế, Dận Đào tức Lý Ý thân vương là một trong những hoàng tử không tham gia vụ Cửu tử đoạt đích hay còn gọi là Cửu vương đoạt đích (khi Khang Hy còn tại vị, 9 người con trai của ông đã tranh đấu sống chết để đoạt ngôi vị hoàng đế). Vì thế sau này, Lý Ý thân vương rất được trọng dụng dưới 2 triều Ung Chính – Càn Long.
Định phi nhờ vậy về già cũng được xuất cung, an hưởng những năm cuối đời bên trong Lý Ý vương phủ của con trai, sống một cuộc sống hạnh phúc, con cháu sum vầy. Định phi mất năm Càn Long thứ 22 (1757), thọ 97 tuổi, trở thành phi tần có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử nhà Thanh.
Con trai Định phi, Lý Ý thân vương qua đời năm 79 tuổi và cũng là người sống thọ nhất trong số các hoàng tử của hoàng đế Khang Hy.
Đăng nhận xét