Theo đó, có khoảng 600.000 điện thoại 'cục gạch' được bán ra trong tháng 9/2019, chiếm 37% thị trường xét theo số lượng. Tuy nhiên, vì mức giá của loại sản phẩm này chỉ khoảng dưới 1 triệu đồng nên dù chiếm thị phần đáng kể thì mức doanh thu của điện thoại cục gạch chỉ chiếm 4,7% thị trường.
Điện thoại cục gạch vẫn sống khỏe
Người tiêu dùng thích mua điện thoại 'cục gạch' qua hình thức online nhiều hơn bởi không phải suy nghĩ quá nhiều do giá thành rẻ. Phần lớn các sản phẩm loại này có giá dưới 500 nghìn đồng (chiếm 80%). Dòng sản phẩm điện thoại 'cục gạch' trên 1 triệu đồng bán được rất ít, xếp sau cả dòng có giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Thị phần của điện thoại 'cục gạch' tại thị trường Việt Nam ổn định trong năm 2019 và thường giữ ở mức trên dưới 35%. Thậm chí, thời gian gần đây thị phần của dòng sản phẩm này còn tăng trưởng khá ấn tượng, từ 34,1% của tháng 7 lên 36,8% của tháng 9.
Nokia là đơn vị dẫn đầu trong mảng kinh doanh điện thoại 'cục gạch' ở Việt Nam, chiếm thị phần trên dưới 55% trong khoảng thời gian gần đây. Trong đó, hãng điện thoại một thời 'lừng lẫy' này chiếm tới hơn một nửa trong số những chiếc feature phone bán chạy nhất Việt Nam trong tháng 9. Đứng thứ 2 ở thị trường này thuộc về một thương hiệu điện thoại Việt Nam có tên Masstel với khoảng 14 - 15% thị phần.
Thông tin điện thoại 'cục gạch' vẫn chiếm một phần không nhỏ thị trường Việt Nam và có tăng trưởng khiến nhiều người bất ngờ. Bởi lẽ rất nhiều hãng điện thoại hiện nay đã tập trung vào việc sản xuất smartphone giá rẻ. Khách hàng chỉ cần bỏ ra khoảng dưới 2 triệu đồng là đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh.
Điện thoại cục gạch tương lai ra sao?
Tuy nhiên, theo hãng GfK thì điện thoại 'cục gạch' được ưa chuộng bởi có hỗ trợ 2 SIM, cứ 10 người mua feature phone vào tháng 9/2019 thì có 8 người chú ý và chọn máy có hỗ trợ 2 SIM. Điều này khiến nhiều hãng điện thoại hiện nay rất chú trọng tính năng 2 SIM trên sản phẩm.
Theo nhiều chuyên gia, điện thoại 'cục gạch' vẫn sẽ 'sống khỏe' trong ít nhất vài năm nữa bởi giá thành rất rẻ và đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu như nghe, gọi. Ở những dòng sản phẩm như vậy, người ta quan tâm đến giá thành, giá càng rẻ thì càng nhiều người mua mà ít để ý đến chất lượng. Đó là lý do khiến những thương hiệu đến từ Trung Quốc rất 'vô danh' nhưng vẫn tồn tại được.
Minh chứng cho việc giá rẻ hấp dẫn người dùng chính là việc những mẫu sản phẩm bán chạy nhất thường có giá dưới 500 nghìn đồng. Thương hiệu Itel đứng thứ 3 thị phần điện thoại 'cục gạch' nhờ những sản phẩm có giá dưới 200 nghìn đồng như Value 100, IT2161. Cùng với đó, thiết bị bán chạy nhất thị trường là Nokia 105 chỉ có giá 350.000 đồng.
Đầu tháng 10/2019, Bộ Thông tin - Truyền thông đã thông báo sẽ tắt sóng 2G vào năm 2022 để tiết kiệm tài nguyên quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Khi đó, những chiếc điện thoại 'cục gạch' chỉ hỗ trợ sóng 2G (loại đang chiếm đa số trên thị trường) sẽ ngừng hoạt động và không thể thực hiện các chức năng cơ bản như nghe gọi được nữa. Nhiều người dự đoán năm 2022 sẽ là ngày tàn của điện thoại 'cục gạch' tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dường như nắm bắt được điều này, nhiều hãng sản xuất điện thoại cục gạch hiện nay đã cho ra mắt những sản phẩm feature phone có hỗ trợ cả 4G. Với đà tăng trưởng đáng kể, giá thành rất rẻ cũng như sự nhạy bén của các hãng sản xuất, có vẻ như điện thoại 'cục gạch' vẫn còn đất sống và sống khỏe tại Việt Nam.
Đăng nhận xét