Samsung, Apple lần lượt rời Trung Quốc
Samsung đã lần lượt đóng cửa 2 nhà máy lắp ráp điện thoại lớn nhất của mình ở Thiên Tân và Huệ Châu - một thành phố ở tỉnh Quảng Đông phía nam - vào cuối năm 2018 và 2019. Đây là lần đầu tiên sau 27 năm, Samsung đã tắt dây chuyền sản xuất của mình ở Huệ Châu và gián tiếp khiến khoảng 6.000 công nhân bị mất việc. Theo tờ Southern Metropolis Daily có trụ sở tại Quảng Châu thì đa số những công nhân này đang phải sống nhờ vào nguồn tiền hỗ trợ từ Chính phủ do không thể kiếm được công việc khác.
Việc Samsung rút lui khỏi Thiên Tân và Huệ Châu còn khiến chuỗi domino bị sụp đổ dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt nhà máy ở các thành phố từng cung cấp linh kiện cho Samsung, thậm chí cả các quán ăn, siêu thị và các dịch vụ đi kèm phục vụ công nhân.
Trước khi Samsung xoay trục khỏi Trung Quốc, báo cáo tài chính năm 2011 của hãng này đã tiết lộ rằng các nhà máy ở Thiên Tân và Huệ Châu của họ từng sản xuất gần một nửa số điện thoại thông minh trên toàn thế giới.
Trong khi đó theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, việc các nhà máy của Samsung đóng cửa khiến GDP của Thiên Tân giảm 3,9% trong nửa đầu năm và tổng xuất khẩu giảm 3,3%. Tác động được cảm nhận rõ ràng hơn ở Huệ Châu, nơi có nền kinh tế nhỏ hơn. Xuất khẩu của tỉnh này giảm mạnh 28% trong sáu tháng đầu năm, kéo tăng trưởng GDP xuống mức âm 4,3%.
Giờ đây, hơn một nửa số smartphone hàng đầu mới nhất của Samsung, bao gồm cả điện thoại nắp gập lại được lắp ráp tại các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên của Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, mới đây Apple cũng đã bắt đầu thực hiện các bước để chuyển sản xuất các sản phẩm đình đám của mình, bắt đầu với các thiết bị ngoại vi như AirPods, sang Việt Nam, nơi các đối tác OEM của họ đang gấp rút triển khai các nhà máy.
AirPods của Apple chủ yếu do Goertek Inc và Luxshare Precision Industry sản xuất. Đây là 2 công ty được Apple thuê để sản xuất và gia công các thiết bị của mình. Tuy nhiên mới đây các sản phẩm AirPods Pro có nhãn "Được lắp ráp tại Việt Nam" trên bao bì bên ngoài.
Theo Nikkei của Nhật Bản cho biết Apple đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm AirPods tại Việt Nam trong quý đầu tiên của năm và sản lượng hàng năm có thể là 15% tổng lượng hàng toàn cầu. Trang tin Apple Insider hồi tháng 8 tuyên bố rằng tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ đã đánh giá khả năng sản xuất của cơ sở Luxshare ở Việt Nam, sau khi cơ sở này đầu tư 454 triệu đô la Mỹ vào ba công ty con của mình ở Hải Phòng.
Cùng với đó, đối tác OEM lớn nhất của Apple, Foxconn cũng xác nhận vào tháng 8 rằng 30% tổng lô hàng thiết bị của họ trong nửa đầu năm là từ bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như các cơ sở của nó trên khắp Đông Nam Á. và Nam Á.
Hay mới đấy là việc nhiều khả năng Foxconn sẽ chuyển các dây chuyền sản xuất iPad và Macbook sang Việt Nam. Sunny Optical, nhà cung cấp linh kiện máy ảnh lớn cho Apple có trụ sở tại Chiết Giang, cũng đã đặt nhà máy tại Việt Nam.
Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp và công ty lần lượt rút khỏi Trung Quốc là vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt khiến họ lo sợ các lệnh trừng phạt và khoản thuế cực cao nếu các sản phẩm của mình có xuất xứ Trung Quốc. Cùng với đó là tình hình dịch bệnh cũng là một phần làm các công ty phải tìm một phương án chuẩn bị.
Cơ hội và thách thức với Việt Nam
Việt Nam là nước chính hưởng lợi từ sự chuyển dịch này. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên 264,3 tỷ đô la vào năm 2019, so với con số 72,2 tỷ đô la của năm 2010, theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cũng theo WTO thì kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người của Việt Nam đã cao hơn của Trung Quốc.
Cùng với đó, các nhà máy, khu công nghiệp công nghệ cao được xây dựng và phát triển giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ. Người dân có việc làm kéo theo các dịch vụ phụ trợ cũng phát triển.
Để có được thành quả này, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các chính sách trải thảm đỏ với các nhà đầu tư, đặc biệt là công nghệ. Các ưu đãi về thuế lớn, giá thuê đất cùng mức nhân công rẻ khiến các công ty nhanh chóng bị thu hút.
Cùng với đó sự ổn định về chính trị, đối ngoại và đặc biệt là khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giúp các nhà đầu tư an tâm xây dựng nhà máy. Tuy nhiên chúng ta cũng cần thay đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu để kéo và giữ chân các nhà đầu tư công nghệ cao trước sự thay đổi chính sách tới đây của Trung Quốc.
Trước những sự chuyển dịch chưa có dấu hiệu dừng lại này, chính quyền thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, nơi được gọi là "thành phố iPhone" nhờ vào nhà máy lớn nhất của Foxconn ở đó, đã ký một thỏa thuận mới với gã khổng lồ OEM để cung cấp nhiều ưu đãi về thuế hơn.
Bộ Thương mại của Trung Quốc mới đây đã soạn thảo một báo cáo về tình hình chuyển dịch của các nhà sản xuất ở một số tỉnh và trình lên Chính phủ nước này. Bộ này đưa ra các khuyến nghị chính sách chính bao gồm trao nhiều quyền quyết định hơn cho các chính quyền địa phương khi họ thiết kế các chính sách mới để giữ chân doanh nghiệp, cũng như các yêu cầu về chi trả nhân công và trợ cấp thôi việc cao nhằm hạn chế việc sa thải hàng loạt.
Rõ ràng sự chuyển dịch này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với Việt Nam. Nếu nắm bắt tốt chúng ta hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng có giá trị hàng chục tỉ USD. Nhưng nếu chỉ đầu tư hời hợt thì rất nhanh chóng các nhà đầu tư sẽ lại chuyển đến một nước có giá nhân công rẻ và nhiều ưu đãi hơn.
Đăng nhận xét