Viện trưởng Viện VinAI Research - TS. Bùi Hải Hưng cho biết thông tin trên tại Ngày Hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN 2020) với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch Covid-19", tổ chức tại TP.HCM ngày 27/11. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM tổ chức.
Từng bước ghi tên lên bảng đồ AI thế giới
TS. Nguyễn Hải Hưng cho rằng AI rất quan trọng với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo ông, ngôn ngữ, con người, xã hội, sức khoẻ và giáo dục là những vấn đề đặc trưng của trí tuệ nhân tạo, do đó, nếu không tiên phong trong lĩnh vực này sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Viện trưởng Viện VinAI Research cho rằng có 4 vấn đề quan trọng trong phát triển AI, nhất là tại Việt Nam hiện nay, gồm: nhân sự cả về số lượng lẫn chất lượng; đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu; đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối và kết nối giữa nghiên cứu, ứng dụng, tạo ra được sản phẩm phục vụ đời sống.
Theo ông Hưng, lực lượng nghiên cứu AI của Việt Nam hiện rất mỏng, hầu hết chưa có môi trường tương xứng để nghiên cứu và ứng dụng. Ông nói qua việc tiếp xúc với nhiều người trẻ, hầu hết lớp trẻ Việt trong ngành đều thông minh, nhiều triển vọng nhưng lại chưa tự tin.
Vì vậy, ông cho rằng Viện VinAI Research đang tiếp lửa cho giới trẻ Việt, khiến lớp trẻ tin rằng có thể làm được và đặc biệt tạo ra những sản phẩm AI tương tự thế giới.
TS. Bùi Hải Hưng cho biết: Viện VinAI Research hiện có gần 140 thành viên và có chương trình đào tạo về AI giúp các bạn trẻ có môi trường nghiên cứu. Họ hiện có 37 công trình nghiên cứu, 13 công trình được chấp thuận tại các hội nghị lớn trên thế giới.
Ông cũng nói mục tiêu của Viện là sẽ đưa tên Việt Nam lên bản đồ AI thế giới. Trước mắt, tại hội nghị Quốc tế về máy học (ICML) 2020, Việt Nam lọt top 21 quốc gia có nhiều bài báo được chấp nhận nhất, VinAI lọt 30 công ty (trong ngành) có nhiều bài báo được chấp nhận nhất.
Giáo sư Yoshua Benjo, Thành viên sáng lập Element AI, Canada - người từng nhận giải thưởng Turing, được coi là "giải Nobel" về máy tính, cho rằng việc xây dựng thế mạnh tri thức trong các lĩnh vực, trong đó có AI rất quan trọng với các nước đang phát triển.
Nguyên nhân là tương lai, phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển công nghệ. Công nghệ sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho nền kinh tế cũng như tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm mới.
AI tại Việt Nam đã không còn hàn lâm
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Bùi Thế Duy, nhận định: Trí tuệ nhân tạo đang là từ khóa được tìm kiếm và quan tâm trong những năm trở lại đây. Theo ông, đây không phải là lĩnh vực mới mà có cách đây 30-40 năm. Việt Nam cũng có những nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.
"Trước đây, AI được xếp hàng vào ngành khoa học hàn lâm, dành cho những nhà toán học và công nghệ thông tin xuất sắc, khá cách biệt người dân và chưa có nhiều ứng dụng. Những năm gần đây, với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn thì AI đã gần với cuộc sống hơn, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống con người.
Theo đó, không chỉ con người giao tiếp với con người mà còn đang dần hỗ trợ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, người tàn tật có thể trở lại cuộc sống bình thường hơn", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định.
Theo ông, hiện tiếp cận với AI không đơn thuần chỉ là câu chuyện của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học mà cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn như quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng và nguồn tài sản mới ngày nay là dữ liệu.
Đưa ra những dẫn chứng cụ thể hơn về AI, Thứ trưởng cho biết Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, AI phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
Nếu như trước đây, Việt Nam mất hơn 10 năm để quảng bá, triển khai việc học E-learning, thậm chí chưa thấy hiệu quả thì từ tháng 3/2020, việc học trực tuyến được triển khai đồng loạt cấp tiểu học, trung học đến đại học, kể cả chương trình học chính thức lẫn ngoại khóa. Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng tổ chức hội họp trực tuyến.
Tuy nhiên, ông cho rằng năm 2021, những tác động tiêu cực từ Covid-19 mới dần thấm lên nền kinh tế. Cụ thể, chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy, thiếu hụt nguyên vật liệu, nhu cầu tiêu dùng giảm và nguồn đầu tư cũng khó đoán định. Ông kỳ vọng ứng dụng AI có thể sẽ kết nối và thúc đẩy nền kinh tế trở lại bình thường. Khi đó, người dân, người lao động mới có được cuộc sống bình thường trở lại sau Covid-19.
Đăng nhận xét