Từng "vượt mặt" dầu thô, xuất khẩu rau quả nhọc nhằn tìm 4 tỷ USD

(Dân Việt) Lĩnh vực xuất khẩu (XK) rau quả của Việt Nam những năm gần đây liên tục tạo dấu ấn khi trong 2 năm liên tiếp 2017 và 2018 tăng trưởng mạnh, "vượt mặt" xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, trong năm 2019, mặt hàng này lại liên tục giảm giá trị XK, mục tiêu đạt trên 4 tỷ USD trở nên khó khăn hơn...

Kim ngạch liên tục giảm

Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị XK rau quả tháng 10/2019 ước đạt 257 triệu USD, đưa giá trị XK rau quả 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc đang là nước xếp thứ nhất về thị trường XK rau quả của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 với 67,7% thị phần. Tuy nhiên, XK rau quả sang thị trường này trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1,9 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2018.

 tung "vuot mat" dau tho, xuat khau rau qua nhoc nhan tim 4 ty usd hinh anh 1

Nông dân Cần Thơ thu hoạch sầu riêng.  Ảnh: baocantho 

Theo ông Nguyễn Quý Dương, người trồng cần hình thành tư duy rằng, phải sản xuất hàng hoá theo yêu cầu của thị trường và chủ động liên kết sản xuất, nhằm tiến tới xuất khẩu tất cả các loại nông sản đàng hoàng theo đường chính ngạch, không chỉ sang Trung Quốc mà tất cả các thị trường khác.

Theo lý giải của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tình hình XK rau quả giảm mạnh do giá trị XK một số mặt hàng rau quả chính giảm mạnh như: Sầu riêng (đạt 215,6 triệu USD, giảm 15,3%), măng cụt (đạt 168,1 triệu USD, giảm 0,9%), dừa (đạt 109,1 triệu USD, giảm 29,8%), nhãn (đạt 104,4 triệu USD, giảm 50,4%); dưa hấu (đạt 55,7 triệu USD, giảm 26,2%)...

Đối với mặt hàng rau củ khác cũng giảm mạnh, điển hình như XK ớt đạt 56,1 triệu USD (giảm 44,4%), nấm hương (đạt 45,7 triệu USD, giảm 52,3%), khoai lang (đạt 35 triệu USD, giảm 40,5%), mộc nhĩ (đạt 20,7 triệu USD, giảm 50%)...

Thực tế diễn ra cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều loại trái cây Việt Nam gặp khó khăn khi XK sang Trung Quốc, thậm chí có loại còn bị thị trường này “cấm cửa” dẫn đến tình trạng giá giảm thê thảm, nông dân thua lỗ nặng nề.

Đơn cử như việc Trung Quốc không thua mua dứa tại Lào Cai vào vụ thu hoạch hồi tháng 3-4 đã khiến giá dứa nguyên liệu ở đây giảm mạnh, chỉ còn 1.800-2.000 đồng/kg, khiến bà con nông dân phải tự chở dứa đi bán lẻ khắp nơi, có người còn phải đổ bỏ cả xe dứa.

Trước đó, dứa trồng ở Lào Cai chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Giá thương lái thu mua tận ruộng luôn ở mức 4.000-6.000 đồng/kg. Nhưng khi nước này siết chặt nhập tiểu ngạch, mặt hàng dứa ngay lập tức ế ẩm.

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 10/2019 đạt 116 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2019 lên 1,5 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018 (rau nhập khẩu 552 triệu USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ 2018; quả đạt 952 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018).

Điều nghịch lý là bên cạnh những loại trái cây ôn đới, hàn đới mà Việt Nam không trồng được hoặc ít trồng, trên thị trường còn có một lượng lớn trái cây nhiệt đới mà Việt Nam trồng rất nhiều, như sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, măng cụt... cũng được nhập khẩu về từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc...

Chặng đường cuối năm gập ghềnh

Năm 2019, XK rau quả của Việt Nam đặt mục tiêu 4-4,2 tỷ USD. Hết hơn 3/4 chặng đường, con số đạt được mới là 3,1 tỷ USD. Như vậy, muốn đạt mục tiêu tối thiểu là 4 tỷ USD, 2 tháng cuối cùng của năm, XK rau quả phải thu về tới 1 tỷ USD – con số không dễ gì đạt được.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nhận định, trong 2 tháng cuối năm, XK rau quả sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi mùa mưa, sản lượng và chất lượng một số loại trái cây sẽ giảm. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.

Thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc đã siết nhập khẩu tiểu ngạch, trong khi Việt Nam mới có 9 loại trái cây được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và mới đây là măng cụt.

Trung Quốc cũng sẽ có xu hướng đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu sản phẩm trái cây, hoặc chuyển sang cơ chế cấp hạn ngạch. Đáng chú ý có thông tin từ năm 2020, Campuchia sẽ XK hàng năm sang thị trường Trung Quốc khoảng 500.000 tấn xoài, trong khi Việt Nam XK sang nước này khoảng 350.000 tấn/năm.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đây sẽ là bài toán cho Việt Nam cần từng bước đa dạng hóa thị trường XK, khi Trung Quốc giảm lượng nhập khẩu một số mặt hàng từ Việt Nam, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của nông sản các nước khác.

Ngoài ra, nhiều thị trường khác như EU cũng sẽ tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe, trong đó có việc siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc…

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, việc Trung Quốc siết chặt quy định nhập khẩu với trái cây Việt Nam qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như chủ hàng, đồng thời yêu cầu sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, trước mắt có vẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng về lâu dài sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho ngành sản xuất rau quả.

Từ doanh nghiệp, tới nông dân sẽ phải thay đổi quan điểm và phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, quan tâm hơn tới việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình canh tác, mẫu mã sản phẩm...