(Dân Việt) Các chuyên gia trong nước và quốc tế khẳng định cần quản lý kỹ nền kinh tế chia sẻ ở Châu Á trong khuôn khổ pháp lý phù hợp và theo kịp với sự phát triển nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Sau lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á năm 2019 (Horasis Bình Dương 2019), nhiều phiên thảo luận của các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã diễn ra hết sức sôi nổi.
"Kinh tế chia sẻ ở châu Á" là một chủ đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á Horasis - Bình Dương 2019 (Horasis - Bình Dương 2019). Ở 2 phiên cập nhật kinh tế chia sẻ ở châu Á và đầu tư tác động châu Á, các chuyên gia đã bàn về các giải pháp cho nền kinh tế chia sẻ và việc đầu tư tác động tại châu Á theo xu hướng mới.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế tại các phiên thảo luận. Ảnh: V.D
Tại phiên họp, các chuyên gia đã thảo luận về giải pháp để những công ty công nghệ tiên phong châu Á trong nền kinh tế chia sẻ có thể kết nối doanh nghiệp với khách hàng; vấn đề tạo ra hệ sinh thái kinh doanh không tiền mặt, phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu; vấn đề lợi ích cho các bên và cách thức thay đổi nhận thức thế hệ trẻ ứng dụng công nghệ.
Theo ông Erick Hadi, CEO Electronic Science Indonesia, sự phát triển nhanh của mô hình kinh tế chia sẻ ở châu Á đang thay đổi dần các hình thái kinh tế. Thậm chí, tại Indonesia sự phát triển quá nhanh của kinh tế chia sẻ và phát triển lớn hơn là kinh tế số đang đặt chính phủ nước này vào thách thức các luật pháp, quy định quản lý mô hình kinh doanh này bị tụt hậu so thực tế.
Bà Nimnual Piewthonggam, nhà đồng sáng lập Gumpun Muay Thai, cũng cho rằng các mô hình kinh tế chia sẻ đã hiện diện trong cuộc sống của người dân ở các thành phố châu Á, sự lớn mạnh của mô hình này đã đưa chúng trở thành nền kinh tế mới, dẫn dắt sự phát triển kinh tế của các quốc gia.
Ông Huỳnh Thắng, nhà đồng sáng lập kiêm CEO InnoLab Asia (Việt Nam) nhận định, nền kinh tế chia sẻ dựa vào công nghệ cần có sự hỗ trợ của những nhà hoạch định chính sách để tổng hợp các ứng dụng đưa vào cuộc sống để tối ưu hóa lợi ích của các bên. Và công nghệ mới không nên được hoạch định vào mô hình quản lý cũ.
"Chúng ta đều thừa nhận đây là hình thái mới của nền kinh tế, các công ty trong lĩnh vực đang sử dụng hiệu quả thông tin và bắt đầu 'thao túng' người dùng, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn tăng giá khi người dùng đã quen với dịch vụ", ông Thắng nhìn nhận.
Các chuyên gia khác cùng đồng quan điểm, nền kinh tế chia sẻ không có lợi ích cho các bên nếu như không có sự hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách, do đó cần có ứng dụng, ý tưởng mới, mô hình quản lý mới. Chính phủ cần có những chính sách mới, hoạch định mới.
Thảo luận về hoạt động cho vay đồng cấp, ông Stacy Kenworthy, CEO Hella Storm (Hoa Kỳ), chia sẻ hoạt động cho vay đã phát triển là có tính lâu dài. Hoạt động này góp phần hỗ trợ cho cộng đồng kinh doanh. Kinh tế chia sẻ nói đến nhiều cộng đồng khác rất nhiều với kinh tế truyền thống. Ông đưa ra ví dụ: Đá bóng - môn thể thao thu hút hơn 2 tỷ người theo dõi và đây cũng là ngành kéo theo các ngành kinh doanh dịch vụ khác phát triển. Như vậy, sự hỗ trợ từ nền kinh tế chia sẻ không chỉ hỗ trợ cho các dự án tham gia mà còn hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế chia sẻ.
Cũng tại phiên họp, sau khi nghe các thành viên nhận định và đưa ra các giải pháp, ông Worsak Kanok - Nukulchai, Giám đốc điều hành Chulalongkorn School of Integrated Innovation (Thái Lan), nhấn mạnh nền kinh tế chia sẻ đang tái định hình bối cảnh kinh doanh toàn cầu với châu Á, là tâm điểm của sự chuyển đổi này.
“Chúng ta cần luật để điều tiết nhưng theo hướng hỗ trợ chứ không phải cấm đoán”, ông Worsak Kanok nói.
Đăng nhận xét