(Dân Việt) Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tiếp cận phương thức chuyển đổi mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp và tạo ra một số ngành đặc thù cho Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0)
Trao đổi với báo giới tại cuộc hóp báo vừa qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cho hay, để chủ động tiếp cận và đón làn sóng cách mạng công nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số bộ, ngành liên quan thực hiện ba nhiệm vụ gồm đánh giá tác động, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tiếp cận phương thức chuyển đổi mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp và tạo ra một số ngành đặc thù cho Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đẩy mạnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Bộ đã phối hợp với Tập đoàn Dệt may (Vinatex) đánh giá tác động thực sự của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành Dệt may Việt Nam.
"Dự kiến báo cáo tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành Dệt may Việt Nam sẽ chính thức được trình Thủ tướng Chính phủ và công bố vào cuối năm nay", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ Đàm Bạch Dương nhấn mạnh thêm: Việt Nam đối mặt với Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, vướng mắc chủ yếu của doanh nghiệp Việt không phải là vấn đề công nghệ mà là cơ chế, chính sách, tài chính.
Đặc biệt, các nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ 4.0 vào trong doanh nghiệp, trong đó chú trọng việc chuyển đổi số, vì vậy nhiệm vụ Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho Tập đoàn Vinatex, đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành Dệt may, nguy cơ mất việc làm, thay đổi công nghệ...
Thực tế cho thấy, Vinatex xác định được ảnh hưởng đối với lĩnh vực việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhẹ hơn rất nhiều, số lao động thất nghiệp không cao, nguy cơ đối với ngành này cũng không ở mức trầm trọng.
Quý III/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy năng suất lao động quốc gia. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện hệ thống thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”...
Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều sự kiện như: Hội thảo công bố kết quả Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2019 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tiếp tục cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo. Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 v.v…
Theo kế hoạch trong Quý IV/2019, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tiếp cận, đón làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đăng nhận xét