Kon Tum: Nông dân khóc ròng vì gặt toàn lúa lép, nguy cơ mất trắng

(Dân Việt) Hàng trăm hộ dân tại tỉnh Kon Tum đang có nguy cơ mất trắng bởi diện tích lúa đang trong quá trình thu hoạch bị mắc bệnh đạo ôn cổ bông trên diện rộng. Một số hộ dân đã thu hoạch nhưng năng suất kém, hạt lúa lép.

Ngày 30/10, ông Nguyễn Nghiêm - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Kon Tum xác nhận, dịch bệnh đạo ôn cổ bông đang xảy ra trên cây lúa tại khu vực thành phố Kon Tum. Trong đó, phường Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết (Kon Tum) dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho nhiều hộ dân. Hiện Trung tâm đang tiến hành thống kê diện tích lúa mắc bệnh để có những phương án khắc phục kịp thời.

 kon tum: nong dan khoc rong vi gat toan lua lep, nguy co mat trang hinh anh 1

Nhiều diện tích bị bệnh đạo ôn cổ bông khiến người dân có nguy cơ mất trắng

Với hơn 5 sào đất trồng lúa, ông Nguyễn Hồng Sơn (tổ 4, phường Nguyễn Trãi, TP. Kon Tum) buồn rầu nói: “Những vụ mùa trước diện tích lúa này cho năng suất, chất lượng cao. Nhưng vụ mùa năm nay, không hiểu sao lúa của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác bỗng dưng mắc bệnh rồi khô héo. Mặc dù, gia đình đã phun thuốc phòng và trị bệnh nhưng vẫn không cứu vãn được".

Gia đình ông Sơn đã bỏ 10 triệu đồng để đầu tư chăm sóc, nhưng thu hoạch chỉ được vài bao lúa. "Lúa lại chất lượng xấu nên không ai muốn mua, giờ chẳng biết lấy gì để trả nợ cho người ta nữa. Năm nay cũng phải thiệt hại đến 70%”, ông Sơn nói.

 kon tum: nong dan khoc rong vi gat toan lua lep, nguy co mat trang hinh anh 2

Bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành trên nhiều diện tích lúa của người dân

Tương tự gia đình ông Sơn, gia đình bà Nguyễn Thị Lộc (trú tại TP. Kon Tum) cũng không khỏi rầu rĩ khi lúa bắt đầu trổ bông thì bị khô héo.

“Nhà tôi làm 6 sào lúa nhưng chỉ thu được hơn 3 tạ, điều đáng nói hạt toàn bị lép. Gia đình tôi đành để ăn với xay cho gia súc, gia cầm thôi chứ bán chẳng ai mua”, bà Lộc chia sẻ.

Theo ông Lê Tự Đích - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết, bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện trên cây lúa từ lâu, chính quyền xã đã khuyến cáo cho người dân phun thuốc phòng và trị bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn bùng phát và xuất hiện hầu hết ở các ruộng lúa. Toàn xã có khoảng 220ha lúa, trong đó diện tích mắc bệnh đạo ôn cổ bông khoảng10-20%, có hộ gia đình hơn 50% diện tích lúa bị bệnh.

 kon tum: nong dan khoc rong vi gat toan lua lep, nguy co mat trang hinh anh 3

Bà Lộc chán nản vì lúa mắc bệnh năng suất kém, chất lượng giảm không thể bán được.

Tại phường Nguyễn Trãi (TP.Kon Tum) cũng có khoảng 500 hộ gia đình canh tác trên 100 ha lúa. So với năm 2018, vụ lúa năm nay người dân nơi đây cũng bị mất mùa do bệnh đạo ôn cổ bông diễn biến phức tạp.

Để đối phó với dịch bệnh, ông Nguyễn Nghiêm khuyến cáo người dân cần tìm hiểu và phun thuốc phù hợp, tránh diện tích lúa bị lây lan dịch bệnh. Việc người dân bón đạm nhiều hay sạ dày cũng khiến bệnh đạo ôn cổ bông dễ dàng phát triển.

Ngoài ra, khi cây lúa có dấu hiệu mắc bệnh người dân cần dừng ngay việc bón phân hóa học. Khi chớm bệnh phải phòng trừ ngay, nếu để mắc bệnh đạo ôn cổ bông nặng sẽ khó chữa trị. Bệnh đạo ôn cổ bông là một trong những loại bệnh nguy hiểm trên cây lúa, vì vậy người dân cần nâng cao cảnh giác để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tag:  bệnh đạo ôn, dịch bệnh đạo ôn trên lúa, nông nghiệp, thu hoạch, nhà nông, Kon Tum, phòng trừ bệnh đạo ôn