(Dân Việt) Sau thương vụ phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu quốc tế của VPBank, một số ngân hàng như SHB, TPBank cũng thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Theo giới ngân hàng, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng “vượt biển” tìm vốn. Động thái này phần nào giúp các ngân hàng giải cơn “khát vốn” trung và dài hạn nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với không ít rủi ro.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế.
Ngân hàng “vượt biển” tìm vốn
Theo đó, SHB có kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế, với hai loại trái phiếu gồm 200 triệu USD trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn 10 năm và SHB có quyền mua lại sau 5 năm 1 ngày; 300 triệu USD trái phiếu quốc tế cao cấp có kì hạn 3-5 năm.
Mức lãi suất cụ thể sẽ được xác định theo phương pháp dựng sổ trên cơ sở nhu cầu của nhà đầu tư. Đây đều là trái phiếu không có đảm bảo, không chuyển đổi và không kèm chứng quyền.
Thời gian phát hành dự kiến là trong quý IV/2019 và năm 2020 tùy tình hình thị trường và nhu cầu của SHB. Trái phiếu phát hành dự kiến được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
TPBank cũng góp mặt trong làn sóng phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thời gian gần đây khi nhà băng này thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp II trong năm 2019. Thời gian thực hiện lấy ý kiến cổ đông là từ 28/6-12/7/2019.
Trong tháng 7 vừa qua, VPBank đã phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu quốc tế trong kế hoạch huy động 1 tỷ USD. Trái phiếu quốc tế có kỳ hạn 3 năm, lãi suất danh nghĩa 6,25%.
Trái phiếu này của VPBank cũng là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore. Ngân hàng này cho biết, các nhà đầu tư đã đăng ký mua với tổng nhu cầu gấp 3 lần lượng trái phiếu phát hành đợt này.
Đây cũng là thượng vụ phát hành thành công trái phiếu quốc tế thứ 2 sau thương vụ “lịch sử” 250 triệu USD vào năm 2012 của Vietinbank. Sau thành công của Vietinbank khi đó, nhiều ngân hàng khác muốn phát hành trái phiếu như Vietcombank, Sacombank, ACB, BIDV nhưng không thực hiện được.
Lý do là, tại thời điểm đó, mức độ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam vừa bị hạ, tình hình kinh tế vĩ mô bộc lộ nhiều khó khăn, nhiều khoản nợ xấu ngân hàng bộc lộ cần xử lý.., đã đẩy lãi suất coupon và chi phí phát hành trái phiếu quốc tế lên quá cao.
Có phải thời điểm thích hợp?
Nói về làn sóng phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng trong giai đoạn này, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây thời điểm tương đối thuận lợi ở góc độ cả vĩ mô và vi mô để các ngân hàng huy đông vốn trên thị trường quốc tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh ngân hàng tích cực bất chấp những biến động khó lường từ bức tranh kinh tế, chính trị thế giới.
Một trong những yếu tố quan trọng khác có tính quyết định tới việc thành công trong việc phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng Việt Nam đó chính là tín nhiệm, uy tín của ngân hàng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài nay cũng đã có sự cải thiện đáng kể. Nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thăng hạng tín nhiệm quốc gia cũng như ngân hàng. Các ngân hàng cũng đã có đủ tự tin cũng như đủ uy tín thuyết phục thị trường để huy động vốn từ nước ngoài. Điều này sẽ làm đa dạng thêm các kênh huy động vốn cho các ngân hàng thương mại khi thị trường trái phiếu trong nước vẫn chưa thực sự phát triển.
Các ngân hàng cũng đã có đủ tự tin cũng như đủ uy tín thuyết phục thị trường để huy động vốn từ nước ngoài
Ngoài ra, trong bản công bố phương án phát hành trái phiếu quốc tế của SHB cũng đã chỉ ra rằng, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất, tình hình lãi suất trên thị trường quốc tế thấp hơn lãi suất trong nước. Tỷ suất lợi nhuận bị co hẹp đang thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài đa dạng hóa danh mục, tạo điều kiện thuận lợi và thích hợp cho SHB phát hành trái phiếu quốc tế.
Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thăng hạn tín nhiệm quốc gia cũng như hệ thống ngân hàng sẽ khiến chi phí phát hành trái phiếu giảm hơn so với những năm trước đây.
Bên cạnh đó, mức độ chuyên nghiệp của các ngân hàng được nhà đầu tư đánh giá cao hơn thể hiện qua việc công khai minh bạch báo cáo tài chính, chiến lược kinh doanh dài hạn và đầu tư hiệu quả, quản lý rủi ro và nâng cao năng lực điều hành.
Giải cơn “khát vốn” nhưng tiềm ẩn rủi ro
Hiện nhiều ngân hàng Việt vẫn chạy nước rút để thực hiện chuẩn Basel II khi thời hạn chót đã cận kề, đồng thời đảm bảo hệ số CAR trên 8% theo cách tính mới. Nếu không đáp ứng chuẩn Basel II cũng như hệ số CAR mới, các ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ không được Ngân hàng Nhà nước cấp “quota” tín dụng và tất yếu sẽ không thể tăng trưởng.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, để đảm bảo mục tiêu này, mỗi năm, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tới 4 tỷ USD (gần 100.000 tỷ đồng). Từ đầu năm đến nay, vốn cấp 1 của các ngân hàng hầu như không tăng, vì vậy các ngân hàng phải dựa vào phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên để tăng vốn cấp II - một trong những yếu tố cải thiện hệ số CAR.
Đây được xem là một trong số những nguyên nhân và cũng là động lực để các ngân hàng thương mại tìm cách “vượt biển” tìm vốn.
Đồng thời, với trái phiếu phát hành với kỳ hạn 3 năm, 5 năm sẽ làm giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn cho các ngân hàng theo quy định ngày càng chặt chẽ hơn của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian vừa qua, tình trạng các ngân hàng đang “khát” vốn trung, dài hạn được biểu hiện rõ nét khi mặt bằng lãi suất huy động của nhiều NHTM đã và đang có chiều hướng tăng nhanh. Đặc biệt là đối với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng tư nhận lên tới trên 10%/năm. Chính vì vậy, việc phát hành trái phiếu quốc tế không chỉ giúp các ngân hàng phần nào giải tỏa “cơn khát vốn” trung và dài hạn mà còn giúp giảm bớt áp lực huy động tiền trong nước.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia tài chính ngân hàng, phát hành trái phiếu quốc tế cũng có thể để đáp ứng một phần nhu cầu ngoại tệ trong trung - dài hạn trong bối cảnh hoạt động cho vay ngoại tệ cũng đang được kiểm soát dần. Hơn nữa, các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế có lợi hơn ở chỗ lãi suất trên thị trường quốc tế thường thấp hơn lãi suất tiền đồng trong nước.
Tuy nhiên, mỗi chính sách luôn tồn tại 2 mặt. Việc phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn huy động trung - dài hạn sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro khi hiệu quả sinh lời kém. Khi đó, ngân hàng sẽ đẩy rủi ro cho tương lai khi đến kỳ đáo hạn.
Phát hành trái phiếu quốc tế các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro từ tỷ giá
Theo ông Cấn Văn Lực, về cơ bản lãi suất của trái phiếu quốc tế ở mức tương đối cao. Vì mức độ rủi ro của Việt Nam nói chung và ngân hàng nói riêng vẫn tương đối cao so với các nước trong khu vực cũng như so với khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, lãi suất cho vay đầu ra ở Việt Nam, về cơ bản sẽ duy trì ổn định theo định hướng chung của Chính phủ, NHNN. Chưa kể, những rủi ro đến từ tỷ giá khi mà tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới ngày càng diễn biến phức tạp theo đó tỷ giá cũng biến động mạnh hơn. Đó là những rủi ro mà một tổ chức tín dụng khi phát hành trái phiếu quốc tế phải đối mặt.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, trước những thay đổi khó lường trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng địa chính trị trên thế giới,...thì chưa thể mất cảnh giác với áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, công cụ điều tiết của cơ quan điều hành cũng đã có nhiều thuận lợi hơn trước khi dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục, điều hành linh hoạt và nhuần nhuyễn, khả năng FED nâng lãi suất trong năm nay là rất thấp.
Đăng nhận xét