Chủ tịch VGB Trần Thanh Hải: " Vàng - cuộc chơi không dành cho tay mơ"

Đây là cuộc chơi của những người chuyên nghiệp, am hiểu, có kiến thức chứ không dành cho tay mơ. Hơn nữa, bản thân các nhà kinh doanh vàng cũng không thể đoán đúng đâu là thời điểm mua đáy và bán đỉnh. Bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến rất phức tạp, rất khó đoán định.

 chu tich vgb tran thanh hai: " vang - cuoc choi khong danh cho tay mo" hinh anh 1

Ông Trần Thanh Hải nhận định giá vàng đang biến động liên tục và rất kịch tính.  Ảnh: PHƯƠNG MINH

“Giá vàng đã thiết lập mặt bằng giá mới”. Đây là đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB). Theo ông Hải, giá vàng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, qua đó liên tiếp lập đỉnh mới trong thời gian gần đây.

Giá vàng nhảy múa theo phát biểu của ông Trump

Theo ông, bản chất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nằm ở đâu?

- Dưới góc nhìn của tôi, cuộc chiến này không chỉ nằm ở trả đũa thuế lẫn nhau mà bản chất là cuộc đối đầu giữa Mỹ-Trung (ban đầu là cuộc xung đột thương mại, chuyển sang xung đột công nghệ và giờ là xung đột tiền tệ - PV).

Vậy cuộc chiến trên ảnh hưởng đến giá vàng ra sao?

- Sự đụng độ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu mà biểu hiện rõ nhất là thương mại đình đốn. Cứ hình dung 100 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đang chảy sang Mỹ bỗng dưng gặp khó khăn vì thuế cao, kéo theo bao nhiêu hệ lụy như công ăn việc làm, chuỗi cung ứng không những của Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác bao gồm cả Việt Nam.

Để bù đắp phần bị mất, các quốc gia buộc phải sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế như phá giá đồng tiền, tăng cung tiền, hạ lãi suất cơ bản, giảm tỉ lệ lãi suất chiết khấu, giảm thuế… Khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách này khiến thế giới dư tiền. Một khi thế giới dư tiền trong khi kinh tế bị đình đốn, người ta sẽ xem vàng là nơi trú ẩn, nghĩa là đầu tư vào vàng và đẩy giá vàng lên.

Vậy ông giải thích thế nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cứng rắn với Trung Quốc thì giá vàng lên, ngược lại khi ông nói giọng ôn hòa với Trung Quốc, giá vàng xuống?

- Lúc mạnh mẽ, cứng rắn, lúc dịu giọng là nghệ thuật đàm phán của ông Trump. Đúng là khi ông khẩu chiến, giá vàng tăng nhưng khi thỏa hiệp, giá vàng có giảm. Nhưng cần phải thấy rằng nếu nhìn biểu đồ, gần đây giá vàng lên xuống hình sin, song theo xu hướng tăng chứ không trở lại mốc 1.300 USD/ounce như hồi đầu tháng 6.

Nói cách khác, giá vàng có thể điều chỉnh giảm vào thời điểm hai nền kinh tế lớn đi đến thỏa hiệp nhưng sự thỏa hiệp chỉ là ngắn hạn, không cơ bản. Còn gốc vấn đề với mục tiêu xác lập vị thế thống trị toàn cầu của một trong hai nước như đã phân tích ở trên thì trong ngắn hạn từ đây đến cuối năm 2019, giá vàng vẫn nằm trong xu thế tăng.

 chu tich vgb tran thanh hai: " vang - cuoc choi khong danh cho tay mo" hinh anh 2

Ngạc nhiên vì giá vàng tăng sốc

Cuộc chiến thương mại bị đẩy lên cao nhưng tốc độ giá vàng tăng không nhanh bằng như giai đoạn cả thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính cách nay hơn 10 năm. Ông lý giải điều này ra sao?

- Có nhiều lý do để giải thích điều này. Giai đoạn 2007-2008, khi xảy ra khủng hoảng tín dụng của Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất cơ bản từ trên 4% xuống 0%, mức giảm cực lớn… Trong bối cảnh đó, giá vàng tăng vọt lên 1.924 USD, kéo theo giá vàng trong nước tăng 49 triệu đồng vào thời điểm đó.

Còn trong ba tháng qua, từ ngày 4-6 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng trên 17%. Đây là một con số đáng kể và giá vàng trong nước đã tăng đuổi kịp giá vàng thế giới. Đây là một điều đáng ngạc nhiên.

Có thể thấy diễn tiến khi giá vàng thế giới bắt đầu tăng, giá vàng trong nước cũng tăng nhưng chậm hơn. Sau đó, khi cuộc thương chiến bị đẩy lên cao và giá vàng vượt mốc 1.400, rồi 1.500 USD thì giá vàng trong nước bắt đầu tăng mạnh. Sự khác biệt này do đâu, thưa ông?

- Trong giai đoạn đầu tháng 6, giá vàng thế giới tăng nhưng giá vàng trong nước tăng chậm hơn. Đến ngày 26-8, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật), khi đình chiến thương mại không có kết quả và xảy ra khủng hoảng vùng vịnh Iran đã thổi bùng giá vàng.

Trong khoảng thời gian này, giá vàng tăng vượt mức 10% và tâm lý hành vi người tiêu dùng bắt đầu thay đổi. Khi giá vàng đạt lợi suất 17%, lúc này tỉ suất lợi nhuận vàng đã đánh đổ lợi tức các kênh truyền thống khác như trái phiếu, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng. Cũng từ đây người tiêu dùng củng cố lòng tin vàng chỉ có tăng và không giảm nên trở lại kênh vàng vì sợ chậm chân. Đó là lý do giải thích đến tháng 8, giá vàng trong nước bám rất chặt giá vàng thế giới.

Nhà kinh doanh cũng không thể đoán đúng

Với việc giá vàng trong xu thế tăng liệu có ảnh hưởng đến các kênh khác như gửi tiết kiệm, chứng khoán, trái phiếu…?

- Từ đây đến cuối năm, dự báo giá vàng vẫn còn tăng. Tỉ giá hiện nay là trên 23.000 đồng/USD, rất khác vào năm 2011 và nếu giá vàng thế giới tăng thêm 175 USD để lên mức 1.700 USD/ounce, tương đương giá vàng trong nước sẽ tiệm cận 48-49 triệu đồng/lượng. Nếu vượt mức 49 triệu, tôi cho rằng người ta sẽ chuyển sang đầu tư vàng khá lớn.

Rõ ràng điều này sẽ gây áp lực lên tiền gửi ngân hàng và trong chừng mực nào đó lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, kênh bất động sản vẫn tiếp tục là đối thủ ngang tài ngang sức với vàng. Lý do là thị trường bất động sản năm 2019 và năm 2020 ở chiều tăng do nguồn cung ít, thủ tục cấp phép và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn bị siết chặt.

Vậy ông có lời khuyên nào cho người dân tham gia vào thị trường vàng trong bối cảnh kim loại quý này tăng nóng?

- Theo tôi, những người bám sát biến động giá vàng, có niềm tin, sử dụng tiền nhàn rỗi đầu tư vàng là hợp lý. Không nên đi vay mượn hay chuyển danh mục tài sản khác để lấy tiền mua vàng. Cụ thể là không nên lấy tiền gửi ngân hàng từ hưởng lãi suất có kỳ hạn chuyển sang lãi suất không kỳ hạn, hay bán cổ phiếu, trái phiếu đang nắm giữ với giá thấp để lấy tiền mặt mua vàng giá cao.

Hợp lý nhất nếu từ đây đến cuối năm, có tiền thưởng, tiền hoa hồng thì chia “trứng trong nhiều giỏ”, trong đó có kênh đầu tư vàng.

Với tư cách là một chuyên gia, ông khuyên người dân đừng mạo hiểm với vàng nhưng với tư cách là nhà kinh doanh thì cuộc chơi này với ông có ý nghĩa như thế nào? Ông lời hay lỗ từ đầu tư vào vàng?

- Trong cuộc chơi này, đối với nhà kinh doanh, nói cho cùng vàng là mục tiêu của lợi nhuận. Thật ra nhóm chúng tôi đã kiếm được khoản lời 850.000 đồng/lượng khi vàng đã có đợt sóng ngắn từ mức giá 37,1 triệu đồng tăng lên 39 triệu, rồi sau đó lại tụt xuống 38,5 triệu.

Thậm chí chúng tôi chơi bằng hình thức đòn bẩy tài chính nên kiếm lời khá tốt. Có điều đây là cuộc chơi của những người chuyên nghiệp, am hiểu, có kiến thức chứ không dành cho tay mơ. Hơn nữa, bản thân các nhà kinh doanh vàng cũng không thể đoán đúng đâu là thời điểm mua đáy và bán đỉnh. Bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến rất phức tạp, rất khó đoán định.

Giá vàng nhảy múa liên tục

Chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua, giá vàng miếng tại Việt Nam tăng 2,8-3 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu tháng 6 đến nay, mỗi lượng vàng đã tăng thêm khoảng 6-7 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng miếng SJC mua vào dao động quanh mức 42,25 triệu đồng/lượng và bán ra 42,6 triệu đồng/lượng. Trước đó, có thời điểm giá vàng trong nước vượt 43,5 triệu đồng/lượng, cao nhất trong bảy năm. Dù giá vàng tăng sốc nhưng giao dịch khá yếu.