Mở "đường" xuất khẩu yến sào chính ngạch sang Trung Quốc

(Dân Việt) Yến sào ngày càng cho thấy hiệu quả kinh tế cao, nhưng hệ lụy phát triển tự phát gần đây khiến nghề này hứng chịu nhiều phản ứng tiêu cực, đầu ra của sản phẩm cũng chưa ổn định. Việc kết nối với doanh nghiệp Trung Quốc theo con đường xuất khẩu chính ngạch đã mở ra tín hiệu tốt cho nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.

Bất cập quản lý

Nghề nuôi chim yến xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2004, nhưng mới phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây, nhất là ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đơn cử như tại Bạc Liêu, năm 2017 có khoảng 500 nhà yến, thì đến nay đã tăng lên gần 800 nhà.

Kiên Giang là địa phương có số lượng nhà nuôi yến nhiều nhất với 925 nhà, tổng diện tích gần 177.000m2. TP.HCM có số lượng nhà nuôi và diện tích thấp hơn nhưng sản lượng đạt tới 14.384kg/năm so với sản lượng gần 8.460kg/năm của Kiên Giang.

 mo "duong" xuat khau yen sao chinh ngach sang trung quoc hinh anh 1

 mo "duong" xuat khau yen sao chinh ngach sang trung quoc hinh anh 2

Cần sớm có các văn bản pháp lý hướng dẫn để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững. Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thừa nhận, dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng thời gian qua việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát.

Anh hùng lao động Trần Lam (tỉnh Kiên Giang), người có thâm niên trong nghề nuôi chim yến kể, nghề nuôi yến ở Malaysia rất khác với Việt Nam. Malaysia khuyến khích nuôi yến nhưng phải đảm bảo các điều kiện khắt khe về môi trường. Nhiều khi đi giữa khu dân cư mà không hề nhận ra căn nhà đó đang nuôi chim yến.

“Loa phát âm dẫn dụ của họ chĩa lên trời và được kiểm soát âm lượng nên không nghe thấy tiếng ồn. Loa ở ta thì chĩa thẳng qua nhà bên cạnh, vừa làm phiền dân cư vừa khiến chim yến lạc lối” - ông Lam kể. 

Theo ông Lam, 1kg tổ yến có giá từ 1.500 - 2.000USD, giá trị xuất khẩu thu về 100 - 125 triệu USD/năm. Đây thực sự là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người nuôi yến hiện rất cần những hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, quy chuẩn pháp lý rõ ràng và định hướng thị trường cụ thể.

Chim yến được xem là động vật hoang dã. Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã này có nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi. Trong khi đối tượng nuôi này lại chưa được điều chỉnh trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.

Chim yến sống thành đàn lớn, lại sống trên cao, nên khó kiểm soát dịch bệnh. Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo. Hiện nay, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi và chất lượng sản phẩm nên việc cấp giấy phép xây dựng nhà yến gặp nhiều khó khăn.

Tìm đường xuất khẩu chính ngạch

Theo ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, thực tế, nghề nuôi yến đang thiếu các căn cứ pháp lý cần thiết để ngành này phát triển.

Ông Minh đề nghị cần sớm có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà yến, nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Ở các địa phương cần công khai quy hoạch vùng nuôi chim yến gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo vệ môi trường.

Theo ông Trần Phương Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cũng do phát triển tự phát, nghề nuôi chim yến chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu sản phẩm, chủ yếu xuất thô. Việc mua, bán thương mại sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá. Việc kết nối được với đối tác Trung Quốc mới đây là bước đi tốt.

Tuy nhiên, Trung Quốc coi kiểm tra và kiểm dịch là điểm mấu chốt an toàn cho nông sản và thực phẩm nhập khẩu. Vì hầu hết tổ yến vẫn được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua các kênh không chính thức, nên khi Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát sẽ có tác động lớn đến ngành yến của cả hai nước.

“Để sản phẩm yến rộng đường xuất khẩu, chất lượng phải được coi trọng hàng đầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) phải sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn để ngành nghề này phát triển ổn định và có cơ sở đi xa hơn” - ông Tuấn đề nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Luật Chăn nuôi mới được Quốc hội thông qua là điều kiện thuận lợi để xây dựng nghị định hướng dẫn cho nghề nuôi chim yến.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ NNPTNT khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân phát triển ngành yến và sớm hoàn thành các văn bản pháp lý hỗ trợ nghề nuôi yến.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chăn nuôi cần sớm hoàn thành tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi yến và nhà yến; sớm đưa vào nghị định để thực hiện Luật Chăn nuôi; phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng thông tư liên tịch về nhà nuôi yến. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn chê biến sâu để tham mưu Bộ sớm ban hành. Cục Thú y sớm ban hành hướng dẫn quy chuẩn ATTP và dịch bệnh.

Hiệp hội Yến sào Việt Nam và các đơn vị liên quan hoàn tất sớm hồ sơ rủi ro giao cho hải quan Trung Quốc thẩm định, mở đường cho xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc; tập hợp các doanh nghiệp, cơ sở, nông hộ chăn nuôi và chế biến thành khối đoàn kết, tạo sức mạnh tập trung cho ngành thay vì phát triển rời rạc như hiện nay.

Tag:  nuoi chim yen, cơ chế phát triển chim yến, xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc