Ngày 28/11, Bộ Y tế đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực bạo lực trên cơ sở giới. Tại buổi lễ phát động, GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay vấn đề bình đẳng giới đã được nhiều người quan tâm, có luật quy định, nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn đang có dấu hiệu gia tăng.
“Khi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, người ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Đã có trường hợp người vợ bị hành hạ không thể chịu đựng được nên đã tìm đến cái chết để tự giải thoát mình”, Thứ trưởng Tiến cho hay.
Bạo lực gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của các thành viên trong gia đình (ảnh minh họa)
Không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ và trẻ nhỏ, tình trạng bạo lực gia đình còn đang ảnh hưởng rất xấu đến xã hội. “Nhiều chị em phụ nữ khi chứng kiến cảnh bạo lực đã “sợ” không dám lấy chồng, thực tế đã có nhiều chị em chấp nhận làm bà mẹ đơn thân, chứ không lấy chồng vì sợ bạo lực gia đình xảy ra với mình”, GS Tiến chia sẻ.
Theo thống kê của Vụ Gia đình, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận tại Việt Nam ngày càng tăng và ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, tính riêng năm 2015, cả nước có 31 phụ nữ và 7 trẻ em bị người thân giết hại. 6 tháng đầu năm 2016 có hơn 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng do bạo lực gia đình.
Chỉ tính ở Ngôi nhà Bình yên, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (nơi nhận bảo trợ cho những phụ nữ và trẻ em bị bạo hành), trong tổng số hơn 600 phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, có đến 75% người bị người thân tra tấn dã man, rất nhiều người bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, nhiều người tự tử vài lần nhưng may mắn được cứu; nhiều người bị cụt tay, chân, tổn thương đầu, cột sống...
Đăng nhận xét