Phi công Liên Xô vĩ đại nhất, bất đắc dĩ bắn rơi tiêm kích tốt nhất của Mỹ

Ivan Nikitovich Kozhedub là phi công lập chiến công lớn nhất phe Đồng Minh trong Thế chiến 2.

Ivan Nikitovich Kozhedub là phi công đạt cấp “Ách” (Ace) của Liên Xô trong Thế chiến 2 và là phi công lập chiến công lớn nhất của phe Đồng Minh với 64 lần bắn rơi máy bay địch, theo Airpower Asia.

Say mê máy bay cánh quạt

Kozhedub sinh ra trong gia đình nghèo vào ngày 8.6.1920 ở làng Obrazhiyivka, gần thành phố Shostka (nay thuộc Ukraine). Ông là con út trong gia đình có 5 anh chị em.

Ngay từ nhỏ, Kozhedub đã phải trải qua những ngày tháng đầy khó khăn, luôn thiếu ăn từng bữa. Cha ông được coi là một người khác thường so với địa vị xã hội. Người cha làm công nhân ở nhà máy và công việc trồng trọt, nhưng luôn dành thời gian rảnh rỗi để đọc sách.

Năm lên 6 tuổi, Kozhedub bắt đầu học cách viết và đọc, được cha gửi đến trường. Sau khi hoàn thành chương trình bảy năm, ông tốt nghiệp và được nhận vào trường Cao đẳng Công nghệ Hóa học Shostka.

Kozhedub từng kể rằng, dù dang bận làm gì đi chăng nữa, ông luôn bị phân tâm bởi tiếng động cơ máy bay. Ông nhớ lời giáo viên dạy ở trường, rằng hãy chọn cuộc đời cuộc một người vĩ đại làm hình mẫu.

Đối với Kozhedub, ông thần tượng phi công nổi tiếng Valery Chkalov, người từng lập kỷ lục với chuyến bay dài 56 giờ, qua quãng đường 9.374km vào năm 1936.

Năm 1938, Kozhedub gia nhập một câu lạc bộ hàng không. Tháng 4.1939, ông có chuyến bay đầu tiên trên một chiếc máy bay huấn luyện Polikarpov U-2. Ông cảm thấy cực kỳ ấn tượng khi nhìn thấy cảnh vật quê hương mở rộng trước mắt ở độ cao 1.500 mét.

Ở tuổi 20, Kozhedub gia nhập Hồng quân Liên Xô. Ông được đào tạo ở trường huấn luyện phi công. Với thành tích xuất sắc, Kozhedub được giữ lại trường để làm thầy hướng dẫn.

Minh họa cảnh Kozhedub bắn rơi máy bay phản lực tiên tiến nhất của phát xít Đức trong Thế chiến 2.

Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nổ ra vào năm 1941, trường đào tạo phi công quân sự phải chuyển tới nơi an toàn hơn ở phía đông và Kozhedub không phải ngoại lệ.

Ông nhiều lần yêu cầu được tham chiến, ra tiền tuyến nhưng mãi đến tháng 11.1942, nguyện vọng này mới được đáp ứng.

Kozhedub nhớ lại: “Tôi đã nhiều lần yêu cầu được chuyển ra tiền tuyến. Cơ hội đến khi tôi là một trong những người đầu tiên lái chiếc tiêm kích Lavochkin La-5. Đó là chiếc tiêm kích mới nhất được sản xuất". Tháng 3.1943, Kozhedub chính thức tham gia trận không chiến đầu tiên. 

Phi công vĩ đại nhất của Liên Xô trong Thế chiến 2

Trong trận chiến đầu tiên, chiếc tiêm kích La-5 do Kozhedub điều khiển bị một máy bay Messerschmitt Bf-109 của Đức bắn trúng từ phía sau. Chiếc máy bay bị hư hại nặng nhưng Kozhedub may mắn không hề hấn gì.

Đó cũng là lần đầu tiên Kozhedub học được bài học thấm thía từ thực chiến. Đó là ông quá nóng vội muốn lập công mà để lộ sơ hở.

Chiến công đầu tiên của phi công giỏi nhất Liên Xô được thực hiện vào ngày 6.7.1943. Trong một nhiệm vụ ngăn chặn 20 máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju-87 của Đức, ông đã bắn hạ một máy bay địch trong lần khai hỏa thứ ba.

Nhanh nhẹn, dũng cảm, khéo léo là những phẩm chất khi nhắc đến Kozhedub. Ông đặc biệt trân trọng mỗi chiếc tiêm kích mình điều khiển, luôn cố gắng cứu máy bay đến cùng. Kozhedub từng nói: “Động cơ hoạt động chính xác. Máy bay tuân theo mọi chuyển động của tôi”.

Kozhedub tham gia tổng cộng 120 trận không chiến, hiếm khi để xảy ra sai lầm và khiến mình rơi vào tình huống nguy hiểm. Các phi công Liên Xô khác gọi ông là một tay thiện xạ do luôn ưa thích tấn công máy bay đối phương từ khoảng cách 200 - 300 mét.

Tài năng của Kozhedub được bộc lộ rõ ràng nhất trong chiến dịch "Sông Dniepr" khi quân đội Liên Xô bắt đầu phản công ở phía đông Ukraine. Chỉ trong 10 ngày, Kozhedub đã tiêu diệt tổng cộng 11 máy bay của phát xít Đức.

Tháng 7.1944, Kozhedub được đề bạt làm phó chỉ huy Trung đoàn cận vệ bay số 176 thuộc Phương diện quân Belorussia số 1. Ông chuyển sang lái chiếc tiêm kích La-7, lập chiến công tiêu diệt thêm 17 máy bay địch.

Bắn rơi tiêm kích tốt nhất của Mỹ

Một trong những chiến công lớn nhất của Kozhedub là bắn rơi chiếc tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới Me-262. Đây là mẫu máy bay hiện đại nhất của phát xít Đức trong Thế chiến 2.

Kozhedub nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc Me-262 bay ở độ cao 3.500 mét với tốc độ đáng kể. “Đó là thứ gì vậy? Tôi không thể rời mắt khỏi nó”.

Ivan Nikitovich Kozhedub được thăng hàm Nguyên soái Không quân vào năm 1985

Trong trận không chiến diễn ra ngày 19.2.1945, Kozhedub may mắn có cơ hội tiếp cận một chiếc Me-262 và bắn rơi máy bay này bằng tài thiện xạ của mình.

Ở thời đại mà các phi công lái máy bay tiêm kích phải bám đuổi nhau, bắn hạ đối phương bằng súng máy, chuyện nhận diện nhầm địch ta diễn ra khá phổ biến.

Ngày 22.4.1945, Kozhedub bị hai tiêm kích P-51 Mustang của không quân Mỹ bám đuổi vì tưởng nhầm là máy bay Đức. "Các anh đang bắn ai đấy? Tôi à?", Kozhedub kể lại về sự ngạc nhiên khi phát hiện mình đang bị máy bay Mỹ tấn công.

Trong màn đối đầu bất đắc dĩ này, Kozhedub bắn rơi cả hai chiếc P-51. Phi công Mỹ ở trên chiếc thứ 2 kịp thời nhảy dù khỏi máy bay bốc cháy, theo Airpower Asia. P-51 sau này được các chuyên gia đánh giá là tiêm kích tốt nhất của Mỹ trong Thế chiến 2.

Sự nghiệp của Kozhedub không chỉ dừng lại ở chiến trường Đức. Dưới sự chỉ huy của ông, Sư đoàn Không quân Tiêm kích số 324 đã giành được 239 trận thắng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), bao gồm 12 lần bắn rơi oanh tạc cơ hạng nặng B-29 Superfortresses của Mỹ.

Kozhedub trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác trong không quân Liên Xô, được thăng hàm Nguyên soái Không quân vào năm 1985. Ông qua đời vào ngày 8.8.1991 ở Moscow, thọ 71 tuổi.

____________________

Mặt trận Thái Bình Dương đánh dấu bước ngoặt Thế chiến 2 khi các phi công hải quân Mỹ đánh bại phát xít Nhật. Có một phi công Nhật Bản sau này được biết đến nhiều nhất ở Mỹ, được mời ăn tối ở căn cứ hải quân Mỹ. Bài dài kỳ xuất bản 15h ngày 2.5 sẽ làm rõ hơn về cuộc đời của phi công này.

Let's block ads! (Why?)