Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không mang lại kết quả như ông Trump kỳ vọng. Ảnh minh họa: Reuters
Tờ Bloomberg hôm 12/1 đưa tin, trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở Mỹ, gây ra cuộc suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ sau Đại Suy thoái, Trung Quốc đã phải chịu các lệnh áp thuế của ông Trump.
Nhưng khi Bắc Kinh kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhu cầu đối với trang thiết bị y tế và đồ gia dụng tăng, khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ cũng tăng (xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu), bất chấp bị Washington áp thuế.
Dù căng thẳng thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới không bắt đầu dưới thời ông Trump, Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã gia tăng căng thẳng bằng việc áp thuế và các lệnh trừng phạt chưa từng có với các công ty công nghệ. Cách thức tiếp cận "mạnh tay" hơn không đem lại kết quả như Tổng thống Mỹ đương nhiệm mong muốn. Nhưng ông Trump là minh chứng cho người kế nhiệm Joe Biden thấy điều gì hiệu quả và không hiệu quả khi đối phó với Trung Quốc.
"Trung Quốc rất lớn và quan trọng với nền kinh tế thế giới. Việc gạt bỏ nền kinh tế Trung Quốc không dễ dàng như cắt bỏ một con búp bê giấy. Chính quyền của ông Trump đã nhận được lời cảnh tỉnh", Mary Lovely, giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse (Mỹ), nhận định.
Thâm hụt thương mại Mỹ tăng lên
Ông Trump năm 2016 từng tuyên bố, sẽ nhanh chóng bắt đầu quá trình "đảo ngược" thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc, phớt lờ các nhà kinh tế đang coi thường tầm quan trọng của thâm hụt song phương.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng lên, ở mức 287 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2020 (không tính tháng 12), theo dữ liệu từ phía Trung Quốc.
Mức thâm hụt này đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, do các công ty Mỹ chuyển sang nhập khẩu từ các nước khác, nhưng vẫn cao hơn mức chênh lệch 254 tỷ USD năm 2016. Một phần là do Bắc Kinh áp thuế trả đũa lên khoảng 110 tỷ USD hàng hóa, giảm nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ và việc nhập khẩu các sản phẩm này chỉ bắt đầu khôi phục trong vài tháng cuối năm 2020.
Theo một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết năm 2020, Bắc Kinh đưa ra lời hứa đầy tham vọng rằng sẽ nhập khẩu số hàng hóa trị giá 172 tỷ USD của Mỹ trong cách danh mục cụ thể trong năm 2020. Nhưng tới cuối tháng 11/2020, Bắc Kinh mới thực hiện được 51% lời hứa của mình. Giá năng lượng sụt giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những vấn đề với máy bay của hãng Boeing lý giải cho sự "thất hứa" của Trung Quốc.
Sự thâm hụt dai dẳng chứng tỏ mức độ phụ thuộc của các công ty vào năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng tăng sản lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng như máy tính và trang thiết bị y tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 11/1 thể hiện sự tin tưởng vào sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, nói với các quan chức rằng "thời gian và tình thế đang ủng hộ Bắc Kinh". Người đứng đầu Trung Quốc nói thêm rằng, ông "nhận thấy cơ hội nhiều hơn thách thức".
Xuất khẩu của Trung Quốc liên tục tăng
Ông Trump nhiều lần nói rằng, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 giúp kinh tế nước này "cất cánh như phi thuyền gắn tên lửa". Đây là điều mà ông Trump cho là không công bằng. Cuối cùng, cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc lại xảy ra đồng thời với việc Bắc Kinh mở rộng xuất khẩu.
Sau khi bị "co lại" trong 2 năm 2015 - 2016, tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trong các năm tiếp theo, đúng từ thời điểm ông Trump lên nhậm chức. Ngay cả khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm vào năm 2019, tổng lượng hàng xuất khẩu của Bắc Kinh vẫn tăng.
10 quốc gia Đông Nam Á đã thay thế Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong năm 2019, giúp Bắc Kinh không phải đau đầu tìm nơi xuất khẩu hàng hóa khi bị Washington hạn chế.
Sự chuyển dịch sang châu Á và khu vực Đông Nam Á có thể sẽ tiếp tục do các nền kinh tế Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển trong thập kỷ tới. Những liên kết thương mại này càng được củng cố hơn nữa nhờ Hiệp ước Đối tác kinh tế toàn diện khu vực được ký kết vào cuối năm 2020. 15 nền kinh tế trong khu vực sẽ dần dần giảm bớt một số thuế quan đối với hàng hóa của nhau.
Các công ty Mỹ ở lại Trung Quốc
Ông Trump từng nói thuế quan sẽ khuyến khích các công ty Mỹ quay trở về nước Mỹ và trong một dòng tweet năm 2019, Tổng thống Mỹ đương nhiệm thậm chí còn "yêu cầu" họ "tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc ngay lập tức". Nhưng có rất ít dấu hiệu và bằng chứng cho thấy các công ty Mỹ rời Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc tăng nhẹ từ 12,9 tỷ USD năm 2016 lên 13,3 tỷ USD năm 2019, theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Rhodium Group (Mỹ).
Hơn 3/4 trong số 200 công ty Mỹ ở Thượng Hải và khu vực xung quanh cho biết, không có ý định chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.
Các công ty Mỹ thường xuyên trích dẫn sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc kết hợp với khả năng sản xuất mạnh mẽ là lý do để họ ở lại và mở rộng sản xuất tại đây.
"Dù chính quyền ông Trump có đánh thuế cao đến đâu chăng nữa, rất khó để có thể ngăn cản các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc", Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, nhận định.
Người Mỹ phải "móc hầu bao"
Ông Trump nhiều lần tuyên bố Trung Quốc đang mất tiền vì các đòn áp thuế. Các nhà kinh tế, những người thống kê các con số, đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc thường không hạ giá hàng hóa sau khi bị áp thuế để giữ nguyên tính cạnh tranh. Điều đó có nghĩa là khoản tiền cho các hàng hóa bị áp thuế được trả bởi chính người tiêu dùng và các công ty Mỹ.
Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế quốc gia (Mỹ), các đòn áp thuế dẫn đến thiệt hại thu nhập cho người tiêu dùng Mỹ khoảng 16,8 tỷ USD vào năm 2018.
Đăng nhận xét