Việc thứ nhất là tuyên bố bắt đầu tăng mức độ làm giàu Uranium từ hiện tại 4,5% lên trên 20% và việc thứ hai là bắt giữ con tầu chở khí đốt hoá lỏng Hankuc Chemi của Hàn Quốc với lý do con tàu này vi phạm những quy định và tiêu chuẩn của Iran về bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng Eo biển Hormuz.
Cả hai việc này diễn ra ngay trước một thời khắc rất quan trọng đối với tương lai chính trị của nước Mỹ là lưỡng viện lập pháp Mỹ cùng họp để chính thức xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ mà ai cũng biết là phần thắng đã thuộc về cựu phó tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ cho dù tổng thống còn đương nhiệm Donald Trump thuộc Đảng Cộng hoà vẫn không chịu công nhận là đã thất cử.
Đối với Iran, thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt bởi nước Mỹ quá bận rộn với chính mình và những gì ông Trump còn có thể làm hay sẽ làm trong thời gian 2 tuần cuối cùng ở nhiệm sở với Iran đều đứng trước khả năng rồi sẽ bị ông Biden lật ngược hoặc làm khác. Ông Trump không còn là địa chỉ mà phía Iran chuyển gửi thông điệp nữa.
Ông Trump đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) mà Mỹ và Iran đã cùng ký kết với Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức hồi năm 2015. JCPOA cho phép Iran chỉ được làm giàu Uranium đến mức độ 3,67%. Sau khi ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA và áp dụng trở lại mọi biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời trước khi có JCPOA, Iran tuyên bố sẽ khôi phục trở lại chương trình hạt nhân, nhưng trước tuyên bố mới nói trên, Iran đã chỉ tăng mức độ này lên đến có 4,5%.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng một khi làm giàu Uranium đến mức độ 20% thì cũng có nghĩa là Iran đã đi được hơn 90% đoạn đường tiến tới mục tiêu chế tạo ra vũ khí hạt nhân. Những biện pháp chính sách của ông Trump không chỉ trừng phạt trực tiếp Iran mà còn nhằm trừng phạt tất cả các đối tác tiếp tục hợp tác với Iran.
Hàn Quốc vì thế phong toả tài sản của Iran trị giá khoảng 7 tỷ USD ở Hàn Quốc. Có người cho rằng Iran bắt giữ con tàu của Hàn Quốc để đòi giải toả số tài sản kia. Iran là một trong những quốc gia trên thế giới bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra hoành hành dữ dội nên cũng có nhu cầu rất lớn về tài chính để ứng phó dịch bệnh và mua vaccine phòng ngừa dịch bệnh.
Rất có thể như vậy, nhưng nếu có như vậy thì đấy chỉ là mục đích phụ. Mục đích chính của Iran với hai động thái này là làm phép thử về phản ứng của nước Mỹ nói chung và hướng đối phó của ông Biden nói riêng. Phía Iran muốn làm cho ông Biden và cộng sự trong chính quyền mới ở Mỹ thấy rõ là nếu chính sách cũ đối với Iran được tiếp tục trong thời mới ở nước Mỹ thì Iran sẽ không còn tiếp tục sẵn sàng tuân thủ những cam kết mấu chốt nhất trong JCPOA. Đằng sau thông điệp cảnh báo và răn đe này của Iran thật ra có lời mời chào thiện chí giảm căng thẳng. Iran càng làm găng với ông Trump trong vấn đề hạt nhân thì mọi nhượng bộ rồi đây của Iran cho ông Biden càng thêm nổi bật và tạo tiền đề càng thêm thuận lợi cho ông Biden giảm căng thẳng và đối địch của Mỹ với Iran. Cứ nhìn vào phản ứng của phía Mỹ về hai động thái nói trên của Iran thì sẽ thấy chính trị và xã hội Mỹ hiện tại và cả trong thời gian tới quá bận rộn với chính mình nên chuyện xử lý quan hệ của Mỹ với Iran không còn thời sự cấp thiết.
Với việc bắt giữ con tầu của Hàn Quốc, Iran muốn thử xem phía Mỹ phản ứng như thế nào và phát đi thông điệp cảnh báo những đối tác khác luỵ Mỹ xử lý quan hệ của họ với Iran như Hàn Quốc, nhắc nhở họ ý thức về khả năng đang định hình thời kỳ quan hệ khác trước giữa Mỹ và Iran.
Phép thử này có lợi nhiều cho Iran trên phương diện hoạch định chính sách đối với Mỹ ở thời kỳ ông Biden cầm quyền ở Mỹ. Nhưng nó rất mạo hiểm và ẩn chưa nhiều rủi ro về chính trị và an ninh bởi nó khuấy động hình ảnh và cảm nhận về Iran khôi phục chương trình hạt nhân cũng như phe phái với quan điểm bảo thủ, cứng rắn lại thắng thế ở Iran. Ranh giới giữa lợi và hại, giữa tác dụng và phản tác dụng ở đây rất mong manh đối với Iran. Iran buộc phải rất thận trọng với những quyết sách tiếp để tránh đi quá xa và quá đà.
Đăng nhận xét