Bầu cử Mỹ: Hôm nay là cơ hội cuối cùng của Trump, điều gì xảy ra nếu kết quả bị phản đối?

Bầu cử Mỹ: Hôm nay là cơ hội cuối cùng của Trump, điều gì xảy ra nếu kết quả bị phản đối? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vào ngày này, quốc hội sẽ mở niêm phong các giấy chứng nhận ghi lại số phiếu bầu của đoàn đại cử tri mỗi tiểu bang.

Đại diện lưỡng đảng của cả hai viện sẽ đọc to kết quả và chính thức kiểm phiếu. Phó tổng thống Mike Pence, cũng là chủ tịch Thượng viện, sẽ chủ trì phiên họp bắt đầu từ 13h (giờ địa phương) và tuyên bố người chiến thắng.

Theo quy định của hiến pháp, nếu không ứng viên nào giành quá 270 phiếu đại cử tri thì quyền quyết định người thắng cuộc sẽ thuộc về Hạ viện. Mỗi bang được tính là một phiếu bầu, bất kể số lượng nghị sĩ của bang đó là bao nhiêu.

Tuy nhiên, số lần Hạ viện phải định đoạt cục diện bầu cử rất ít ỏi trong lịch sử Mỹ. Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Joe Biden thắng Tổng thống Trump với số phiếu đại cử tri của hai bên lần lượt là 306 và 232.

Phiên kiểm phiếu diễn ra như thế nào?

Nếu phó tổng thống không thể chủ trì cuộc họp lưỡng viện, chủ tịch Thượng viện tạm quyền hoặc thượng nghị sĩ tại nhiệm lâu nhất sẽ dẫn dắt phiên họp. Nếu kịch bản này xảy ra, người thay thế cho ông Pence năm nay là Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, đảng viên Cộng hòa từ bang Iowa.

Người chủ trì sẽ mở và trình các giấy chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang theo thứ tự bảng chữ cái.

Nhân viên kiểm phiếu được hai viện chỉ định sẽ đọc to từng giấy chứng nhận và kiểm phiếu. Sau khi hoàn tất, chủ trì cuộc họp công bố ai là người giành được đa số phiếu cho cả hai chức vụ tổng thống và phó tổng thống.

Điều gì xảy ra nếu kết quả bị phản đối?

Sau khi nhân viên kiểm phiếu đọc kết quả ở mỗi bang, bất kỳ thành viên nào của hai viện cũng có thể lên tiếng phản đối kèm theo lý do. Tuy nhiên, chủ trì phiên họp sẽ chỉ xem xét khiếu nại nếu nó được lập thành văn bản và có chữ ký của ít nhất một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện.

Nếu văn bản phản đối hợp lệ, buổi kiểm phiếu sẽ tạm dừng. Hạ viện và Thượng viện sẽ tiến hành các phiên họp riêng để xem xét đơn này. Sau đó, từng nơi sẽ tổ chức bỏ phiếu chấp thuận phản đối hay không.

Nếu cả hai viện đều có đa số thành viên tán thành thì việc phản đối mới có giá trị. Ngược lại, phiếu bầu của đại cử tri sẽ được công nhận.

Lần cuối cùng nước Mỹ chứng kiến một vụ phản đối phiếu bầu của đại cử tri là vào năm 2005.

Khi đó, hai đảng viên Dân chủ là Hạ nghị sĩ Stephanie Tubbs Jones (bang Ohio) và Thượng nghị sĩ Barbara Boxer (bang California) phản đối số phiếu đại cử tri của bang Ohio. Họ cho rằng có các dấu hiệu bất thường trong việc bỏ phiếu tại bang này.

Hạ viện và Thượng viện đã mở phiên họp riêng. Cuối cùng, phản đối bị bác bỏ.

Ai sẽ phản đối trong ngày 6/1?

Hơn 100 thành viên Hạ viện và một số thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử ở những bang mà phe ông Trump cáo buộc có gian lận.

Những bang này đều đã được các quan chức phụ trách việc bầu cử và cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người được chính ông Trump bổ nhiệm, xác nhận là không có gian lận nghiêm trọng trên quy mô lớn.

Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley là người đầu tiên tuyên bố tham gia phản đối kết quả bầu cử cùng với các đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện.

Ngày 2/1, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas) công bố một liên minh cùng 11 thượng nghị sĩ khác sẽ đứng về phe ông Trump.

Vai trò của Phó tổng thống Pence

Phó tổng thống Mike Pence không có quyền tác động đến kết quả bầu cử.

Trong lịch sử, vai trò chủ trì phiên kiểm và xác nhận phiếu của đại cử tri thường đặt các phó tổng thống vào tình huống khó xử, và ông Pence cũng không ngoại lệ. Ông sẽ là người chịu trách nhiệm công bố chiến thắng của ông Biden, cũng là thất bại cho ông Trump.

Ông Pence không phải là phó tổng thống đầu tiên rơi vào tình thế này.

Năm 2001, ông Al Gore chủ trì phiên họp kiểm phiếu của cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 - cuộc đua mà ông thua sát sao trước ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush.

Năm 2017, ông Joe Biden chủ trì cuộc kiểm phiếu và tuyên bố ông Trump là người chiến thắng.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Từ sau cuộc bầu cử đến nay, phần lớn các đơn kiện tụng mà nhóm ông Trump thúc đẩy đều bị bác bỏ ở tòa án các cấp, từ tiểu bang đến liên bang. Tòa án Tối cao liên bang, nơi có 3 vị thẩm phán do ông Trump đề cử, cũng nhiều lần bác bỏ đề nghị phân xử những vụ kiện nhằm vô hiệu hóa kết quả bỏ phiếu ở các bang chiến trường.

Do vậy, phiên kiểm phiếu ngày 6/1 là cơ hội chính thức cuối cùng để Tổng thống Trump và đồng minh phản đối kết quả bầu cử.

Thượng nghị sĩ Cornyn từ Texas nói sẽ đến lúc phe ông Trump nhận ra rằng "dù nỗ lực hết sức mình nhưng họ vẫn không thành công".

Let's block ads! (Why?)