Cabeka (phải) là một trong số ít những người bám càng máy bay và sống sót.
Hành trình bám càng máy bay để tới Anh của Themba Cabeka là không hề dễ dàng. Người đàn ông này may mắn không bị rơi khỏi khu vực chứa càng máy bay, nhưng hôn mê suốt 6 tháng.
Cabeka được tìm thấy nằm trên mặt đất sau khi máy bay hạ cánh ở sân bay Heathrow. Người đàn ông này bị thiếu oxy, toàn thân lạnh cóng vì nhiệt độ âm 60 độ C.
Sự việc xảy ra vào năm 2015, trên chuyến bay của hãng British Airway, khởi hành từ Johannesburg, Nam Phi tới London, Anh. Cabeka bám càng máy bay cùng người bạn tên Carlito Vale, với hi vọng có thể thoát cảnh đói nghèo ở quê nhà. Quãng đường từ Johannesburg đến London dài 9.000km và mất 11 giờ bay.
Vale không may mắn như Cabeka. Người đàn ông này rơi từ trên cao xuống tử vong khi máy bay còn ở cách sân bay Heathrow khoảng 10km.
Cabeka, 30 tuổi, kể lại: “Khi máy bay bắt đầu cất cánh, tôi vẫn còn nhìn thấy mặt đất, thấy những căn nhà, chiếc xe. Rồi không lâu sau, tôi ngất đi vì thiếu oxy. Điều duy nhất tôi còn nhớ là lời nói của người bạn, rằng hai chúng tôi đã bám càng máy bay thành công”.
Hành trình dài hơn 9.000km từ Nam Phi tới Anh.
6 tháng sau, Cabeka tỉnh lại. Một sĩ quan cảnh sát đưa cho người đàn ông xem hộ chiếu của Vale và hỏi có biết người này không. Cabeka trả lời là có. “Anh ta đã không qua được. Anh ấy rơi xuống một tòa nhà cao tầng”, sĩ quan cảnh sát nói tiếp.
Ước tính có 109 trường hợp bám càng máy bay trên khắp thế giới từ trước đến nay, với London là điểm đến phổ biến nhất. Nhưng chỉ có 24 người là sống sót.
Cabeka nói anh và Vale chờ đến khi trời tối, trèo qua hàng rào vào sân bay. “Chúng tôi mặc toàn đồ đen để người ta khó nhìn ra trong bóng tối”, Cabeka nói.
Cabeka nói anh và bạn kiên nhẫn chờ đợi, chờ xem có máy bay nào chuẩn bị cất cánh thì chạy tới trèo lên càng máy bay. Cả hai chọn máy bay của hãng British Airways thay vì các máy bay Mỹ vì không muốn bay qua đại dương.
“Tôi biết là rất nguy hiểm nhưng tôi đã chọn lấy cơ hội cho mình. Tôi không quan tâm là mình sống hay chết. Tôi phải rời châu Phi”, Cabeka kể lại.
Máy bay của hãng hàng không British Airways.
Khi trèo vào trong khoang chứa càng máy bay, Cabeka tự buộc mình bằng một dây điện. Các chuyên gia hàng không nói khoang chứa càng máy bay có đủ chỗ cho người ẩn nấp, miễn là nằm sát vào trong góc.
Đến ngày nay, Cabeka vẫn không thể tin rằng mình đã sống sót khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống âm 60 độ C. “Tôi nửa tỉnh nửa mê khi người ta đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tôi không biết bằng cách nào mà mình rời được khỏi máy bay. Và rồi tôi tỉnh lại ở bệnh viện sau 6 tháng hôn mê”, Cabke chia sẻ.
Các bác sĩ nói Cabeka sống sót vì nhiệt độ đóng băng giúp người đàn ông này rơi vào tình trạng giống như ngủ đông, khi tim, não và các cơ quan nội tạng hoạt động ở mức tối thiểu, hầu như không dùng đến oxy.
“Tôi bị thương ở nhiều nơi trên cơ thể, nhưng may mắn là não bộ không hề hấn gì”, Cabeka nói.
Sau hành trình không tưởng đến Anh, Cabeka nộp đơn xin tị nạn và được chấp thuận. Cabeka hiện đang sống trong một căn hộ nhỏ có một phòng ngủ ở Liverpool.
“Tôi đang chờ làm hộ chiếu. Sau 5 năm, tôi sẽ chính thức có hộ chiếu Anh, sẽ được đi máy bay mà không phải bám càng nữa”, Cabeka nói.
Điều khiến Cabeka trăn trở suốt những năm qua là anh sống sót, còn người bạn đi cùng thì không may mắn như vậy. “Đáng tiếc là tôi không thể tới dự lễ tang của cậu ấy và nói lời tạm biệt”, Cabeka chia sẻ.
Dù đã có một cuộc sống mới ở Anh, Cabke gửi lời khuyên: “Hành trình như vậy không hề an toàn. Nó đặt người ta vào ranh giới giữa sự sống và cái chết”.
Đăng nhận xét