Theo tuyên bố của Apple, quyết định loại bỏ củ sạc tặng kèm trong hộp đựng iPhone 12 và các dòng iPhone cũ của họ là nhằm bảo vệ môi trường bằng cách giảm phát thải rác điện tử. Đó là vì Apple cho rằng, người mua iPhone mới đa số đều đã có củ sạc cũ từ trước và vẫn có thể tái sử dụng, do vậy, việc tặng kèm củ sạc trở nên không còn cần thiết nữa.
Kế tiếp Apple, Xiaomi là hãng smartphone lớn thứ hai chính thức thông báo loại bỏ củ sạc trên flagship mới Mi 11, cũng với lý do "bảo vệ môi trường" như trên. Tuy nhiên, Xiaomi cũng rộng rãi với người dùng hơn Apple khi cho họ lựa chọn giữa phiên bản bỏ củ sạc và phiên bản tặng kèm miễn phí củ sạc nhanh GaN 55W (trong thời gian giới hạn).
Apple bỏ củ sạc có bảo vệ được môi trường?
Đầu tiên là Apple. Công ty cho rằng, hầu hết mọi người đều đã có củ sạc nên việc tặng kèm chúng trong hộp đựng iPhone mới là không cần thiết và có thể gây phát thải rác điện tử. Tuy nhiên, dòng iPhone 12 mới của công ty lại được tặng kèm cáp USB-C to Lightning, không tương thích với các củ sạc đời cũ. Nghĩa là người dùng sẽ phải mua thêm củ sạc tương thích để sạc nhanh cho iPhone mới.
Có lẽ quyết định này chỉ có ích cho môi trường nếu người dùng nâng cấp lên các phiên bản iPhone cũ hơn do chúng tương thích với hầu hết các củ sạc trên thị trường. Nhưng vấn đề sẽ nảy sinh khi người dùng cho tặng hoặc bán máy cũ của mình cho người khác, thay vì mang đến cửa hàng Apple Store để đổi lấy máy mới. Người chủ mới của chiếc iPhone cũ vẫn sẽ phải tìm mua một bộ phụ kiện mới để có thể tiếp tục sử dụng nó.
Nghĩa là việc Apple loại bỏ củ sạc tặng kèm không có nghĩa người dùng sẽ không cần mua củ sạc cho iPhone của mình. Họ vẫn cần đến củ sạc và khi không được Apple tặng kèm nữa, họ sẽ lại phải tìm mua nó từ bên ngoài. Điều này nghĩa là nó sẽ chẳng thay đổi được gì nhiều cho môi trường với hàng đống bao bì đựng củ sạc mới bị vứt bỏ.
Cách làm của Xiaomi càng chẳng khá hơn là bao. Cho dù ra mắt đến 2 phiên bản Mi 11, không củ sạc và tặng kèm củ sạc, với mức giá bằng nhau để người dùng lựa chọn, nhưng thật quá khó để người dùng chọn bảo vệ môi trường.
Đơn giản là vì trong thời gian khuyến mại, người mua Mi 11 phiên bản kèm củ sạc sẽ được tặng miễn phí củ sạc nhanh GaN 55W. Sau khi kết thúc thời gian khuyến mại (Xiaomi không cho biết bao giờ kết thúc), phiên bản bán kèm củ sạc này sẽ có giá cao hơn bản không củ sạc 15 USD.
Chưa kể mức giá chênh lệch, ngay cả tính năng sạc nhanh 55W của củ sạc này cũng là một lý do khiến người dùng khó có thể từ chối được nó. Có lẽ Xiaomi sẽ "bảo vệ môi trường" hơn khi họ tặng kèm người dùng một phiếu mua hàng giảm giá hoặc một viên pin dự phòng nào đó.
Kết quả bán hàng càng cho thấy rõ hơn điều này. Trong số 350.000 người mua Mi 11 đầu tiên, chỉ có chưa đến 6% trong số đó – khoảng 20.000 người mua – chọn phiên bản Mi 11 không kèm củ sạc để bảo vệ môi trường.
Có lẽ, không chỉ Apple hay Xiaomi, bất kể smartphone hay thiết bị điện tử nào cũng đều cần đến củ sạc riêng cho mình. Do vậy, việc loại bỏ sạc sẽ chẳng có ích lợi gì cho môi trường khi người dùng lại phải tìm mua các củ sạc mới mỗi khi nâng cấp máy. Và các phát thải liên quan đến hoạt động mua củ sạc rời đó - như vận chuyển, bao bì đóng gói, ... - sẽ lại tác động đến môi trường theo nhiều cách khác nhau.
Chẳng bảo vệ được môi trường, nhưng tại sao các công ty đều tuyên bố bỏ củ sạc để bảo vệ môi trường
Hóa ra lý do rất đơn giản. Các hãng smartphone luôn muốn cắt giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận cho sản phẩm của mình. Và khi không thể giảm chi phí linh kiện bên trong thiết bị được nữa, họ chọn cách cắt giảm chính các phụ kiện bán cho khách hàng. Nhưng làm thế nào để cắt giảm một phụ kiện đi kèm các smartphone đắt tiền mà không làm người dùng bực bội?
Apple bỏ củ sạc và lời "phanh phui" sự thật của Motorola
Còn gì nhân văn và chính đáng hơn cho quyết định này khi các công ty tuyên bố rằng, nó sẽ giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải rác điện tử. Các tuyên bố này sẽ giúp khách hàng vui vẻ chấp nhận việc hộp đựng điện thoại của mình bị mất đi một phụ kiện rất quan trọng mà chẳng hề than vãn.
Chi phí cho mỗi củ sạc tặng kèm trong hộp, dù nhỏ (khoảng 15 USD với Xiaomi và 19 USD với Apple), nhưng sẽ là một khoản tiền khổng lồ nếu nhân lên cho hàng trăm triệu máy các công ty này bán được mỗi năm. Cắt giảm củ sạc sẽ tiết kiệm cho công ty một khoản chi phí đáng kể trong hoạt động của mình. Hơn thế nữa, việc người dùng vẫn phải tìm mua củ sạc cho điện thoại của mình cũng sẽ giúp công ty có thêm một khoản doanh thu nữa nhờ vào việc bán phụ kiện này.
Hơn thế nữa, với lý do "nhân văn" như trên, giá điện thoại thậm chí còn chẳng giảm sau khi đã bỏ củ sạc, thậm chí còn cao hơn. Chiếc Mi 11 phiên bản bỏ củ sạc có giá ngang bằng với phiên bản tặng kèm củ sạc. Điều tương tự cũng đúng với hầu hết các dòng iPhone vừa bị Apple loại bỏ củ sạc tặng kèm, trong khi đó dòng iPhone 12 mới thậm chí còn có giá cao hơn so với thế hệ tiền nhiệm (tất nhiên bạn sẽ có màn hình và chip CPU tốt hơn).
Cần phải nói thêm rằng, Apple cũng không phải là hãng đầu tiên bỏ củ sạc. Hãng đầu tiên từng làm điều đó là Motorola vào năm 2013 khi xuất xưởng chiếc Moto G phiên bản đầu tiên. Và rất thẳng thắn, hãng đã tuyên bố rằng, mình làm vậy để tiết kiệm chi phí. Quả thật, Moto G là một trong các smartphone có giá tốt nhất và rẻ nhất trên thị trường và mở đầu cho thời kỳ smartphone giá rẻ sau này.
Đăng nhận xét