Các nhà nghiên cứu gần đây phát hiện cá chình điện, hay còn gọi là lươn điện, đi săn theo nhóm, cùng nhau tạo ra dòng điện tới 8.600 volt. Điều mà các nhà khoa học trước đây chưa từng thấy.
Hành động khác thường này được ghi nhận ở lưu vực sông Amazon, Brazil, đặt ra câu hỏi cách thức cá chình điện giao tiếp với nhau.
Cá chình điện thực chất không phải là lươn, là sinh vật có khả năng phóng điện mạnh nhất trên Trái đất. Trước đây, các nhà khoa học nghĩ rằng loài sinh vật này sống độc lập.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, nếu 10 con lươn điện cùng nhau phóng điện trong một khu vực, dòng điện tạo ra lên tới 8.600 volt, tương đương dòng điện cần để thắp sáng 100 bóng đèn.
Cá chình điện là sinh vật có khả năng phóng điện mạnh nhất trên Trái đất.
Nhóm nghiên cứu phát hiện điều bất ngờ khi khảo sát con sông Iriri, là nơi sinh sống của khoảng 100 con cá chình điện, nhiều con dài tới 1,2 mét.
10 con cá chình điện cùng nhau lập thành “một nhóm đi săn”, không khác gì chó sói hay cá voi sát thủ đi săn. Chúng cùng nhau bao quanh con mồi, cùng phóng điện một lúc.
Tiến sĩ David de Santana, tác giả nghiên cứu, nhà khoa học tại Viện Bảo tàng Smithsonian ở Mỹ, nói: “Đây là phát hiện phi thường. Chưa từng được ghi nhận từ trước đến nay”.
Tiến sĩ de Santana nói thêm: “Đi săn theo nhóm là hành động thường thấy ở các loài động vật có vú. Nhưng đối với cá thì rất hiếm. Chỉ có 9 loài cá có khả năng đi săn theo nhóm. Phát hiện trên là rất đặc biệt”.
“Hãy nghĩ về chuyện đó, nếu một con cá chình điện phóng điện mạnh 860 volt thì 10 con tạo ra dòng điện 8.600 volt, đủ để thắp sáng 100 bóng đèn”, tiến sĩ de Santana nói thêm.
Cá chình điện sống ở Amazon, Brazil.
Theo nghiên cứu ban đầu, các nhà khoa học nhận thấy đây là sự kiện hiếm có, chỉ xảy ra ở nơi có nhiều con mồi và tồn tại nhiều cá thể cá chình điện trưởng thành.
“Phương pháp đi săn này giúp cá chình điện săn được những con mồi to lớn mà một mình không thể săn được”, tiến sĩ de Santana cho biết.
Theo tiến sĩ de Santana dòng điện do cá chình điện tạo ra chỉ tồn tại trong hai phần nghìn giây, nhưng đủ để gây sốc khiến một người ngã quỵ.
Tiến sĩ de Santana và các cộng sự đặt mục tiêu đo đạc chính xác dòng điện mà cá chình điện tạo ra khi đi săn theo nhóm, trong lần tới quay trở lại vùng lưu vực sông Amazon.
Theo tiến sĩ de Santana, cá chình điện trong tương lai gần chưa đối mặt với nguy hiểm từ việc con người tàn phá rừng, làm thay đổi môi trường tự nhiên ở Amazon. Nhưng môi trường sống và hệ sinh thái của loài sinh vật này đang đối mặt với nhiều thách thức.
Đăng nhận xét