Theo thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, sữa đậu nành được làm từ đậu tương có giá trị dinh dưỡng khá cao, cứ 100ml sữa đậu nành (100g đậu/lít) cung cấp 28kcalo, 3,1g chất đạm (protein), 1,6g chất béo, 0,4g gluxit, 18mg canxi, 1,2mg sắt, còn nhiều vitamin và chất khoáng khác. Ngoài ra, đạm trong sữa đậu nành cũng chứa đầy đủ các axit amin cần thiết, chất béo trong đậu nành chứa nhiều các axit béo chưa no rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Sữa đậu nành chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, khi dùng sữa đậu nành cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi chỉ nên thay thế một phần sữa động vật, không nên thay thế hoàn toàn vì khi uống nhiều sữa đậu nành sẽ gây khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy do các chất dinh dưỡng trong đó không được hấp thu hết.
Hiện tại, trên thị trường xuất hiện khá hiều các nhãn hàng sữa đậu nành khác nhau được pha tạp từ nhiều thực phẩm, rất ít sản phẩm nguyên chất từ đậu nành. Chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ, các mẹ hoàn toàn có thể tự làm sữa đậu nành (hoặc một số sản phẩm khác từ đậu nành như tào phớ, đậu phụ) cho con sử dụng.
Dưới đây là công thức làm sữa đậu nành, tào phớ và đậu phụ cho bé ăn dặm do mẹ Ken (Hà Nội) chia sẻ, mời các mẹ cùng tham khảo.
Lưu ý: Đây được gọi là cách làm sữa đậu nành, tào phớ và đậu phụ "3 trong 1" bởi chỉ cần làm thành công sữa đậu nành là mẹ có thể sử dụng sản phẩm để làm tiếp tào phớ, đậu phụ cực đơn giản.
Cách làm sữa đậu nành
Ảnh: Mẹ Ken
- 100gr đậu nành ngâm trong nước 6-8 tiếng, đến khi hạt đậu nở to gấp đôi là được. Không nên ngâm lâu quá, đậu sẽ bị chua. Rửa đậu lại bằng nước sạch.
- Dùng máy xay sinh tố, xay mịn 100gr đậu đã ngâm nở với khoảng 800ml nước.
- Đổ hỗn hợp đậu vừa xay xong vào rây, lọc lấy nước.
- Phần cái có thể dùng làm các món ăn chay.
- Nấu nước đậu vừa xay trên lửa nhỏ, vừa nấu vừa khuấy đều để tránh nước đậu bị bén. Nước đậu sôi khoảng 2 phút là xong.
Cách làm tào phớ
Ảnh: Mẹ Ken
- Hoà khoảng 1/3 thìa (dạng thìa nhựa hay ăn sữa chua) đường nho với 5-10ml nước cho tan đường.
- Lấy nước đường vừa pha được cho vào bát sứ, tráng đều quanh lòng bát rồi cho nước đậu đã nấu ở trên vào.
Lưu ý: Không làm ngược lại, nghĩa là không cho nước đường nho vào nước đậu nành
- Chờ khoảng 30 phút -1 tiếng là có tào phớ.
Cách làm đậu phụ
Ảnh: Mẹ Ken
- Sữa đậu nành bắc lên bếp, đun sôi đến khoảng 70 độ thì tắt bếp.
- Lấy nước cốt nửa quả chanh với khoảng 15ml dấm táo trộn đều vào nhau. (Làm nhiều hay ít thì có thể điều chỉnh lượng chanh và dấm. Nên hoà dư dư để khi nào đổ vào hỗn hợp, nếm có vị chua nhẹ là dừng).
- Sữa đậu nành sôi đến 70 độ thì tắt bếp, cho hỗn hợp dấm chanh ở trên vào.
- Lúc này bạn sẽ thấy đậu kết tủa, đóng lại như gạch cua. Lớp nước trong nổi lên trên, đậu phụ chìm xuống dưới.
- Cần dùng 1 khay nhựa có đục lỗ ở mặt dưới, 1 khăn xô và 1 khay nhựa có diện tích bé hơn khay đục lỗ để ép đậu (hình minh hoạ). Lót khăn xô lên trên khay đục lỗ rồi đổ hỗn hợp nước đậu vừa kết tủa được vào khay. Chèn khay còn lại lên trên, dùng tay ép để nước trong đậu chảy hết ra là xong.
Hai khay dùng để ép nước trong đậu. Ảnh: Mẹ Ken
Lưu ý: Lúc ép đậu phải làm khi đậu còn nóng thì mới kết dính được.
Ép mạnh tay quá đậu sẽ khô, ép lỏng quá thì đậu bị nát. Ép thử trước, sau đó kiểm tra, sờ vào thấy đậu mềm mịn, không bị khô quá hoặc nhão quá là được.
Ép xong cứ để đậu nguội tự nhiên là dùng được.
Lưu ý khi cho con dùng sữa đậu nành
- Không cho trứng gà vào đun sôi với sữa đậu nành để uống dễ ảnh hưởng đến sự hấp thụ của cơ thể.
- Trước hoặc sau khi uống sữa đậu nành 1 giờ, không nên ăn cam, quýt, nếu không dễ gây khó tiêu.
- Tránh cho bé uống sữa đậu nành trong khi đang đói. Tốt nhất là uống sữa đậu nành sau bữa ăn sáng 1-2 giờ.
- Không dùng đường đỏ để pha sữa đậu nành vì loại đường này có acid hữu cơ, khi kết hợp với protein trong sữa sẽ sinh ra chất lắng đọng, có hại cho sức khỏe.
- Không đựng sữa trong phích nước nóng vì chất xúc tác của sữa tác dụng lên các chất cáu bẩn trong phích sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn, khi uống sữa dễ bị đau bụng, tiêu chảy.
- Sữa đậu nành để lâu rất dễ hỏng.
>> Xem tiếp: 10 LOẠI SỮA HẠT GIÀU DINH DƯỠNG GIÚP TRẺ TĂNG CÂN
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |
Đăng nhận xét