Các nhà khoa học từ lâu đã tìm kiếm câu trả lời cho khả năng hóa trong suốt của ếch thủy tinh. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke, Mỹ đã khám phá ra cách thức ếch thủy tinh thực hiện chức năng đặc biệt này, theo BBC.
Họ phát hiện rằng khi ngủ, ếch thủy tinh chuyển gần 89% tế bào hồng cầu từ máu vào gan, khiến da và mô cơ của chúng trong suốt hơn 2-3 lần. Khi đó, gan của chúng tăng gấp đôi kích thước.
Khi ếch thủy tinh muốn hoạt động trở lại để săn mồi hoặc giao phối, nó sẽ giải phóng các tế bào hồng cầu trở lại vòng tuần hoàn và kích thước gan lại co lại như bình thường.
Ở đa số động vật có xương sống, việc dồn tế bào hồng cầu lại như vậy có thể khiến những cục máu đông nguy hiểm hình thành trong mạch máu. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với ếch thủy tinh.
Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu lý do và hy vọng đáp án sẽ giúp phát triển thuốc ngăn ngừa máu đông cho người.
Hiện diện khắp các vùng nhiệt đới của Mỹ, ếch thủy tinh có kích thước bằng viên kẹo dẻo. Chúng dành cả ngày để ngủ ở mặt dưới của những chiếc lá.
Để thoát khỏi sự chú ý của thú săn mồi, sinh vật này tự biến cơ thể mình thành trong suốt. Khi đó, chúng biến da và mô cơ thành trong suốt, chỉ để lộ xương, mắt và cơ quan nội tạng. Nếu không nhìn kỹ, những kẻ săn mồi gần như không thể phát hiện ra chúng.
Đăng nhận xét