Cặp vợ chồng hiếm muộn 12 năm sinh con non được 660 gram
Bế cô con gái nhỏ trên tay, chị T. (38 tuổi, Cà Mau) không giấu nổi niềm hạnh phúc khi đã được làm mẹ sau 12 năm kiếm tìm. Chị kể, trước đây đã từng mang thai nhưng không may mắn bị sảy. Sau lần đó, vợ chồng chị ngược xuôi khắp nơi chữa trị với hi vọng sớm có tin vui.
“Tôi đã đi bệnh viện khám cả trăm lần, uống đủ các loại thuốc từ Đông đến Tây Y nhưng không kết quả. Nhiều lần, tôi chán nản muốn buông xuôi, rồi tính vào trại trẻ mồ côi xin con nuôi. Khi ấy, ông xã đã động viên tôi cố gắng đứng dậy, tiếp tục “chiến đấu” với hành trình tìm con”, chị T. tâm sự.
Trước muôn vàn khó khăn trong chuỗi ngày “kiếm con”, vợ chồng chị T. vẫn miệt mài, kiên trì chữa trị và chờ đợi phép màu diệu kỳ đến với gia đình. Đầu năm 2017, chị T. bất ngờ đón nhận tin vui có thai. “Que thử hiện 2 vạch, tôi đã bật khóc nức nở không tin vào sự thật. Sau tất cả, mọi cố gắng nỗ lực của vợ chồng tôi đã được đền đáp. Tôi có thể thực hiện thiên chức làm mẹ sau 12 năm kết hôn”, chị T. nhớ lại.
Khi chào đời, con gái chị T. chỉ nặng 660 gram với nhiều bệnh lý khác nhau
Khi vợ mang thai, chồng chị T. đã quyết định rời quê lên Lâm Đồng làm thuê chờ đợi đến ngày con chào đời. Hằng ngày, anh chăm chỉ làm lụng kiếm tiền mua đồ ăn, sữa bầu cho vợ bồi bổ. Phần còn lại, họ dành dụm để mua tã bỉm, quần áo,…cho con.
Những tưởng người phụ nữ ấy sẽ được trải qua các cảm giác khác lạ, vui sướng trong suốt 9 tháng thai kỳ. Nhưng nó chưa kịp trọn vẹn thì “tai họa” bắt đầu ập xuống với họ. Khi thai gần 24 tuần tuổi (tức chưa đầy 6 tháng), chị T. đột ngột đau lưng rồi sinh thường một bé gái nặng 660 gram.
“Bác sĩ nói tuổi thai của con tôi quá nhỏ nên sau sinh, bé bị suy hô hấp nặng. Hơn nữa, ở Việt Nam rất hiếm bệnh viện có thể nuôi sống được trẻ sinh non. Vì vậy, họ khuyên gia đình tôi chuẩn bị sẵn tâm lý con sẽ mất sớm. Nghe xong, tôi gào khóc, van xin bác sĩ cứu lấy con tôi nhưng không được. Tôi đành nuốt nước mắt vào trong rồi đến bên vợ động viên rằng: Con sẽ nhanh chóng khỏe mạnh.
Sau 24h thấy con vẫn tự thở, tôi quyết định chuyển con và vợ đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để điều trị”, chồng chị T. cho hay.
“Phép màu” giúp bé gái vượt qua lưỡi hái “tử thần”
Quãng đường từ Lâm Đồng lên TP.HCM rất xa, nên khi đến bệnh viện tình trạng sức khỏe của bệnh nhi nặng hơn. Vì vậy, bé không thể tự thở được, phải nhờ đến sự trợ giúp của máy thở. Sau đó, các bác sĩ quyết định bơm chất hoạt động bề mặt của phối cho bé. Nhờ vậy, tình trạng hô hấp của bé gái được cải thiện rõ ràng.
BS.CK2 Nguyễn Thanh Thiện – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khi nhập viện, bé gái mắc nhiều bệnh như nhiễm trùng, rối loạn các chức năng,…đặc biệt là bệnh tim. Do đó, việc bé ăn sữa và cai máy thở rất khó khăn.
“Sau nhiều lần hội chẩn, chúng tôi đã quyết định phẫu thuật cột ống động mạch cho bệnh nhi khi cân nặng chưa đầy 1kg. Dù vậy, bé vẫn chưa cai được máy thở cho đến khi được điều trị loạn sản phổi”, bác sĩ Thiện nói.
Khi đã thở được bằng khí trời, bác sĩ bất ngờ phát hiện bé gái mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Vì vậy, bé gái tiếp tục trải qua cuộc phẫu thuật mắt.
Sau 4 tháng điều trị, nhờ nuôi ăn bằng sữa mẹ cùng quá trình ấp da kề da ngày đêm của cha mẹ, bé gái đã khỏe mạnh trở lại. Thậm chí, cân nặng của bệnh nhi tăng gấp 3 lần lúc sinh (lên tới 2,1kg) với chiều cao 42cm và vòng đầu 29cm.
Mới đây, bé gái đã được xuất viện trong niềm vui của các y bác sĩ và gia đình. “Tôi chưa bao giờ dám nghĩ con khỏe mạnh như một đứa trẻ bình thường. Tôi chỉ ước con có thể tự thở để duy trì sự sống, để tôi có cơ hội được làm mẹ lâu hơn,…Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tập thể bác sĩ tại bệnh viện Nhi đồng 2 đã cưu mang, giúp đỡ cháu thoát khỏi lưỡi hái “tử thần””, chị T. nghẹn ngào.
>> Xem thêm: Người mẹ khóc suốt nửa tháng trời chỉ mong gặp hai con gái sinh non ở tháng thứ 6
Đăng nhận xét