7 thi thể dính chặt trong nhà tắm
Đến trưa 30/7, một ngày sau vụ cháy xưởng bánh kẹo ở xã Đức Thượng, Hoài Đức (Hà Nội) làm 8 người chết, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Dương Quốc Tuấn (người trực tiếp có mặt tại hiện trường thời điểm cháy và là người đưa 3 nạn nhân đi viện, trong đó 1 người đã tử vong, 2 người đang cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia) cho biết, trong họ nhà anh có 4 nạn nhân gặp nạn, trong đó 3 nạn nhân tử vong, 1 người đang điều trị tại viện.
Nhớ lại sự việc, anh Tuấn cho biết, sau khi vào trong hiện trường, anh và nhiều người bàng hoàng khi thấy 7 trong số 8 nạn nhân tử vong ôm nhau chết trong nhà tắm. “Có thể mọi người không thoát ra ngoài được nên chạy hết vào nhà tắm. Nhìn lực lượng chức năng tách các thi thể ra, tôi rất đau lòng, ám ảnh”, anh Tuấn kể lại.
Đám tang các nạn nhân được tổ chức tại nhà tang lễ của thôn Phù Long, xã Long Xuyên
Chiều ngày 30/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vương Duy Hướng, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức cho biết, ngay trong buổi sáng cùng ngày, Huyện ủy tiếp tục triệu tập cuộc họp các ban, ngành trong trong huyện. Tại cuộc họp, Thường trực Huyện ủy đã giao cho các ban, ngành đoàn thể, công an tiến hành vào cuộc sớm, khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị quản lý địa bàn. “Khi có kết quả, trách nhiệm thuộc về ai, cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ tiến hành xử lý đúng người, đúng tội”, ông Hướng thông tin.
Tại xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, không khí tang thương bao trùm khắp vùng quê khi có tới 4 trong số 8 nạn nhân tử vong là người địa phương. Điều đáng nói, gia đình các nạn nhân đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Các nạn nhân tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ, có nhiều em còn đang học PTTH, tranh thủ nghỉ hè đi làm kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Khi PV có mặt tại nghĩa trang thôn Bảo Vệ, xã Long Xuyên, cũng là lúc tang lễ của em Nguyễn Nho Thành (16 tuổi) vừa được cử hành. Ông Nguyễn Nho Mạnh (bác ruột Thành) cho biết, cuộc sống gia đình khó khăn, anh trai bị nhiễm chất độc da cam, chị gái học đại học, bản thân Thành đang học lớp 10 phải bỏ dở để đi làm thuê phụ giúp gia đình. “Cháu mới đi làm được khoảng 4 tháng tại xưởng làm bánh kẹo. Khi nghe tin con gặp nạn, bố mẹ của Thành suy sụp, người thân phải thay nhau túc trực ở nhà”, ông Mạnh kể.
Ngồi bần thần trong căn nhà tối om, ông Nguyễn Nho Trung (bố Thành) vẫn chưa nguôi đau đớn, nấc nghẹn: “Tối hôm trước, Thành về nhà đi sinh nhật bạn. Sáng 29/7, hai bố con tôi chở nhau lên chỗ Thành làm, rồi tôi vội đi làm bảo vệ ở bên quận Đống Đa. Ai ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy con. Gia đình đau xót quá, con trai cả thì tật nguyền, Thành là đứa lành lặn nên bao hy vọng tôi đều đặt vào con, giờ hết cả rồi”.
Tiếp lời chồng, bà Dương Thị Bình (mẹ Thành) mắt đỏ hoe, chia sẻ: “Hôm qua, cháu còn khoe với tôi đi làm tháng này lương được tăng lên hơn 4 triệu đồng. Khi nghe tin dữ, xuống nhận thi thể cháu, nhìn kỹ mới phát hiện ra con có đeo 1 vòng bạc ở cổ và cái quần cháu mặc lúc sáng”.
Gặp nạn khi đi làm phụ giúp gia đình
Tại thôn Phù Long, xã Long Xuyên, khi thi thể hai em Kiều Văn Chúc (15 tuổi) và Kiều Văn Trọng (17 tuổi, cả hai là anh em họ) được đưa về làm tang lễ, hàng trăm người dân đã đến chia buồn, đưa tiễn, ai cũng xót xa. Ông Kiều Thanh Mão (ông họ của em Trọng và Chúc) cho biết, do gia đình hai cháu đều thuộc diện nghèo nên các cháu phải đi làm phụ giúp gia đình. “Cháu Trọng chỉ học hết lớp 9 rồi đi làm thuê ở xưởng bánh kẹo được khoảng 1 năm. Cháu Chúc vừa thi vào lớp 10, nhân dịp nghỉ hè, cháu vào xưởng bánh kẹo làm được hơn 1 tháng thì xảy ra sự việc đau lòng này”, ông Mão nói và cho biết, hiện gia đình cháu Trọng vẫn đang giấu mẹ cháu, nói Trọng bị thương và đang điều trị ở bệnh viện vì lo mẹ cháu bị sốc.
Ông Nguyễn Văn Hiền (trú thôn Phù Long, bố anh Nguyễn Văn Được, chủ xưởng bánh bị cháy) cho biết, trong số 8 nạn nhân tử vong phần lớn đều là anh em, họ hàng bên nội, ngoại, con của cậu vợ, em vợ... trong gia đình. “Xưởng mới đi vào hoạt động được 1 năm, nếu nói là thuê công nhân hay mở xưởng sản xuất là không đúng, chỉ là chúng tôi tạo công ăn việc làm cho mọi người trong nhà, học hỏi lẫn nhau để biết việc. Đây là sự cố không ai mong muốn nên gia đình tôi cũng mong mọi người chia sẻ, cảm thông. Những gì đã xảy ra thực sự quá nặng nề”, ông Hiền chia sẻ và cho biết, cơ quan công an hiện vẫn đang làm việc với anh Được.
Ngồi trên giường, bà Nguyễn Thị Hải, mẹ anh Được liên tục bật khóc. Khẽ nhìn về phía vợ, ông Hiền thở dài: “Được là con trai út, có 2 con nhỏ, đứa lớn 2 tuổi, đứa nhỏ mới sinh vài tháng. Vợ tôi bị bại não khi Được mới 1 tuổi, một mình tôi bươn trải nuôi 4 con ăn học. Đi làm thuê vất vả, nên con trai tôi mở cơ sở làm bánh kẹo, rồi nhiều anh em trong nhà cùng làm kiếm thêm thu nhập nhưng không ngờ tai họa ập xuống. 23 năm chứng kiến vợ nằm liệt trên giường phải có người chăm sóc, giờ tôi càng xót xa hơn khi thấy cảnh vợ gào khóc rồi gọi tên con”, ông Hiền trải lòng.
Trong một diễn biến khác, hai nạn nhân bị bỏng nặng trong vụ cháy vẫn đang được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia. Đến sáng 30/7, một nạn nhân vẫn hôn mê là Nguyễn Văn Tiến Anh (SN 2001), nạn nhân còn lại là Nguyễn Duy Tiến (SN 2001, cùng trú xã Long Xuyên) sức khỏe đã khá hơn.
Thủ tướng yêu cầu sớm điều tra làm rõ Vụ cháy xảy ra khoảng 10h30 sáng 29/7 tại xưởng sản xuất bánh kẹo trên địa bàn xã Đức Thượng, Hoài Đức (Hà Nội), diện tích khoảng 170m2 do ông Trần Văn Được (trú xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) làm chủ. Nguyên nhân xảy ra vụ cháy khiến 8 người thiệt mạng là do xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp. Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo khẩn trương thăm hỏi, khắc phục hậu quả, có biện pháp hỗ trợ kịp thời những nạn nhân và thân nhân người bị nạn. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. |
Đăng nhận xét