Vừa qua Bộ Tài chính đã chính thức áp dụng cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền (lấy số liệu quý trước tính cho quý sau). Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá cách tính này thiếu minh bạch, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Trước những bức xúc này, Bộ Tài chính vừa có văn bản hỏa tốc gửi Văn phòng Chính phủ để “giãi bày” về vấn đề này. Bộ này khẳng định thuế nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở. Mức thuế suất để tính thuế nhập khẩu ổn định theo quý (lấy quý trước tính cho quý sau) cũng tương tự như việc lấy theo bất kỳ một mức thuế nhập khẩu nào, ví dụ như thuế nhập khẩu ưu đãi hay thuế nhập khẩu đặc biệt. Trong giai đoạn này thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế không tán đồng với quan điểm của Bộ Tài chính. Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng: “Chính phương án tính thuế như trên dẫn đến giá bán xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành đầu tiên hàng quý sẽ không phản ánh đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Thậm chí có những thời điểm giá bán xăng dầu trong nước có thể ngược chiều với xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới”.
Nhiều ý kiến cho rằng người mua xăng dầu bị thiệt vì cách tính thuế nhập khẩu. Ảnh: HTD
Ví dụ tại kỳ điều hành ngày 5-4 vừa qua, thời điểm điều chỉnh thuế nhập khẩu bình quân gia quyền cho quý mới, theo bảng cập nhật của Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá dầu diesel thế giới giảm 0,4%. Đáng lẽ ra giá dầu diesel trong nước sẽ có cơ hội giảm giá nhưng cơ quan điều hành lại cho các công ty tăng sử dụng quỹ bình ổn từ 983 đồng lên 1.017 đồng/lít để giữ nguyên giá bán.
Như vậy, theo quy định, quỹ bình ổn giá được áp dụng khi giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao lại được dùng khi giá thế giới giảm. Bản chất quỹ bình ổn do chính người tiêu dùng đóng góp 300 đồng/lít. Do đó đối tượng chịu thiệt là người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ông Long cho rằng việc tính thuế bình quân gia quyền sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bởi theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng là 18,35%. Song nếu doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Hàn Quốc lại được hưởng mức thuế đối với mặt hàng xăng là 10%. Trong khi một số doanh nghiệp nhập khẩu từ ASEAN lại bị áp mức thuế nhập khẩu 20%. Mặt khác, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc sẽ chỉ phải nộp thuế nhập khẩu 10%, trong khi đó mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở đến tay người tiêu dùng hiện hành vẫn ở mức hơn 18%.
“Điều này khiến Nhà nước thất thu thuế còn người tiêu dùng chịu thiệt” - ông Long nêu quan điểm.
Tán đồng quan điểm này, một lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu cho rằng cách tính thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính đi ngược với tinh thần Nghị định 83/2014. Đó là điều hành giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, bám sát, tiệm cận, phản ánh xu hướng giá xăng dầu thế giới.
Tính toán phương án điều chỉnh Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá lại việc áp dụng thuế nhập khẩu bình quân trong phương thức tính giá xăng dầu; đưa ra các phương án điều chỉnh để sớm trình Chính phủ cho ý kiến. |
Đăng nhận xét