Là một đất nước không giàu có về tài nguyên thiên nhiên, người Nhật Bản từ nhỏ đã được giáo dục tinh thần sống tiết kiệm. Trong khi các nước đều kêu gọi người dân phải giảm dùng hàng xa xỉ nhập khẩu thì nước Nhật lại kêu gọi các công dân của mình tích cực dùng hàng nhập khẩu nhằm giảm tình trạng xuất siêu của nền kinh tế.
Nhưng có lẽ do sự cần kiệm đã in sâu vào tâm thức, người Nhật vẫn sống khá giản dị thậm chí hiện tại trào lưu “sống tối giản” còn đang dần lan rộng và được nhiều người ủng hộ.
Chỉ có 3 cái áo sơ mi và bốn cái quần dài, anh Fumio Sasaki, một biên tập viên 36 tuổi ở Tokyo, đã phân tán đi phần lớn vật dụng và hiện chỉ sống với những tiện nghi thật cần thiết.
Tủ phòng tắm tối giản của Fumio Sasaki.
Căn hộ của Sasaki được bạn bè anh ví von như phòng thẩm vấn bởi sự xuất hiện quá ít của đồ đạc. Anh chỉ có 3 cái áo sơ mi và 4 cái quần, 4 đôi tất cùng lèo tèo vài thứ đồ dùng không thể không có.
Vấn đề không phải là do thiếu tiền, mà biên tập viên này đang lựa chọn sống theo cách có ý thức tối giản, trào lưu đang ngày một gia tăng ở xã hội Nhật Bản hiện nay.
Chịu ảnh hưởng bởi thẩm mỹ của đạo Thiền Phật giáo truyền thống Nhật Bản, chủ nghĩa tối giản trở thành một chuẩn mực mới, nó hướng người tiêu dùng tới việc bỏ bớt những vật dụng của mình.
Sasaki đã từng là một người say mê sưu tập sách, đĩa CD và DVD cho đến cách đây 2 năm, anh trở nên mệt mỏi với việc theo kịp xu hướng.
Anh nói: "Tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì tôi đã không sở hữu, những gì đã mất đi". Thời gian sau đó anh bán bớt vật dụng hoặc đưa tặng chúng cho bạn bè.
Anh cho hay: "Bớt thời gian vào việc vệ sinh đồ đạc hay mua sắm, đồng nghĩa với việc tôi có nhiều hơn thời gian dành cho bạn bè, đi chơi hay đi du lịch vào các kì nghỉ. Tôi đã hoạt động nhiều hơn trước”.
Naoki Numahata, người theo chủ nghĩa tối giản, và con gái trong căn hộ ở Tokyo.
Nhiều người khác lại sống theo cách chỉ sở hữu những gì mình thật sự thích theo triết lý của Mari Kondo. Phương pháp sống của cô được đặt tên là “Kon Mari” và được gây bão tại Mỹ.
Katsuya Toyoda, một biên tập viên xuất bản trực tuyến, hiện đang sống trong một căn hộ rộng 22m2 chỉ có một cái bàn và một tấm nệm bông, nói: "Tôi trở thành người sống tối giản để có thể làm những điều mình thật sự thích”.
Cảm hứng cho chủ nghĩa tối giản của Nhật Bản đến từ Hoa Kỳ, và một trong những tín đồ tiên phong của nó là Steve Jobs (cựu chủ tịch Hội đồng quản trị và đồng sáng lập của hãng Apple – BTV).
Có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng thống nhất chung mục đích là đánh giá và thu xếp lại mọi vật để đạt được điều thật sự cần khác – trong trường hợp của Sasaki là để có thời gian đi du lịch.
Đồ dùng nhà bếp tối giản của Saeko Kushibiki ở Fujisawa, phía nam Tokyo.
Sasaki cùng nhiều người khác tin rằng có hàng ngàn cách sống theo chủ nghĩa tối giản cùng với đó là hàng ngàn điều con người muốn quan tâm.
Chủ nghĩa tối giản sở dĩ lan rộng ở Nhật Bản có lẽ cũng bởi vì xuất phát từ tình hình thực tế: Nước Nhật thường xuyên bị rung chuyển bởi những trận động đất.
Cô Saeko Kushibiki đang cất tấm đệm của mình vào tủ trong căn hộ của cô ở Fujisawa.
Năm 2011, một trận động đất 9,0 độ richter và sóng thần đã giết chết gần 20.000 người khiến người ta phải xác định lại tác dụng của các đồ vật.
Anh Sasaki nói: "30-50% các vụ thương tích trong trận động đất có nguyên nhân từ đồ đạc rơi đổ tạo thành". Anh chỉ căn hộ gần như trỗng rỗng của mình là nói: "Nhưng trong căn phòng này, bạn không có gì để phải lo ngại."
Đăng nhận xét