TS.BS Tô Thanh Phương – Phó GĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ chiếm khoảng 0.15% , đặc điểm của rối loạn tâm thần sau đẻ (trầm cảm sau sinh) là người phụ nữ hay có cảm giác buồn rầu, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hay suy nghĩ, hay tủi thân, dễ xúc động…
“Những triệu chứng này đôi khi chỉ thoáng qua trong vòng 1 tuần sẽ hết nếu được sự hỗ trợ giúp đỡ của những người thân trong gia đình nhất là người chồng. Thời điểm 1 tuần đầu sau đẻ là vô cùng quan trọng, các nghiên cứu lý giải rằng, thời điểm mang thai người phụ nữ có nồng độ esterogen rất cao và nồng độ các chất dưỡng thai cao.
TS Tô Thanh Phương - PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Khi sinh con ra, các nồng độ này giảm đột ngột nên sinh ra các rồi loạn tâm thần sau đẻ. Vì thế trong tuần đầu sau đẻ các chị em hay có tâm trạng như đã nói trên, vì thế sự giúp đỡ động viên người phụ là vô cùng quan trọng”, TS Phương chia sẻ.
Theo TS Phương, trong trường hợp sản phụ sau khi đẻ 1 tuần mà những triệu chứng trên không khỏi, có dấu hiệu càng nặng thêm thì được gọi là triệu chứng ngày thứ 3 sau đẻ, lúc này bệnh nhân căng thẳng, không ngủ được, bi quan…nếu triệu chứng này nặng thì phát triển lên thành hội chứng loạn thần sau sinh. Đỉnh cao phát bệnh này là từ ngày 10-15 sau đẻ, có thể kéo dài đến 3 tháng.
“Những người phát bệnh lần đầu sau đẻ sẽ gây loạn thần, hoang tưởng và mọi thứ tập trung vào người con khi cho rằng con đẻ ra là ngoài ý muốn, cho rằng tương lai của con mù mịt và là gánh nặng của bản thân, thậm chí còn cho rằng con mình đã bị chuyển đổi giới tính…vì thế người mẹ sẽ có hành vi quá mức đối với con, cao nhất trong những hành vi đó là giết con”, TS Phương cảnh báo.
Để đề phòng những bất chắc xảy ra, TS Phương cho rằng, nếu sau sinh phụ nữ có biểu hiện loạn thần, cần tách mẹ ra khỏi đứa trẻ ngay lập tức và đưa đi điều trị, bởi nếu để người mẹ gần con thì rất có thể dẫn đến việc người mẹ giết con lúc nào không biết.
Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thể nặng phải đưa đến viện điều trị càng sớm càng tốt.
“Trầm cảm sau sinh có thể dự đoán được, ví dụ trong quá khứ bị trầm cảm rồi, thì sau sinh gia đình cần chuẩn bị tâm lý tốt cho người phụ nữ. Nếu gia đình có mối quan hệ phức tạp cũng có thể gây bệnh, hoặc những bà mẹ đơn thân cũng nên cần có sự quan tâm để tránh trầm cảm sau sinh”, TS Phương khuyến cáo.
Riêng về vấn đề điều trị bệnh trầm cảm, TS Phương cho rằng, trong tuần đầu tiên khi có biểu hiện thì sự quan tâm của gia đình là vô cùng quan trọng, có thể nói là chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Còn khi bệnh đã nặng thì phải đưa đến bệnh viện để tham khám, từ đó sẽ có phác đồ điều trị hợp lý cho từng người bệnh.
Khi phát bệnh trầm cảm, thời gian điều trị phải 2 năm, trong đó điều trị tấn công mất 3-6 tháng, sau đó điều trị duy trì 1,5 năm mới có thể khỏi hẳn được.
Về cách phòng bệnh BS Phương cho biết: “Trước khi có thai phải chuẩn bị tốt tư tưởng cho người mẹ, phụ nữ nên sinh đẻ ở độ tuổi hợp lý là từ 18 tuổi trở ra. Nếu để sớm quá thì chưa chuẩn bị tâm lý làm mẹ, chưa biết gì… Còn đẻ muộn quá (sau 35 tuổi) cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho tốt.
Đối với người từng bị bệnh cần điều trị tốt khi chuẩn bị đẻ lại. Người chồng, gia đình phải chuẩn bị tốt về tâm lý, kinh tế trước, trong và sau khi đẻ để người phụ nữ cảm thấy thoải mái, yên tâm”
Đăng nhận xét