Clip đánh nhau đa phần là nữ sinh
Ngày 18/10, cộng đồng mạng lại được phen “tá hỏa” khi một đoạn clip ngắn được chia sẻ trên mạng xã hội, ghi lại cảnh 3 nữ sinh đánh nhau quyết liệt. Trong clip, một nữ sinh đã bị 2 nữ sinh khác “hội đồng” trong sự kháng cự yếu ớt. Hai nữ sinh đánh bạn luôn nhằm vào đầu để đánh, tát, giật tóc, xung quanh là rất nhiều học sinh đứng ngoài cổ vũ, reo hò.
Chiều 21/10, lãnh đạo trường THCS Lê Lợi (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) đã xác nhận 3 nữ sinh đánh nhau xuất hiện trên mạng xã hội ngày 18/10 là học sinh của trường. Vụ việc xảy ra vào khoảng 11h ngày 18/10. Nguyên nhân là do các em mâu thuẫn nhỏ, nhưng thách nhau rồi xảy ra xô xát. Ba học sinh đánh nhau đều thuộc khối 9.
Vào ngày 11/10 Trường THPT Cẩm Thủy 3 (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cũng đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi học một năm đối với hai nữ sinh của trường vì đánh bạn. Sự việc xảy ra ngày 23/9, hai học sinh đánh bạn tên D.T.Linh và P.T.H.Ly (lớp 12A3), nữ sinh bị đánh lớp 10A2. Trước đó, mạng xã hội xôn xao về clip dài gần 1,5 phút ghi cảnh hai nữ sinh mặc áo đen đấm đá bạn đến ngất xỉu giữa đường.
Đây là hai trong vô số clip trong thời gian ngắn vừa qua. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ đầu năm học 2009 - 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó có cả các vụ án hình sự và ngày càng gia tăng. Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay mà còn dùng hung khí để “xử nhau”.
Ngày càng xuất hiện nhiều clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau.
Chủ yếu do nói xấu, ghen tuông
Cũng theo Bộ GD&ĐT, lý do để học sinh, nhất là nữ sinh đánh nhau cũng khá đơn giản, rất trẻ con như: “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông, đả kích nhau trên Facebook… Tuy nhiên, nguyên nhân của những vụ bạo lực, cũng cho thấy có sự xuất phát từ một thực tế đáng báo động hiện nay đó là học sinh dễ dãi trong tình yêu, yêu quá sớm, thích thể hiện, sống “ảo” trên mạng xã hội, ảnh hưởng từ phim ảnh... Liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường, tính chất ngày càng nguy hiểm không những làm xôn xao dư luận còn khiến các bậc phụ huynh lo lắng khi con em mình tới trường.
Cho rằng văn hóa học đường đang ở mức báo động, một số học sinh đang có những suy nghĩ lệch lạc, ứng xử thiếu văn hóa, Ths Nguyễn Văn Phiên - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: “Có một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ đang ứng xử một cách vô văn hoá, đã ở mức báo động. Văn hoá học đường đang xuống cấp nghiêm trọng, nó thể hiện ở cách ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận giáo viên lẫn học sinh”.
Bạo lực học đường theo nhiều chuyên gia đã đến mức báo động đỏ.
Theo các chuyên gia giáo dục, ở độ tuổi mới lớn, dù là con trai hay con gái thì đều thích thể hiện mặc dù có thể có lý do này, lý do khác nhưng điều quan trọng nhất vẫn là muốn thể hiện bản thân, thể hiện uy lực, thể hiện cái này, cái khác… Có thực trạng đáng buồn là học sinh đứng ngoài xem, cổ vũ và quay clip đưa lên mạng cho thấy nhận thức, sự vô cảm trong các em này. Điều này cần có sự quan tâm, giáo dục nhiều hơn nữa từ gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Có một thực tế hiện nay văn hoá ứng xử học đường đang bị xem nhẹ. Nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống cho học sinh.
Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ ban hành khung quy tắc ứng xử trong trường học. Bộ cũng đang chuẩn bị ban hành Thông tư quy định tổ chức hoạt động văn hóa và ứng xử văn hóa cho học sinh sinh viên trong các nhà trường nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên.
Đăng nhận xét