Vừa qua, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật Nhà thờ Mộ Thánh tại Jerusalem. Nơi đây được tín hữu Kito Giáo tin rằng là nơi chôn cất Chúa Jesus sau khi ngài bị đóng đinh trên thập tự. Những tảng đá cổ xưa được bao phủ bởi những lớp đá cẩm thạch có tuổi đời ít nhất là từ năm 1555 hoặc lâu hơn.
Đền thờ Đức Thánh Edicule, ngôi đền thờ bao xung quanh mộ Chúa Jesus, được đặt bên trong Nhà thờ Mộ Thánh tại Jerusalem. Ảnh: National Geographic.
Các nhà khảo cổ đang tiến hành tháo dỡ một lớp đá cẩm thạch, bên dưới là lớp đá được cho là đã trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của Chúa Jesus. Các nhà khoa học rất ngạc nhiên vì những lớp đá này vẫn còn nguyên vẹn sau hàng ngàn năm. Ảnh: National Geographic.
Đây được cho là bao gồm cả núi Sọ – nơi Chúa Jesus bị đóng đinh, và ngôi mộ nơi Chúa được chôn cất. Công trình này đã trở thành địa điểm hành hương quan trọng với các tín hữu từ thế kỷ thứ 4.
Việc khai quật nằm trong dự án bảo tồn và trùng tu ngôi mộ được tiến hành bởi một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens ở Hy Lạp. Nhóm nghiên cứu nhận thấy cần phải khai quật phần kết cấu bên trong của ngôi mộ để có thể trùng tu lại một cách toàn diện được.
Theo Kinh Thánh, Chúa Jesus được an nghỉ trong một hốc đá trên núi đá vôi, bên ngoài hốc đá là một tảng đá che kín lại. Năm 326, Hoàng đế Công Giáo đầu tiên của Rome là Constantine đã đến Jerusalem để tìm đúng hốc đá mà đã trở thành mộ phần của Chúa Jesus.
Lúc đầu, người dân có thể đến đây và nhìn phiến đá nơi đầu ngôi mộ của Chúa Jesus. Dần dần, người ta xây dựng lên ngôi mộ ngày càng lớn và lần cuối cùng nó được xây dựng thêm là vào năm 1800.
Một nữ tu Công Giáo đang quỳ cầu nguyện bên cạnh nơi chôn cất Chúa Jesus trong Đền thờ Thánh Edicule. Ảnh: National Geographic.
Du khách tới đây sẽ rất khó có được không gian tĩnh lặng để cầu nguyện. Ở đây, công trình kiến trúc mang đậm nét linh thiêng, uy nghiêm, trái ngược với khung cảnh ồn ào và náo nhiệt bởi khách hành hương đến tham dự thánh lễ.
Mặc dù địa điểm chôn cất thật sự của Chúa Jesus vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng Nhà thờ Mộ Thánh vẫn là điểm hành hương chung rất quan trọng của sáu nhánh Kito Giáo từ hàng ngàn năm nay.
Nhiều người phản bác và đặt nghi vấn với địa điểm hành hương này, khi cho rằng Nhà thờ Mộ Thánh nằm bên trong thành phố, trong khi trong Kinh Thánh lại mô tả nơi hành hình và chôn cất Chúa Jesus nằm ở vùng ngoại ô xa xôi, nơi yên tĩnh và ít dân cư sinh sống.
Lãnh đạo những giáo phái Kito Giáo đang nghe trình bày về việc trùng tu Nhà thờ Mộ Thánh bởi những nhà khảo cổ. Ảnh: National Geographic.
Nhà thờ Mộ Thánh hiện được chia quyền sở hữu bởi ba nhánh lớn của Kito Giáo là Công giáo La Mã, Giáo hội Armenia và Chính thống giáo Hy Lạp cùng ba cộng đồng Kito giáo nhỏ hơn là Coptic, Syria và Ethiopia. Họ chia sẻ từng khu vực của ngôi mộ để cai quản và bảo tồn nó.
Tuy nhiên, chìa khóa chính của Nhà thờ được giữ bởi những người Hồi Giáo, những người đạo Hồi này có trách nhiệm mở và đóng cửa Nhà thờ. Sự việc này có lẽ được dẫn đến bởi sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các nhánh Kito Giáo.
Trong năm, vào ngày lễ Phục Sinh – ngày lễ kỷ niệm sự sống lại của Chúa Jesus sau khi bị chết đi vì đóng đinh trên thập giá, hàng ngàn tín hữu trên khắp thế giới cùng hành hương đến Nhà thờ Mộ Thánh để tham dự thánh lễ và chứng kiến phép màu của ngọn lửa ở khu vực đền thờ chính.
Việc trùng tu Nhà thờ được đề xuất từ lâu và bị trì hoãn gần nửa thế kỷ do các giáo phái không đạt được thỏa thuận chung về trách nhiệm và công việc trong việc trùng tu này.
Trải qua bao nhiêu biến cố của dòng lịch sử, từ bị phá hoại bởi thiên tai cho đến sự tàn phá của con người qua bao cuộc chiến tranh, Nhà thờ Mộ Thánh vẫn bền vững và chào đón mọi tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
Đăng nhận xét