Những người thợ mỏ đã bị mắc kẹt trong 17 ngày khi các đội cứu hộ khoan một lối thoát xuyên qua núi - với nhiều thất bại do họ gặp phải sự cố kỹ thuật - trước khi vài mét cuối cùng được khoan bằng tay.
Đoạn video từ hiện trường cho thấy Pushkar Singh Dhami, thủ hiến bang Uttarakhand gặp gỡ các công nhân khi họ bước ra khỏi đường hầm giữa khung cảnh tưng bừng.
Tất cả 41 công nhân dường như đều khỏe mạnh, ông Dhami xác nhận trong cuộc họp báo vào tối thứ Ba 28/11 theo giờ địa phương.
“Không có triệu chứng nào của họ là suy nhược hay sốt, họ đều khỏe mạnh. Mặc dù có cáng để họ ra ngoài nhưng họ đã chọn cách tự bò ra ngoài”, ông nói trước khi cảm ơn các công nhân, kỹ sư và các cơ quan chính phủ đã giúp điều phối nhiệm vụ cứu hộ.
Dhami cho biết, mỗi công nhân được giải cứu sẽ được trao những tấm séc trị giá 100.000 rupee (khoảng 1.200 USD).
Dhami nói: “Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu công ty cho phép 41 công nhân này được về nhà và dành thời gian cho gia đình trong 15 ngày, 20 ngày hoặc 1 tháng”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết cuộc giải cứu thành công “khiến mọi người xúc động” trong một tuyên bố trên X.
Ông viết: “Tôi muốn nói với những người đàn ông bị mắc kẹt trong đường hầm rằng lòng dũng cảm và sự kiên nhẫn của các bạn đang truyền cảm hứng cho mọi người”.
“Tôi cũng ca ngợi tinh thần của tất cả những người liên quan đến hoạt động giải cứu này. Sự dũng cảm và quyết tâm của họ đã mang lại một cuộc sống mới cho những người anh em lao động của chúng ta. Mọi người tham gia vào sứ mệnh này đều nêu gương tuyệt vời về tính nhân văn và tinh thần đồng đội” - Thủ tướng Modi nói thêm.
Những người thợ mỏ này đã bị mắc kẹt kể từ ngày 12/11 khi một phần đường hầm mà họ đang xây dựng ở bang Uttarakhand phía bắc Ấn Độ bị sập, chặn lối ra duy nhất của họ với hơn 60 mét (200 feet) đá vỡ, bê tông và kim loại xoắn.
Nỗ lực cứu hộ đã gặp nhiều thất bại đau đớn, có lúc dừng lại khi máy móc hạng nặng bị hỏng, khiến họ phải đào tay và áp dụng các phương pháp rủi ro khác.
Các kỹ sư ban đầu sử dụng máy khoan để xuyên qua đống đổ nát, nhưng buộc phải từ bỏ nỗ lực vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước sau khi cỗ máy mạnh mẽ do Mỹ sản xuất bị hỏng chỉ cách những người bị mắc kẹt vài mét, buộc họ phải đào bằng tay.
Lực lượng cứu hộ cũng đồng thời khoan xuống qua địa hình núi non không ổn định để tiếp cận những người bị mắc kẹt. Nhưng cuối cùng kế hoạch ban đầu đã thành công.
Sau khi quá trình khoan hoàn tất, lực lượng cứu hộ đã đẩy một đường ống lớn xuyên qua phần cuối của trục thoát hiểm để đưa những người thợ đến nơi an toàn.
Những người lao động - tất cả đều là công nhân nhập cư từ một số bang nghèo nhất Ấn Độ - đã nhận được thực phẩm, nước và oxy qua một đường ống dài 53 mét (173 feet) được đưa qua đống đổ nát và chính quyền cho biết họ vẫn có sức khỏe tốt.
Các bác sĩ tại chỗ vẫn giữ liên lạc thường xuyên với những người bên trong, tư vấn về cách giữ thái độ tích cực và bình tĩnh. Gia đình họ tụ tập ở lối ra đường hầm mỗi ngày để cầu nguyện cho họ trở về bình an.
Đường hầm này là một phần của tuyến đường Cao tốc Char Dham của Thủ tướng Modi, một dự án nâng cấp mạng lưới giao thông trị giá hàng triệu USD gây tranh cãi. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng kết nối với các địa điểm hành hương quan trọng của đạo Hindu trong khu vực.
Dự án đã bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích vì họ cho rằng việc xây dựng nặng nề có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực Himalaya, nơi hàng triệu người đang cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo báo cáo năm 2020 của tòa án, một nhóm chuyên gia đã nói với Tòa án Tối cao Ấn Độ rằng việc xây dựng đường cao tốc sẽ “dẫn đến lở đất và xói mòn đất thêm trong một môi trường vốn đã nhạy cảm”.
Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ sập đường hầm và có khả năng sẽ xem xét vai trò của việc khoan trên núi.
Vụ sập đường hầm là một trong những thảm họa xây dựng gần đây gây chú ý ở Ấn Độ, một quốc gia đang nhanh chóng chuyển đổi cơ sở hạ tầng và chi hàng tỷ USD để nâng cấp mạng lưới giao thông.
Vào tháng 8, hơn chục công nhân đã thiệt mạng sau khi một cây cầu đang được xây dựng bị sập ở bang Mizoram phía đông bắc. Vào tháng 6, một cây cầu bê tông bốn làn xe đang được xây dựng bắc qua sông Hằng ở bang Bihar phía đông bị sập lần thứ hai chỉ sau hơn một năm, đặt ra câu hỏi về chất lượng xây dựng.
Đăng nhận xét