Mẫu bụi của tiểu hành tinh mà tàu vũ trụ Nhật Bản thu thập được.
Tàu vũ trụ Hayabusa-2 của Nhật Bản thu thập mẫu vật từ tiểu hành tinh Ryugu, cách Trái đất khoảng 300 triệu km, trong nhiệm vụ kéo dài 6 năm.
Đầu tháng này, tàu Hayabusa-2 đã thả hộp kim loại kín chứa mẫu bụi và đất xuống một sa mạc ở Úc. Trong quá trình tiếp xúc với bầu khí quyển, hộp kim loại biến thành quả cầu lửa, nhưng không làm ảnh hưởng đến vật chất bên trong.
Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật bản JAXA ngày 15.12 đã mở hộp kim loại. “Khi chúng tôi mở nó, tôi ngỡ ngàng đến mức không nói nên lời. Trọng lượng mẫu vật lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự đoán. Tôi thực sự ấn tượng”, nhà khoa học ở JAXA, Hirokata Sawada, nói.
“Các hạt bụi không mịn như bột, nhưng có nhiều hạt kích thước vài mm”, Sawada nói thêm.
Quá trình phân tích ban đầu xác nhận những hạt cát đen bên trong hộp kim loại là vật chất của tiểu hành tinh, kèm theo một lượng khí gas.
Tiểu hành tinh Ryugu cách xa Trái đất tới 300 triệu km.
Các nhà khoa học Nhật ước tính bên trong hộp kim loại chứa 1 gram vật chất, lớn hơn nhiều so với dự tính ban đầu.
“1 gram có thể là nhỏ, nhưng với chúng tôi, 1 gram là rất lớn”, Masaki Fujimoto, phó tổng giám đốc bộ phận khoa học Hệ Mặt trời tại JAXA, nói. “Nó đủ để trả lời các câu hỏi khoa học của chúng tôi”.
Các nhà khoa học hi vọng mẫu vật sẽ làm sáng tỏ sự hình thành của vũ trụ và có thể cung cấp manh mối về cách sự sống hình thành trên Trái đất.
Seiichiro Watanabe nhà khoa học của dự án và là giáo sư tại Đại học Nagoya, nói ông cảm thấy rất xúc động. “Có rất nhiều mẫu vật và có vẻ như chúng chứa nhiều chất hữu cơ”, ông Watanabe nói. “Chúng tôi hi vọng có thể tìm hiểu thêm về chất hữu cơ phát triển ở tiểu hành tinh Ryugu”.
Một nửa mẫu vật do tàu vũ trụ Hayabusa-2 thu thập được sẽ được chia sẻ giữa JAXA, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA và các tổ chức quốc tế khác. Phần còn lại sẽ được giữ để phục vụ nghiên cứu trong tương lai.
Sau khi thả hộp kim loại chứa mẫu vật về Trái đất, tàu vũ trụ Hayabusa-2 sẽ tiếp tục nhiệm vụ khám phá thêm 2 tiểu hành tinh khác.
Đăng nhận xét