Vừa chuyển đến nhà mới, cả 10 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, khỏe mạnh bỗng lần lượt phát điên khiến người mẹ già như đứt từng khúc ruột.
Lời đồn đoán về ngôi nhà kì lạ
Tôi tình cờ được người bạn kể về một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt ở thành phố Hải Phòng. Đó là gia cảnh của bà Nguyễn Thị Nở (74 tuổi). Bà Nở có 10 đứa con nhưng tất cả đều mắc chung một chứng bệnh thần kinh. Người lang thang biệt xứ, người sống trong trại tâm thần, người đã chết vì tự tử… Câu chuyện bi ai ấy đã thôi thúc tôi lên đường tìm hiểu về hoàn cảnh ấy.
Ngôi nhà của bà Nở nằm ở cuối con ngõ trên đường Đà Nẵng (TP Hải Phòng)
Một ngày cuối tháng 11, tôi lên đường về vùng đất có biệt danh “thành phố hoa phượng đỏ”. Thành phố cảng quả thực khá rộng lớn và đang phát triển mạnh mẽ. Những tuyến đường rộng rãi, khang trang; nhà cửa mọc lên san sát; các con phố cũng sầm uất, nhộn nhịp người qua lại…
Dừng chân tại một con ngõ trên đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), tôi hỏi thăm vào nhà bà Nở. Một người đàn ông trung niên nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lẫm.
“Chú vào nhà đó có việc gì thế? Nhà ấy toàn người điên đấy, ở đây không ai dám lại gần ngôi nhà đó đâu”, người đàn ông nói.
Ngôi nhà từng được vợ chồng bà Nở mua với giá hơn 3 cây vàng
Nói thêm về ngôi nhà bà Nở, người đàn ông cho hay, ngôi nhà ấy xây từ năm Mậu Thân 1968. Những người chủ trước chỉ ở một thời gian rồi chuyển đi đâu không hay, chỉ có gia đình nhà bà Nở là ở lâu nhất.
Gia đình bà Nở rất đáng thương, hoàn cảnh khó khăn, các con cái cứ lần lượt phát bệnh nhưng hàng xóm chẳng ai dám bén mảng đến gần ngôi nhà. Họ sợ, một nỗi sợ vô hình. Họ truyền tai nhau về mảnh đất đó dữ nên những người con của bà Nở cứ lần lượt phát điên.
Theo lời chỉ dẫn của người đàn ông, tôi đi sâu vào cuối con ngõ. Trời mùa đông âm u, cộng với việc đã giữa trưa khiến con ngõ vắng vẻ lạ thường. Một cơn gió lạnh ùa qua khiến tôi hơi lạnh người.
Tới một ngôi nhà nhỏ, nhìn bên ngoài đã cũ kĩ, tường loang lổ, vôi vữa bong tróc… tôi mẩm bụng, đây chắc đã đến nhà bà Nở. Cánh cổng ngoài khóa trái, màu sơn vàng mới quét lại, bên trong bịt kín bằng những tấm tôn xanh nên không thể nhìn vào nhà. Tôi cất tiếng gọi bà Nở.
Cánh cổng mở ra, đứng trước mặt tôi là người phụ nữ khuôn mặt chằng chịt những nếp nhăn; quần áo xộc xệch; mái tóc ngắn bù xù, sợi đen sợi trắng vuốt ngược về phía sau; hàm răng móm mém khiến lời nói của bà không còn rõ nữa. Vâng, đó chính là bà Nở.
Ngôi nhà hiện đang là nơi sinh sống của bà Nở và cô con gái út tên Bích bị bệnh tâm thần
Bà mời tôi vào nhà. Ngôi nhà tuềnh toàng, nhìn qua chẳng có thứ gì đáng giá. Bên trong chằng chịt những vết hoen ố do nước mưa từ trần nhà thấm xuống. Vôi vữa lâu ngày mục ruỗng, rơi đầy xuống sàn nhà. Ngay cửa vào là chiếc ban thờ vẫn còn mới; phía trong góc nhà là chiếc giường có người con gái đang ngồi thẫn thờ bên trong chiếc màn trắng buông thõng.
Tôi biếu bà Nở mấy quả cam, bà liền đặt lên ban thờ ngay. “Hôm qua có ông thầy đến làm lễ, cho cái ban thờ và bốc bát hương mới mà chưa có gì thắp hương”, bà Nở vừa đặt cam lên đĩa, miệng lẩm bẩm.
Thấy có người lạ đến, anh Thứ - hàng xóm đối diện cổng nhà bà Nở ra ngó nghiêng. Biết chúng tôi là nhà báo, anh Thứ vào cùng, nhờ thế mà tôi cũng vững tâm hơn.
Anh Thứ kể, bà Nở ở đây đã lâu nhưng ít giao du với hàng xóm, cộng với việc gia đình bà có nhiều người điên nên cũng chẳng ai dám lại gần.
“Ngôi nhà của bà Nở đang ở cũng mới được như bây giờ, chứ trước đây, lụp xụp lắm. Phần mái mục ruỗng, hễ mưa là dột khắp nhà. Nền nhà trước cũng là nền xi măng, nước mưa chảy nhiều thành như cống rãnh, đen ngòm nhà”, anh Thứ nói.
Chỉ tay xuống nền nhà, anh Thứ tiếp lời: “Cái nền gạch hoa này cũng là người ta làm lại cho. Cái mái nhà bằng tôn cũng vừa được làm mới. Giường chiếu, chăn đệm… hầu hết là do các tổ chức, đoàn từ thiện giúp đỡ chứ bà thì già rồi, các con thì toàn người điên lấy đâu ra ai làm”.
Chị Bích cứ ở nhà vài tháng rồi lại phát bệnh nên phải vào trại tâm thần chữa trị
Mảnh đất 3 đời chủ đều có người điên ở?
Ngồi trầm ngâm trong góc nhà, bà Nở bắt đầu kể về cuộc đời đầy sóng gió của mình.
Bà Nở quê ở huyện Vĩnh Bảo lấy chồng về TP Hải Phòng từ năm 19 tuổi. Khi ấy, bà hằng ngày đi ra chợ buôn rau, còn chồng thì đi bốc vác xi măng ở nhà máy. Hai ông bà sống trong một căn hộ tập thể cũ kĩ của khu nhà máy. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng 2 vợ chồng rất hạnh phúc.
Thế rồi lần lượt bà Nở sinh ra đến 10 người con. Người con gái cả sinh năm 1965, con gái út sinh năm 1983. Những đứa con lớn dần nên diện tích của ngôi nhà tập thể chẳng đủ chỗ chứa cho 12 con người sinh sống. Hai ông bà ra ngoài tìm một chỗ ở mới phù hợp hơn.
Trải qua thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng
Đến bây giờ, do tuổi già nên bà Nở cũng chẳng nhớ năm mua ngôi nhà ấy nữa. Bà chỉ ước chừng đã sống ở đây được hơn 20 năm. Vợ chồng bà mua lại ngôi nhà của một thủy thủ lái tàu người Đà Nẵng với giá hơn 3 cây vàng.
“Lúc mua tôi cũng chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ thấy giá hợp lý và rộng rãi nên mua. Mãi sau thấy người trong ngõ kể, 2 đời chủ đời trước của ngôi nhà này cũng bị điên”, bà Nở kể.
Chuyển về nhà mới sống chưa được bao lâu thì tai họa cứ thế ập đến với gia đình bà Nở. Cả 10 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn cứ lần lượt phát điên; người bỏ đi biệt xứ, người đánh mẹ, đốt nhà… phải đưa vào trại tâm thần.
Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, khi khoảng năm 2002, ông Phong (chồng bà Nở) đang khỏe mạnh bỗng đột tử, bỏ lại bà cùng những đứa con điên.
Người duy nhất bây giờ sống chung với bà Nở là con gái út Phạm Thị Bích (SN 1983). Chị Bích học hết lớp 3 thì nghỉ học, đi bán hàng phụ giúp bố mẹ. Đến năm 16-17 tuổi, chị Bích bắt đầu phát bệnh nhẹ, chị vừa đi làm vừa lấy tiền mua thuốc.
Thế nhưng mấy năm gần đây, bệnh chị Bích nặng hơn nên chị phải nghỉ làm. Cứ 2-3 tháng chị lại phát bệnh 1 lần nên phải đưa vào Trung tâm điều dưỡng người tâm thần ở huyện Vĩnh Bảo chữa trị vài tháng, bệnh thuyên giảm thì bác sĩ lại cho về.
Bao năm qua, đã có rất nhiều câu chuyện liêu trai xung quanh ngôi nhà 300 Kim Mã (Hà Nội).
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Đăng nhận xét