Quá trình mang song thai của chị Trần Thị Huyền T. đầy vất vả khi chị liên tục bị sốt cao ở tuần thai thứ 16, đến tuần thứ 17 thì chị “nín thở” vì hội chứng bệnh hết sức nguy hiểm.
Hành trình tìm con của những cặp vợ chồng hiếm muộn chưa bao giờ là dễ dàng bởi những khó khăn họ gặp phải không ai có thể đoán trước. Trên hành trình gian nan ấy, hành trang của họ chỉ có niềm hy vọng, sự khao khát mà còn có cả những áp lực nặng nề gánh trên vai.
Nhưng chỉ cần vững tin, kiên nhẫn, tìm đúng thầy hợp thuốc và đủ yêu thương thì sẽ có cơ hội được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Cặp vợ chồng anh Nguyễn Minh Q. và chị Trần Thị Huyền T. ở Kỳ Bá, Thái Bình là một trong những gia đình như vậy.
Nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, em bé đáng yêu của anh chị được chào đời
Tinh trùng giảm do biến chứng quai bị, 4 lần thụ tinh nhân tạo không thành công
Kết hôn vào năm 2013, ở tuổi 24 - độ tuổi đẹp nhất của đời người, chị T. và anh Q. cũng như bao cặp vợ chồng khác luôn mơ ước có một gia đình tròn vẹn, đủ nếp đủ tẻ. Vì thế, anh chị không kế hoạch gì để mong sớm có cháu cho ông bà nội ngoại hai bên bồng bế.
Năm đầu tiên trôi qua mà chưa thấy có tin vui, anh chị cũng bắt đầu lo lắng nhưng vẫn không nghĩ rằng mình khó khăn về đường con cái bởi cả hai vợ chồng chị đều còn trẻ và khỏe mạnh. Đến năm thứ hai, gia đình sốt ruột và giục giã, anh chị mới đi từ Thái Bình lên Hà Nội để thăm khám. Nhận kết quả, anh chị ngỡ ngàng khi bác sĩ kết luận anh chị khó có thể mang thai tự nhiên. Do anh Q. bị ảnh hưởng bởi di chứng của bệnh quai bị trước đây nên số lượng và chất lượng tinh trùng sụt giảm.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn trước đây, chị T. vẫn không khỏi bồi hồi: “Lúc ấy, anh chị cũng bắt đầu lo lắng, nhưng cũng không áp lực đâu em ạ, vì chị thấy thương chồng, nên cứ động viên anh chứ cũng không muốn anh phải suy nghĩ nhiều”.
Ngay sau khi có kết quả, vợ chồng anh chị được các bác sĩ gợi ý sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bơm IUI ngay trong phác đồ điều trị đầu tiên. Ngoài việc uống thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ kê, anh chị còn lặn lội tìm mua cả thuốc nam, thuốc bắc với hy vọng cải thiện được tình trạng sức khỏe của chồng. Không những vậy, cứ đọc ở đâu thấy người ta khuyên món gì tốt dành cho sức khỏe sinh sản nam giới là chị lại ngày ngày làm cho chồng.
Thế rồi sau 2 lần thụ tinh nhân tạo cùng bao khó khăn vất vả, anh Q. được các bác sĩ “nhặt” từng “tinh binh” khỏe mạnh để bơm IUI, cuối cùng chị cũng nhận kết quả có thai. “Lúc thử thai lên hai vạch chị sung sướng lắm em ạ, vì cảm thấy mình có con cũng vẫn dễ dàng hơn nhiều so với các cặp vợ chồng cùng hoàn cảnh vô sinh hiếm muộn gặp trên bệnh viện”. Chị T nhớ lại khoảng khắc trước đây.
Cặp song sinh là thành quả sau bao nhiêu năm lận đận về đường con cái của cặp vợ chồng anh Nguyễn Minh Q. và chị Trần Thị Huyền T. ở Kỳ Bá, Thái Bình.
Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, trong lần đi khám thai định kỳ ở tháng thứ 4 anh chị nhận được tin sét đánh: Thai nhi bị đa dị tật, buộc phải đình chỉ. Một lần nữa anh chị dắt díu nhau lên Hà Nội để hội chẩn với các bác sĩ của một bệnh viện sản uy tín bậc nhất ở Hà Nội với hy vọng kết quả sẽ khác với khi đi khám tại Thái Bình.
Nhưng kết luận cuối cùng chẳng khác nào vết dao cứa vào lòng vợ chồng trẻ: Bắt buộc phải đình chỉ thai kỳ. “Cảm giác có bao nhiêu nước mắt thì đã khóc hết vào ngày hôm ấy, mình suy sụp lắm, tưởng chẳng thể nào gắng gượng để tiếp tục được nữa”. Chị T chia sẻ.
Khát khao được làm mẹ vẫn luôn cháy bỏng trong lòng chị. Sau nỗi đau mất con ấy, chờ đợi 6 tháng để cơ thể có thể hồi phục hoàn toàn, anh chị lại tiếp tục hành trình ra thủ đô tìm con. Lần tái khám này, anh còn phát hiện bị viêm gan B, chị thì bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, cần phải chữa trị trước khi thực hiện bơm IUI một lần nữa. Ngỡ tưởng chữa trị xong bệnh thì khả năng thụ thai sẽ dễ dàng hơn, nhưng nỗi buồn vẫn ở lại với anh chị, 2 lần IUI sau đó đều không mang lại kết quả.
Bị nhau tiền đạo, mẹ "nín thở" giữ con
Thất bại chồng chéo thất bại, sau 4 lần IUI không thành công, bác sĩ khuyên chị nên chuyển sang phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Anh chị được chính bác sĩ đang theo dõi và điều trị cho mình ở Thái Bình giới thiệu đến bệnh viện đa khoa Tâm Anh bởi có ở đó có “thầy Lê Hoàng mát tay lắm”.
Không lùi bước trước số phận kém may mắn, anh chị lại vội vã lên Hà Nội tìm “nụ cười trẻ thơ”. Đến đơn vị y tế này, ban đầu anh chị cũng không cho phép mình đặt quá nhiều hy vọng vì “IUI mãi còn chẳng được nên làm IVF lần đầu mình cũng không dám kỳ vọng quá nhiều, sợ lại thất vọng” – chị T kể.
Hai em bé song sinh mặc dù sinh thiếu tháng nhưng cả 2 con đều khỏe mạnh bình thường
Ấy vậy mà, tin vui đã đến với anh chị sớm hơn mong đợi rất nhiều. Ngay từ lần đầu tiên chuyển phôi, chị đã có thai, chị T. chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều rất bất ngờ và thấy thật may mắn khi được các bác sĩ tận tâm với nghề song hành “tìm con” cùng chúng tôi, chỉ sau lần đầu thực hiện, tôi đã có tin mừng rồi”.
Nhìn lại quãng thời gian thực hiện IVF ở bệnh viện, giọng chị T. có phần hào hứng và vui vẻ: “Không chỉ mình tôi mà các chị em hiếm muộn đến bệnh viện IVF ngày hôm đó đều cảm thấy hạnh phúc vì tâm lý của người khó có con rất mặc cảm, nhưng được các bác sĩ nhẹ nhàng động viên và trấn an tinh thần nên tinh thần chúng tôi cũng thoải mái. Nhớ lúc chọc trứng đau đến thấu trời xanh nhưng được nhân viên y tế chu đáo thăm hỏi nên cũng vơi đi được phần nào”.
Sau 12 ngày chuyển phôi, kết quả thử máu của chị T. cao ngoài mong đợi: >1000 mIU/ml. Một tuần sau đó chị đi siêu âm thì biết tin mình mang song thai, xúc động nhớ lại, chị cho biết: “Biết tin mình có thai đôi mà không tin nổi vì quá bất ngờ và hạnh phúc”.
Quá trình mang song thai của chị T. cũng đầy vất vả khi chị liên tục bị sốt cao ở tuần thai thứ 16, đến tuần thứ 17 thì chị lặng người khi nhận được chẩn đoán bị nhau tiền đạo, hết sức nguy hiểm. Chị buộc phải nghỉ làm ở nhà dưỡng thai.
Trong câu chuyện của người mẹ trẻ, chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt đau buồn lẫn hạnh phúc. Chị bảo, lúc mới mang thai thấy mình rất khỏe mạnh. Vậy mà chẳng thể ngờ những tháng giữa lại phải gắn bó với chiếc giường thế này. Vất vả, khổ sở mấy chị cũng chịu được, nhưng chị chỉ thương và lo lắng cho sức khỏe của con.
Tới tuần thứ 35, chị hạ sinh 1 bé trai 2,1kg và 1 bé gái 2,0kg
Chị kể thêm, lúc thai được 16 tuần, chị tự nhiên thấy xuất hiện các cơn co ở tử cung, chị phải nhập viện thăm khám thì bác sĩ kết luận bị nhau tiền đạo và phải giữ gìn rất cẩn thận.
Nói về thời gian ở nhà dưỡng thai, chị T. cho biết: "Ngày đó, mình rất lo sợ. Bình thường, mang thai một đứa con ai chẳng mong đợi những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng mình khó khăn mãi mới có được con thì lại mắc phải một số bệnh lý thai kỳ. Là một người mẹ, biết được đứa con trong bụng đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ, thực sự mình hoang mang cực độ. Lúc đó, có lúc mình phải “nín thở” để giữ con. Cũng may được các bác sĩ và gia đình động viên nhiều, nên mình đã phần nào yên tâm hơn”.
Tới tuần thứ 35, chị hạ sinh 1 bé trai 2,1kg và 1 bé gái 2,0kg. Mặc dù sinh thiếu tháng nhưng cả 2 con đều khỏe mạnh bình thường. Chị T nói: Suốt mười mấy tuần nghỉ dưỡng và theo dõi trong lo lắng, chỉ đến lúc nào được bế con trên tay, mẹ tròn con vuông thì mình mới hoàn toàn yên tâm.
Giờ đây, hạnh phúc và niềm vui đã thay thế hoàn toàn cho những sự lo lắng, thất vọng gia đình chị đã trải qua. Gia đình anh Q. chị T. lại sắp cùng hai thiên thần đón thêm một cái tết ấm cúng có tiếng cười trẻ thơ.
10 năm mong ngóng con yêu nhưng cuối cùng khi được làm mẹ rồi, chị Du Thị Sáu (Hà Nam) lại bị trầm cảm sau sinh, không nhớ cả các con mình.
Theo Bình An (Khám phá)
Đăng nhận xét