Hôm nay, chị bạn nhờ tôi tan ca đưa đi mua sắm Tết. Chồng chị đang đi công tác mà tôi cũng nhân tiện tranh thủ mua chút bánh mứt về cho nhà. Hai chị em mua xong thì cả người cũng rã rệu. Tôi đang định ghé chỗ nào ngồi uống nước và nghỉ chân thì chị lại hối đi đến tiệm nữ trang kẻo hết giờ mở cửa. Tôi đang há hốc mồm thì chị như hiểu ý trả lời:
- Mua tặng dì giúp việc.
Một câu nhẹ hững mà mồm tôi tý nữa rớt xuống đất. Tại sao phải mua tặng dì giúp việc? Nhà chị bạn tôi có hai vợ chồng, hai đứa con và một dì giúp việc. Cả hai đều đi làm, con cái cũng đang tuổi đi học và dì giúp việc thì thuê theo tháng.
Nhìn chị bạn chọn một chiếc vòng tay bằng vàng cũng khá đắt tiền rồi tủm tỉm cười bảo:
- Ngoài tiền thưởng, quà cáp còn phải bánh mứt cho dì. Năm trước chị còn phải lì xì thêm cho con cháu của dì nữa. Chồng chị gần Tết lái xe đưa dì về nhà rồi sang Tết gọi điện thoại hỏi bao giờ lên để đi đón.
Tôi vọt miệng mỉa mai:
- Giúp việc gì mà hơn cả bà hoàng.
Chị vỗ một cái vào tay tôi kiểu không được nói như thế rồi tâm sự. Tết đến mà không chăm sóc giúp việc thì khéo sau Tết cả nhà phải khổ sở.
Thật ra tìm người giúp việc không khó nhưng người có thể gắn bó lâu dài, yêu thương con cái mình và tận tụy với gia đình mình mới là khó. (Ảnh minh họa)
Nhiều chủ nhà thưởng Tết cho người giúp việc ngang với nhân viên văn phòng là để níu chân họ. Nếu không cho họ quyền lợi thì khó có thể khiến họ hết lòng vì gia đình mình, chăm sóc con cái mình chu đáo. Dì giúp việc trông thằng nhỏ của chị mấy năm nay rồi, thế này thì có đáng là bao.
Tôi còn đang định khen chị bạn thật thiện lương và hiểu chuyện. Chị tốt như thế thì có người làm nào lại nỡ nghỉ luôn. Ấy vậy mà chị kể lúc chị vừa sinh em bé, có thuê một người giúp việc để chăm lo nhà cửa. Làm được nửa năm thì đến Tết, chị cũng không có kinh nghiệm ở việc lấy lòng người nên sau Tết người ta “một đi không trở lại”.
Lúc đầu chị và chồng còn chẳng biết lý do vì sao. Cứ nghĩ chắc do thằng con nhỏ quậy khóc mỗi đêm nên người giúp việc mệt mỏi mà đâm ra nản. Nhưng về sau tìm hiểu nhiều gia đình khác cũng gặp tình trạng tương tự thì mới biết, hóa ra do chủ nhà chẳng biết dùng thưởng giữ chân.
Chị còn tâm sự mỗi năm lại thêm khoản hứa hẹn tăng lương sau Tết để người giúp việc có tinh thần mà trở lại với công việc. Người lớn tuổi thì thường thích an phận, hưởng phúc cháu con. Nhớ vừa năm ngoái, con cháu dì giúp việc về đầy nhà, qua hết Tết cả tuần mà dì còn chưa chịu quay lại làm việc. Đến lúc thằng con nhỏ của chị khóc lóc đòi dì thì chị phải gọi để năn nỉ, rồi xuống tận quê đón lên mới chịu làm việc tiếp.
Xã hội ngày càng phát triển, thời gian dành cho công việc còn nhiều hơn thời gian chăm sóc gia đình. Nếu không có người giúp việc thì chị phải nghỉ ở nhà chăm sóc chồng con. Thời gian trước, sau khi sinh em bé, chồng chị bảo ở nhà để chăm con và lo lắng việc nhà. Nhưng là phụ nữ, nếu chỉ sống dựa vào chồng thì bản thân sẽ vô cùng thiệt thòi nên chị cố tìm người giúp việc để trở lại làm việc. Dù lương chị chỉ đủ chi trả lương cho người giúp việc thì chị vẫn đồng ý cam lòng.
Cách chị làm nếu có thể giúp người giúp việc ở lại thì xem như cũng đáng giá. (Ảnh minh họa)
Sống cùng nhau còn phải để ý cảm xúc người làm. Việc nào chị làm được thì sẽ tự làm không dám sai khiến người giúp việc. Tết đến nếu cư xử không khéo thì sang năm lại phải khốn đốn vì tìm người mới. Thật ra tìm người giúp việc không khó nhưng người có thể gắn bó lâu dài, yêu thương con cái mình và tận tụy với gia đình mình mới là khó.
Thôi thì cứ xem người giúp việc như người nhà, càng chân thành và đối đãi hậu hĩnh thì hết Tết mình mới có thể thoải mái và tâm nhàn mà quay lại công việc. Cách chị làm nếu có thể giúp người giúp việc ở lại thì xem như cũng đáng giá.
Đăng nhận xét