Theo 163, người này chính là hoàng hậu đầu tiên của Khang Hi, Hiếu Thành Nhân hoàng hậu - Hách Xá Lý thị.
Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, hoàng đế Khang Hi là người vô cùng quyền lực và là vị quân chủ nổi tiếng tài ba lỗi lạc nhất thời Thanh. Dưới thời cai trị của ông, nhà Thanh đã hoàn thành thống nhất và kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, Mãn Châu, Đài Loan, nhiều phần của vùng Cận Đông nước Nga, bảo hộ Mông Cổ và Triều Tiên. Khang Hi đã tạo ra thời kỳ "Khang Càn thịnh thế" kéo dài tới 134 năm.
Hiếu Thành Nhân hoàng hậu Hách Xá Lý thị sinh năm Thuận Trị thứ 10, thuộc Mãn Châu Chính Hoàng kỳ. Hách Xá Lý thị là một dòng dõi cao quý cổ xưa từ thời nhà Đường và có liên quan đến Hung Nô, Mông Cổ.
Sử sách viết rằng, Hách Xá Lý thị là người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời Khang Hi và có ảnh hưởng nhất đối với ông.
Hách Xá Lý thị là cháu nội của Sách Ni - một trong tứ trụ đại thần của nhà Thanh thời Khang Hi. Khi hoàng đế Khang Hi vừa đăng cơ không lâu, quyền lực trong tay vẫn chưa được củng cố, tổ mẫu của ông là Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu muốn chọn một nữ nhân xuất thân từ các quý tộc cổ xưa để làm vợ cháu mình.
Tham gia tuyển tú lập hoàng hậu có nhiều mỹ nhân dòng dõi hiển hách, ngoài Hách Xá Lý thị còn có con gái của 2 phụ chính đại thần là Ngao Bái, Át Tất Long.
Tuy nhiên, do thế lực của Ngao Bái ngày càng hùng mạnh, uy hiếp đến hoàng vị của hoàng đế Khang Hi, trong khi đó, Sách Ni và Át Tất Long lại chọn đứng ngoài cuộc chiến quyền lực nên Hách Xá Lý thị và con gái của Át Tất Long là Nữu Hỗ Lộc thị đã được chọn nhập cung.
Hách Xá Lý thị vào cung và sau đó trở thành hoàng hậu đầu tiên của hoàng đế Khang Hi khi mới chỉ 13 tuổi.
Lý do khiến hoàng đế Khang Hi vô cùng yêu thương Hách Xá Lý thị là vì nàng hiền lương thục đức, thống lĩnh hậu cung, giúp Khang Hi Đế không ít việc chính sự, đối với thái hoàng thái hậu muôn phần tôn kính, được Chiêu Thánh thái hoàng thái hậu và Nhân Hiến hoàng thái hậu rất thương yêu.
Hơn nữa, vào thời kỳ đầu trị vì của Khang Hi, tình cảnh của ông tương đối khó khăn vì quyền lực chính trị nằm trong tay của Ngao Bái. Do đó, tâm trạng của Khang Hi tương đối nặng nề. May mắn thay, vào thời điểm này, hoàng hậu Hách Xà Lý thị đã bước vào cuộc đời ông và mang lại cho anh sự yên tâm, thoải mái về tinh thần.
Dù cuộc hôn nhân của cả 2 ban đầu hoàn toàn là vì mục đích chính trị, nhưng Hách Xá Lý thị chưa đến 16 tuổi lại có cử chỉ đoan trang, hết mực cung kính hiểu chuyện nên giành được hết sự tín nhiệm, yêu thương của Khang Hi Đế, từ đó trở thành người vợ mà ông tâm niệm nhất. Đế - hậu vì thế sống bên nhau rất ngọt ngào và hạnh phúc.
Năm Khang Hi thứ 8 (1669), hoàng hậu Hách Xá Lý thị hạ sinh ra hoàng tử Thừa Hỗ nhưng không may chết yểu, khiến hoàng đế Khang Hi đau lòng suốt một thời gian dài.
Năm Khang Hi thứ 13 1674), hoàng hậu lại hạ sinh hoàng tử Dận Nhưng, nhưng biến cố khi sinh cuối cùng lại khiến nàng mất mạng. Do di chứng khó sinh dẫn đến băng huyết, hoàng hậu Hách Xá Lý đã qua đời khi chỉ mới 21 tuổi.
Từ không khí vui mừng đón hoàng tử ra đời, Khôn Ninh cung nơi hoàng hậu Hách Xá Lý thị sống tràn ngập sự đau thương.
Hoàng đế Khang Hi cho nghỉ triều 5 ngày, lệnh các chư vương, đại thần, công chúa, vương phi và mệnh phụ Bát kỳ từ Nhị phẩm trở lên phải đến khóc tang.
Liên tiếp nhiều ngày, ông đích thân đến tế rượu. Cùng năm đó, hoàng đế Khang Hi tuyên sách tặng cho thụy hiệu Hiếu Thành Nhân hoàng hậu. Nhiều năm sau, ông vẫn thường xuyên đến lăng mộ của bà để trò chuyện với vong linh của bà.
Dù nổi tiếng chăm chỉ giải quyết chính sự nhưng Khang Hi vẫn có thể dùng cả ngày để ở bên cạnh mộ của Hiếu Thành Nhân hoàng hậu đủ thấy ông thực tình yêu thương, tưởng niệm người vợ này như thế nào.
Theo gia pháp tổ tông của người Mãn Châu, tránh việc công khai lập thái tử nhưng cái chết của Hiếu Thành nhân hoàng hậu đã ảnh hưởng nặng nề đến hoàng đế Khang Hi, khiến ông phá lệ, xin Hiếu Trang thái hoàng thái hậu đưa Dận Nhưng về nuôi ở Càn Thanh cung. Năm Khang Hi thứ 14, hoàng đế công khai lập Dận Nhưng chưa tròn 3 tuổi làm thái tử. Dận Nhưng về sau mắc nhiều lỗi lầm, hoàng đế Khang Hi đã bỏ qua nhiều lần nhưng không sửa đổi nên cuối cùng đã bị phế bỏ.
Đăng nhận xét