Theo đó, phía Netflix cho rằng, những thông tin trên báo chí về chủ đề văn phòng đại diện và đặt máy chủ tại Việt Nam trước đó là không chính xác.
“Trong vòng 72 giờ qua, chúng tôi đã biết một số thông tin chưa chính xác liên quan đến nghĩa vụ thuế, cũng như văn phòng đại diện và việc đặt máy chủ tại địa phương”.
Người phát ngôn của Netflix cho rằng chuyện đặt máy chủ và mở văn phòng tại Việt Nam thì luật không bắt buộc phải làm như vậy. Bên cạnh đó, công ty này ủng hộ việc triển khai những cơ chế cần thiết để những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Netflix có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, một cơ chế như thế vẫn chưa hiện hữu, song nó cần được sớm triển khai trong tương lai gần, và chúng tôi đang thảo luận với các nhà chức trách về hướng giải quyết tốt nhất cho tất cả các bên”.
Người phát ngôn của Netflix cũng khẳng định, tại những quốc gia họ không mở văn phòng thì họ vẫn có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế và bảo vệ quyền lợi cho người dùng thông qua hình thức đăng ký từ xa. Và ở thời điểm hiện tại thì công ty này chưa có kế hoạch mở văn phòng nhưng duy trì cam kết với thị trường và cộng đồng người dùng tại Việt Nam.
Trước đó, tại cuộc họp quý 3 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, với doanh thu hàng trăm tỷ đồng trên năm tại thị trường Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền Netflix của Mỹ tới đây sẽ phải đặt văn phòng tại Việt Nam, cung cấp dữ liệu để cơ quan thuế có cơ sở quản lý, thu thuế theo quy định.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, Netflix hiện chưa đặt văn phòng tại Việt Nam, theo Luật An ninh mạng, dịch vụ này phải đặt tại Việt Nam và chịu trách nhiệm nộp các nghĩa vụ thuế đối với Việt Nam. Cơ quan chức năng ở Việt Nam nhiều lần yêu cầu Netflix tuân thủ các quy định về pháp luật Việt Nam.
Được biết, tại Việt Nam, Netflix cung cấp dịch vụ từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng. Đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam được cho là đã đạt trên 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, thuê bao Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng.
"Sắp tới ngành thuế sẽ phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an để kịp thời xử lý đúng pháp luật dịch vụ nói trên", ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng nở rộ, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng khắp thế giới từ đầu năm 2020 tới nay. Người dân ngày càng có thói quen mua bán hàng hóa qua mạng xã hội nhiều hơn, đặc biệt, hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát triển mạnh nhất ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thực tế, việc các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến xuyên biên giới vào cung cấp dịch vụ tại Việt Nam ngày càng nhiều làm cho doanh nghiệp trong nước lên tiếng về chính sách quản lý sao cho công bằng
Đại diện một công ty kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước cho biết, một bộ phim nước ngoài có bản quyền được các doanh nghiệp nội cung cấp trên hệ thống của họ phải chịu các loại thuế.
Trong đó đáng kể như thuế bản quyền 10%, thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20%. Với một chương trình truyền hình nước ngoài có cài sẵn quảng cáo, khi họ phát thì người Việt Nam phải xem những quảng cáo này nhưng Việt Nam lại không thu được đồng thuế nào từ các quảng cáo này.
"Chính phủ cần phải tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ truyền hình trả tiền trong và ngoài nước. Chính sách bảo hộ ngược (doanh nghiệp nội phải tuân thủ quy định trong khi doanh nghiệp ngoại thì không) đã ảnh hưởng rất lớn tới các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trong nước suốt thời gian qua là bài học cần cân nhắc cho việc quản lý các dịch vụ nội dung số khác", vị này cho hay.
Đăng nhận xét